Xung đột giữa Nga và Ukraine có thể khiến kinh tế toàn cầu tổn hại 2.800 tỷ USD
Theo Viettimes, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết nền kinh tế thế giới có thể tổn thất 2.800 tỷ USD sản lượng tới cuối năm 2023 vì xung đột giữa Nga và Ukraine. Thậm chí, con số có thể cao hơn khi giá nhiên liệu tiếp tục tăng.
Số liệu dự báo này chỉ ra rằng chiến dịch quân sự tại Ukraine đang tác động thế nào đối với nền kinh tế. Xung đột giữa 2 nước đã khiến năng lượng tăng giá đột biến, doanh nghiệp và các hộ gia đình tại châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn và tình trạng thiếu hụt lương thực thực phẩm xảy ra trên diện rộng.
Chính phủ các quốc gia phương Tây e ngại rằng cuộc xung đột có thể kéo dài thêm nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm và khiến kinh tế toàn cầu càng trở nên bất ổn khi Nga chuẩn bị sáp nhập vài phần lãnh thổ của Ukraine.
Alvaro Santos Pereira, kinh tế trưởng của OECD cho biết: “Chúng ta đang phải trả giá đắt cho cuộc xung đột này”.
OECD cho biết dự kiến trong năm nay và năm sau, kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3% và 2,2% tương ứng. Trước cuộc chiến, con số được dự báo là 4,5% và 3,2%.
Điều này có nghĩa là hậu quả của cuộc chiến tại Ukraine có thể khiến thế giới mất đi sản lượng kinh tế ngang với sản lượng của Pháp trong 2 năm.
Theo dự báo của OECD, vào năm sau, nền kinh tế của châu Âu sẽ tăng trưởng chỉ 0,3%, còn Đức sẽ thu hẹp 0,7%.
Tổ chức này cảnh báo rằng nếu giá năng lượng tăng thêm, nền kinh tế châu Âu có thể hứng chịu đà giảm mạnh hơn. Trong khoảng thời gian còn lại của năm, nếu giá khí đốt tăng 50%, châu Âu có thể ghi nhận đà tăng trưởng kinh tế thấp hơn 1,3 điểm phần trăm trong năm sau, và kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,7%.
Ông Pereira nói: “Châu Âu sẽ rơi vào suy thoái kinh tế”.
Nếu châu Âu đối mặt với khan hiếm nhiên liệu vào mùa đông tới, sự tăng giá đột biến có thể xảy ra. OECD ước tính rằng mức tiêu thụ năng lượng cần phải giảm trong khoảng 10%-15% so với những năm trở lại đây nếu muốn giảm thiểu nguy cơ này.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình trong cơn bão giá năng lượng, chính phủ các nước châu Âu cũng đã bỏ ra hàng tỷ euro. Trong các biện pháp, có bao gồm kế hoạch áp trần giá năng lượng. Tuy nhiên, động lực giảm nhu cầu năng lượng của hộ gia đình lại bị suy yếu vì mức trần này.
Cái giá của việc hỗ trợ này lại khiến mức nợ công của chính phủ tăng cao hơn. Do đó, chi phí vay mượn tăng và đà tăng trưởng yếu đi. OECD cho biết chính phủ nên tập trung hỗ trợ cho những gia đình dễ bị tổn thương nhất để tránh tăng nợ công.
Theo ước tính của tổ chức này, có 35 chính phủ đang thi hành chính sách hỗ trợ, trong đó có cam kết bỏ ra 50 tỷ USD để giữ năng lượng ở mức giá thấp qua năm nay.
OECD đã hạ mức dự báo của tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm sau còn 0,5% từ mức 1,2%. Tuy nhiên, nhiều khả năng đà tăng trưởng sẽ còn giảm mạnh nữa nếu lạm phát không giảm nhanh.
Cũng theo dự báo của OECD, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng nhẹ trong năm sau. Theo dự báo của OECD, đà tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay là 4,4%, tuy nhiên con số này hiện còn 3,2%. Đà tăng trưởng trong năm 2023 được dự báo đạt 4,7%.