8 ngân hàng thương mại đã được cấp room tín dụng năm 2023
BÀI LIÊN QUAN
Chủ tịch VARS: Để giảm sức ép lên thị trường, NHNN nên nhanh chóng mở room tín dụng, bơm vốn cho nền kinh tếCó xảy ra “sốt đất” khi cấp room tín dụng cấp mới năm 2023?Room tín dụng năm 2023 có giúp thị trường địa ốc “thở phào”?Theo Báo Công Thương, tính đến thời điểm hiện tại, room tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) được cấp năm nay là 13,5% (năm 2022 room tín dụng là 9,5%). Trong số những ngân hàng đã được cấp room tín dụng thì đây là ngân hàng duy nhất được cấp tăng trưởng tín dụng năm 2023 cao hơn so với năm 2022.
Các ngân hàng còn lại được cấp room tín dụng năm 2023 giảm hơn so với năm trước. Cụ thể, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) được cấp room tín dụng là 11% (thấp hơn 4% so với năm 2022). Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) được cấp room tín dụng 9,8% (năm 2022 là 10%). Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 9,5% (năm trước là 13,5%). Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) là 9,5% (năm ngoái là 10%). Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) là 9,1% (năm 2022 là 11,5%). Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cùng ở tỷ lệ là 9% (năm trước là 15%).
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng đã được cơ quan quản lý thông báo riêng. Cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi và giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng. Dựa trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến của thị trường và đề nghị của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01.
Một số căn cứ để Ngân hàng Nhà nước cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung); tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường…
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước thông tin định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ vào khoảng 14 - 15% và sẽ có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mục tiêu này cao hơn so với định hướng ban đầu của năm 2022 (ở mức 14%). Trong trường hợp điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt cấp room tín dụng cho các ngân hàng. Ba đợt tăng tín dụng được tiến hành có chọn lọc vào những tháng cuối năm để bảo đảm dòng vốn bơm vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát rủi ro.
Từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế cấp room tín dụng đối với các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý I hàng năm, sau đó sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành.
Trong lần cấp room tín dụng đợt 1 này cho các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay. Do đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phấn đấu giảm lãi suất huy động khoảng 0,5%/năm, khối ngân hàng thương mại nhà nước thì có mức giảm nhẹ hơn vì lãi suất huy động trong thời gian qua đã giảm khá sâu.
Việc giảm lãi suất là một trong các tiêu chí để Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng vào những đợt tiếp theo. Một trong những rào cản lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là lãi suất đang quá cao, điều này khiến lãi suất cho vay khó hạ nhiệt. Các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục cao như vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh đình đốn, phá sản, dẫn tới suy thoái kinh tế, nợ xấu gia tăng…