Xác định thời điểm dòng tiền thực chảy vào bất động sản
Theo Thanh Niên Việt, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam - Ông Nguyễn Quốc Hiệp ghi nhận thị trường BĐS Việt Nam hiện được cho là rất hấp dẫn với 100 triệu dân và còn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, những năm qua có thể thấy thị trường vẫn còn nhiều thăng trầm, nhất là năm 2022. Nhiều vướng mắc khó gỡ, trong đó 70% đến từ pháp lý.
Đầu tiên là sự chồng chéo về pháp luật, đối với BĐS đã có 12 luật tác động chi phối, thậm chí tới 20 luật liên quan. Vì vậy, muốn gỡ khó cho thị trường thì phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ. Giữa các luật hiện đang có sự chồng chéo. Việc tiếp thu ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng Luật còn bị hạn chế.
Tiếp theo là vấn đề giải phóng mặt bằng; Vấn đề quy hoạch; Định giá đất; Chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, theo ông Hiệp, pháp luật cần tập trung hơn nữa giải quyết các vấn đề đã nêu.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) - Ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ, thị trường BĐS hiện đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.
Chính phủ và các Bộ ngành đã có những nỗ lực trong thời gian qua khi ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đã có tác động rất tích cực. Hiện tại, niềm tin từ các nhà đầu tư đang dần hồi phục, nhiều dự án mở bán mới, dẫn tới việc gia tăng số lượng giao dịch.
Tuy nhiên, theo ông Đính, việc cải thiện nguồn cung nhà ở mới và sự ổn định trong tâm lý người mua vẫn còn chậm chạp, cần nhiều thời gian hơn để hoàn thiện dự án mới. Tâm lý nhà đầu tư dù đã ổn định hơn nhưng vẫn còn thận trọng, nhất là với những người đang chịu áp lực tài chính từ các khoản đầu tư trước đây.
Theo khảo sát, có 70% doanh nghiệp cho biết các chính sách về nguồn vốn vẫn chưa thực sự ngấm. Có tới 2/3 doanh nghiệp cho rằng, chính quyền địa phương đã bắt đầu tuyên truyền hướng dẫn tổ chức hỗ trợ chính sách, nhưng chỉ có 15% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của chính sách hỗ trợ về đất đai, gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất; 28% đánh giá việc thực hiện các chương trình tiếp cận vốn vay ưu đãi,…
Chủ tịch VARS nhận định, phân khúc chung cư, nhà ở hiện nay vẫn có sức hấp dẫn, nhất là nhu cầu nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM.
“Khi giá bán những phân khúc này về mức hợp lý từ 30 - 35 triệu đồng/m2, có thể dòng tiền sẽ bắt đầu chuyển vào” - Ông Đính nói.
Dự kiến, cuối năm 2023, cùng với các loại hình BĐS phục vụ nhu cầu ở thực có thể sôi động hơn so với đầu năm, như vậy phân khúc đất nền sẽ phục hồi chậm hơn vì còn mang nặng tính đầu cơ.