Xử lý triệt để dự án BĐS “đắp chiếu” 10-15 năm: Cần giải pháp đồng bộ
Hàng loạt dự án BĐS “treo” cả thập kỷ
Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh thành, việc xử lý các dự án chậm tiến độ đã được triển khai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng các dự án treo hiện nay vẫn còn rất nhiều. Thậm chí, có những dư án treo hàng thập kỷ, bị biến thành kho bãi, sân bóng hoặc để cỏ mọc um tùm. Việc này dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai, trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, phát triển bất động sản một cách nghiêm túc lại không có quỹ đất để triển khai dự án.
Việc xử lý các dự án treo đã được nhiều tỉnh khẳng định sẽ làm nghiêm. Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên nhân gì, càng ngày, các dự án chậm tiến độ triển khai càng nhiều.
Tại Hà Nội, nói đến các dự án “treo” không thể nhắc đến dự án khu đô thị Tiến Xuân (Thạch Thất) và khu nhà ở Văn La (Hà Đông). Đây là 2 dự án do Sudico làm chủ đầu tư.
Về khu đô thị Tiến Xuân, dự án này nằm trên địa phận xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) và Đông Xuân (huyện Quốc Oai). Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu, dự án này có tổng vốn đầu tư là 2.000 tỷ đồng. Một điều đáng nói, dự án được chính quyền giao cho chủ đầu tư từ năm 2008, tức là cách đây 15 năm. Thời điểm đó, Hà Tây chưa sáp nhập về Hà Nội.
15 năm trôi qua, dự án này vẫn là những cánh đồng hoang vu, nơi chăn trâu, bò của người dân. Điều đáng quan tâm là, những người dân có đất nằm trong đất quy hoạch dự án đang sống trong dở khóc dở mếu vì muốn bán thì không ai mua, sang tên đất, nhà cửa, thế chấp ngân hàng thì không được. Thậm chí, muốn cải tạo nhà cửa, xây mới cũng rất khó khăn.
“Chúng tôi tưởng nơi đây sẽ mọc lên một khu đô thị hoành tráng, hiện đại, đầy đủ tiền ích. Thế nhưng 15 năm qua, dự án này vẫn chỉ bãi đất không, bỏ hoang cho cỏ mọc. Lãng phí đất đai đến thế là cùng”, chị Thanh, một người dân xã Tiến Xuân nói.
Tương tự là dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê (quận Hà Đông) cũng của Sudico. Dự án được UBND tỉnh Hà Tây giao đất cho chủ đầu tư năm 2008. Dự án có quy mô diện tích 12ha, tổng vốn 1.300 tỷ đồng. Đến tháng 11/2015, dự án này lại được UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Và cũng từng đó thời gian, dự án này án binh bất động.
Được biết, dự án Khu nhà ở Văn La – Văn Khê được quy hoạch là khu dân cư, chung cư cao cấp, khu biệt thự cao cấp và dự kiến hoàn thành năm 2009.
Cách đây không lâu, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã đưa ra hàng loạt các dự án treo hàng chục năm gây lãng phí tài nguyên đất đai. Theo kiểm tra 7 trên 15 địa phương, Đoàn Giám sát có báo cáo thông tin, trong kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt, số công trình, dự án phải tuyên bố hủy bỏ do sau 3 năm không triển khai thực hiện đã lên tới hơn 1.700 công trình, dự án, với tổng diện tích đất trên 12.000 ha.
Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Dự án Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân khu vực Đông Nam Bộ được giao đất từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng công trình. Được biết, dự án này do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm chủ đầu tư với diện tích hơn 2ha. 16 năm trôi qua, dự án này vẫn chỉ dừng lại ở việc có tường rào kiên cố.
Tại TP.HCM, đến nay cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay xử lý dự án khu dân cư Vĩnh Lộc. Bởi dự án này đến nay đã kéo dài hơn 24 năm. Cụ thể, Dự án khu dân cư Vĩnh Lộc năm trên địa bàn quận Bình Tân và được phê chuẩn từ năm 1999, chủ đầu tư là công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 5. Tuy nhiên. Một trong những khó khăn của dự án này là công tác vận động thu hồi đất. 24 năm qua, dự án này chưa thể hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc. Một trong những khó khăn của dự án này là công tác vận động thu hồi đất.
Áp dụng đồng bộ các chế tài
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tich Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần mạnh tay, quyết liệt hơn nữa đối với các dự án chậm tiến độ, treo nhiều năm. Vì đây là hành vi gây lãng phí đất rất lớn.
Đầu tiên, cần đánh thuế thật cao đối với các khu đất, dự án bỏ hoang để các chủ đầu tư không thể “ôm” được nữa. Lúc này, họ phải xoay nguồn vốn để đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án cho đơn vị có tiềm lực kinh tế hơn. Khi đánh thuế cao các doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng thì dứt khoát phải xem xét thu hồi dự án.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc ôm đất có lợi cho doanh nghiệp nhưng gây tổn hại đến xã hội. Bởi thực tế cho thấy, đợt sốt đất năm 2007-2008 hoặc trong mấy năm trước, các chủ đầu tư ôm được dự án, đất chỉ cần chuyển nhượng cho đơn vị khác là đã thu về khoản lợi lớn. Bởi họ được giao đất lúc giá đất thấp và chuyển nhượng khi đất sốt. “Doanh nghiệp xin dự án, cố tính ôm đất, găm đất để chuyển nhượng giúp họ hưởng lợi nhưng Nhà nước, xã hội bị thiệt hại bởi thời gian “đất chết” quá lâu. Vì thế, cần có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông Thịnh, vì thế, vấn đề khi rà soát cấp phép đầu tư dự án cho các doanh nghiệp là rất quan trọng. Chỉ nên cấp cho các doanh nghiệp làm ăn bền vững, uy tín mới phát huy được hết giá trị của đất.
Vào giữa năm 2022, Chính phủ đã có chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo".