Vốn hóa VPBank tăng thêm 22.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng lớn thứ 3 Việt Nam
BÀI LIÊN QUAN
Phó Tổng Giám đốc VPBank đã bán xong 25.000 cổ phiếu nhưng quên đăng ký?Doanh nhân Nguyễn Đức Vinh: Vị banker triệu đô, nhà kỹ trị tiên phong của VPBankDoanh nhân Ngô Chí Dũng: Từ “ông trùm” mì tôm đến Chủ tịch VPBankTrong phiên giao dịch ngày 6/4 vừa qua, cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank đã ghi nhận mức tăng giá lên tới 4,3%. Đến phiên giao dịch ngày 7/4, cổ phiếu của ngân hàng này tiếp tục tăng thêm gần 2%.
Với đà tăng giá liên tiếp này, vốn hóa của VPBank đã tăng lên mức 181.000 tỷ đồng. Con số này đã giúp VPBank vượt qua Techcombank, trở thành ngân hàng lớn thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau 2 cái tên “sừng sỏ” là Vietcombank và BIDV.
Để đạt được thành tích ấn tượng này, chắc chắn không thể bỏ qua chiến lược đầu tư lớn của VPBank trong mảng môi giới chứng khoán. Hiện tại, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Công ty Chứng khoán VPB (VPBS) đó là, dự kiến tăng vốn, đưa công ty trở thành một trong những công ty môi giới chứng khoán có vốn hóa lớn nhất hoạt động tại thị trường Việt.
Mặc dù nhiều thông tin chi tiết về trọng tâm, mô hình kinh doanh của công ty vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên nhiều khả năng trong tương lai gần, VPBS sẽ là một đối thủ lớn trong mảng chứng khoán.
Trước kia, vào hồi tháng 6/2021 VPBank cũng từng vượt qua Techcombank. Thế nhưng, “nhà băng đỏ” đã nhanh chóng lấy lại được vị thế của mình. Tháng 8/2021, vốn hóa Techcombank so với VPBank từng cao hơn 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khoảng cách này đã bị san lấp.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, vốn hóa của VPBank đã tăng thêm 22.000 tỷ đồng, trong khi vốn hóa của Techcombank lại đi ngang. Được biết, cổ phiếu VPBank tăng giá trong bối cảnh một lãnh đạo ngân hàng mới đây đã tiết lộ về lợi nhuận quý 1 của VPBank có thể đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Đây là con số cao kỷ lục mà chưa có ngân hàng nào đạt được.
Còn Techcombank, dự kiến năm 2022 ngân hàng sẽ đạt mức lợi nhuận 27.000 tỷ đồng. Nhà băng này ưu tiên hoạt động kinh doanh nên vẫn không chia cổ tức.
Cách đây không lâu, VPBank cũng thông báo về việc tái định vị thương hiệu sau 12 năm. Việc tái định vị thương hiệu bao gồm thay đổi slogan và tinh chỉnh logo của ngân hàng. Đồng thời, VPBank cũng tăng tốc số hóa mọi quy trình vận hành, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ và năng lực quản trị; tiếp tục nghiên cứu, mở rộng mọi phân khúc khách hàng.
Thông qua những nhận xét tích cực từ các đơn vị phân tích thời gian gần đây và động thái chuyển mình trong giai đoạn mới, cổ đông VPBank có lẽ đang rất kỳ vọng về những thành tích đạt được trong thời gian tới.