Vốn FDI 11 tháng bật tăng
BÀI LIÊN QUAN
Lần đầu tiên Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nướcViệt Nam thu hút hơn 25,1 tỷ USD vốn FDI trong 11 thángDoanh nghiệp BĐS trong thu hút nguồn vốn FDI chất lượng caoVốn đầu tư Nhà nước đạt 74,9%
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách của Nhà nước ước đạt 58.500 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 10.800 tỷ, tăng 35,3%. Vốn địa phương quản lý là 47.700 tỷ đồng, tăng 16,6%. Như vậy, trong 11 tháng qua, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước đạt hơn 445.000 tỷ đồng, đạt 74,9% kế hoạch năm. Tuy nhiên, con số này tăng 19,9% so với cùng kỳ 2021. (11 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư bằng ngân sách nhà nước đạt 74% và giảm 7,7% so với cùng kỳ 2020).
Cụ thể hơn, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8% kế hoạch năm và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt gần 365,9 nghìn tỷ đồng, bằng 76,4% kế hoạch năm và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 242 nghìn tỷ đồng, bằng 72,6% và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 106,5 nghìn tỷ đồng, bằng 83,5% và tăng 25,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 17,4 nghìn tỷ đồng, bằng 95,6% và tăng 7,8%.
FDI bật tăng
Tính đến ngày 20/11, tổng vốn FDI vào Việt Nam bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.812 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 11,52 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 18% về số vốn đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,52 tỷ USD, chiếm 56,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 18,2%; các ngành còn lại đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 25,2%.
11 tháng qua cũng đã ghi nhận 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam. Dẫn đầu trong số đó là Nhật Bản với 3,23 tỷ USD, nước này cũng chiếm tới 28,1% tổng vốn đăng ký cấp mới trong tổng số vốn FDI vào Việt Nam. Vị trí thứ hai là Singapore với tổng cộng 1,97 tỷ USD, chiếm hơn 17”% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng thứ ba là Đan Mạch với tổng số 1,32 tỷ USD, chiếm 11,5%. Doanh nghiệp của quốc gia láng giềng Trung Quốc đầu tư tổng cộng 1,29 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 11,2%. Các vị trí tiếp theo là Hàn Quốc 930,8 triệu USD, chiếm 8,1%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 917,8 triệu USD, chiếm 8%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 994 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 9,54 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cộng cả vốn đăng ký mới và điều chỉnh của các dự án đã được cấp phép từ trước thì FDI trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,76 tỷ USD, chiếm 13,1%; các ngành còn lại đạt 4,29 tỷ USD, chiếm 20,4%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.298 lượt với tổng giá trị góp vốn 4,08 tỷ USD, giảm 7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 1.481 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,12 tỷ USD và 1.817 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị gần 2 tỷ USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,43 tỷ USD, chiếm 35,1% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 955,9 triệu USD, chiếm 23,4%; ngành còn lại 1,69 tỷ USD, chiếm 41,5%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,52 tỷ USD, chiếm 78,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tiếp tục dẫn đầu trong các lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,44 tỷ USD, chiếm 7,3%. Các lĩnh vực khác như: sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,43 tỷ USD, chiếm 7,3%.
Ở chiều ngược lại, hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2022 có tổng cộng 101 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư. Tổng số vốn của các nhà đầu tư Việt Nam là hơn 395 triệu USD. Con số này tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, có 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 78,3 triệu USD, giảm 81,9%.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 474,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 49,9% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài với hơn 236 triệu USD. Xếp thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với 9%, đạt 42,8 triệu USD. Các lĩnh vực khác như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 41,1 triệu USD, chiếm 8,7%.
11 tháng năm 2022 đã ghi nhận 27 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó, Singapore đang là nước dẫn đầu với 79,5 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư; Lào 70 triệu USD, chiếm 14,8%; Hoa Kỳ 38,2 triệu USD, chiếm 8,1%; Đức, Hà Lan, Pháp cùng đạt 34,7 triệu USD, cùng chiếm 7,3%.