VMI - công ty 18.000 tỷ đồng vừa được tỷ phú Phạm Nhật Vượng góp vốn thành lập có gì đặc biệt?
BÀI LIÊN QUAN
Vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa thành lập công ty vốn 18.000 tỷ đồngTỷ phú Phạm Nhật Vượng chi hơn 243,46 triệu cổ phiếu VIC góp vốn thành lập công ty đầu tư bất động sảnMô hình kinh doanh của VMI - công ty vốn 18.000 tỷ vừa được tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập hoạt động như thế nào?Thông tin từ Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia cho biết, Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư bất động sản VMI đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh vào ngày 19/9 vừa qua. Đáng chú ý, doanh nghiệp bất động sản này hoạt động theo mô hình mua sản phẩm của Vinhomes, sau đó chia thành 50 phần và bán cho các nhà đầu tư vốn nhỏ.
Thời điểm thành lập, vốn điều lệ của VMI là 18.000 tỷ đồng, bao gồm 3 thành viên sáng lập là Công ty cổ phần Vinhomes, ông Phạm Nhật Vượng cùng với bà Phạm Thu Hương. Trong đó, phần góp vốn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là cao nhất với tỷ lệ lên đến 90%, tương ứng với 16.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vinhomes và bà Phạm Thu Hương đồng sở hữu 5% cổ phần, mỗi bên đều góp 900 tỷ đồng.
Được biết, số cổ phiếu của ông Vượng tương đương với 6,3% cổ phần của Tập đoàn Vingroup và bằng ¼ lượng cổ phiếu của Vingroup (được biết ông Vượng đang nắm giữ trực tiếp 985 triệu cổ phiếu của tập đoàn này). Điều này đồng nghĩa với việc, VMI sẽ trở thành một cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup, đồng thời vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam cũng cam kết sẽ duy trì đầu tư cùng với nắm quyền kiểm soát lâu dài ở trong VMI JSC.
Ngoài phần sở hữu trực tiếp, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (cũng là một công ty do tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm quyền chi phối) hiện đang là cổ đông lớn nhất của Vingroup, sở hữu đến 32,6% cổ phần của tập đoàn này. Đáng chú ý, Chủ tịch Vingroup không chỉ nắm giữ quyền chi phối tại Vingroup và CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam mà còn trực tiếp nắm giữ vốn của nhiều công ty khác, bao gồm: VinFuture, VinES và Asian Star Trading & Investment. Đáng chú ý, bà Phạm Thu Hương (vợ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng) đồng thời là Phó Chủ tịch Vingroup cũng đang nắm giữ khoảng 169,9 triệu cổ phiếu VIC.
Sau khi phát đi thông tin đối với việc góp vốn thành lập VMI, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhanh chóng đăng ký quyền sở hữu 243,46 triệu cổ phiếu sang công ty mới thông qua Trung tâm lưu ký chứng khoán. Được biết, giao dịch này sẽ được thực hiện từ ngày 12/10 đến ngày 10/11/2022.
“Công ty 18.000 tỷ đồng” VMI hoạt động như thế nào?
Theo như giới thiệu, VMI JSC được thành lập với mục tiêu hỗ trợ cho các nhà đầu tư vốn nhỏ có được cơ hội đầu tư bất động sản cũng như quản lý các bất động sản, phát triển thị trường thứ cấp để tăng thanh khoản cùng với các giá trị cho loạt bất động sản của Vinhomes. Đáng chú ý, công ty mới này cũng đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản có sẵn hoặc hình thành trong tương lai của Công ty Vinhomes. Sau đó, giá trị của các bất động sản sẽ được chia thành 50 phần, những khách hàng của công ty có thể tham gia đầu tư từng phần bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Đáng chú ý, những nhà đầu tư hợp tác với VMI JSC sẽ được công ty chứng nhận quyền tài sản, sau đó được phân chia lợi nhuận phát sinh từ những quyền của tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng toàn bộ lợi ích kể từ việc gia tăng giá trị của những bất động sản ở trong thời gian đầu tư. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng sẽ được VMI JSC cam kết về một mức lợi nhuận tối thiểu hàng năm, đảm bảo vẫn có một nguồn thu nhập cố định trong trường hợp thị trường biến động vô cùng bất lợi.
Được biết, VMI JSC sẽ công bố công khai những chính sách hợp tác đầu tư trên nền tảng thông tin bất động sản trực tuyến. Theo đó, nền tảng thông tin trực tuyến này có vai trò hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm thông tin đầu tư, trao đổi cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư khác, những thông tin tư vấn liên quan và cách thức thực hiện những giao dịch chuyển nhượng quyền tài sản dựa trên sự xác nhận của công ty VMI JSC.
Đáng chú ý, VMI JSC gợi liên tưởng đến mô hình quỹ tín thác đầu tư bất động sản, còn được gọi là REIT (Real Estate Investment Trust). Nguyên nhân bởi, dù không phải là REIT nhưng VMI vẫn có một số điểm tương đồng nhất định khi xét về cách thức hoạt động.
Thời điểm hiện tại, ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất một quỹ REIT, đó chính là TCREIT thuộc sở hữu của Công ty chứng khoán của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Theo tìm hiểu, TCREIT đi vào hoạt động từ năm 2017, đồng thời chứng chỉ của quỹ cũng đã được niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Bên cạnh đó, một số công ty quản lý quỹ cũng từng có ý định thành lập REIT. Hiện nay, có khá nhiều fintech đi theo mô hình này, tuy nhiên khung pháp lý vẫn là vấn đề vướng mắc ở Việt Nam.
Ở thị trường nước ngoài, REIT hoặc là quỹ tín thác đầu tư bất động sản là một sản phẩm không còn mấy xa lạ. Đối với các nhà đầu tư, chức năng của REIT là giúp cho các cá nhân có thể chung tay đầu tư vào một bất động sản hoặc một quỹ bất động sản thông qua việc phát hành cổ phiếu hoặc chứng chỉ cổ quỹ.
Chính vì thế, những nhà đầu tư cá nhân vẫn có thể dễ dàng sở hữu một danh mục bất động sản riêng mà không cần khối lượng vốn quá lớn. Thông qua việc này, nhà đầu tư cũng nhận về một phần lợi nhuận từ việc vận hành bất động sản của quỹ đã nhận ủy thác đầu tư. Đáng chú ý, REIT có các bất động sản đầu tư là các tòa nhà văn phòng, căn hộ, khách sạn, trung tâm mua sắm hoặc những căn nhà đang được thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng.
Theo thời gian, việc vận hành của càng bất động sản này ngày càng hiệu quả sẽ giúp nhà đầu tư nhận về mức lợi nhuận cao. Ngược lại, nếu các bất động sản vận hành không tốt, nhà đầu tư sẽ không thể thu về lợi nhuận. Các quỹ này không phát triển bất động sản để bán lại giống như các công ty truyền thống; thay vào đó quỹ sẽ mua, sau đó phát triển các tòa nhà giống như một phần trong danh mục đầu tư. Chính vì thế, khả năng điều hành REIT của những người đứng đầu là một điều vô cùng quan trọng đối với những nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào quỹ này.
Trên thế giới, có tổng cộng 3 quỹ tín thác đầu tư bất động sản chính. Thứ nhất là REIT cổ phần (equity REIT) là loại hình chiếm tỷ trọng lớn nhất, có chức năng đầu tư vào bất động sản, quản lý cũng như cho thuê và cung cấp các dịch vụ đi kèm để tạo ra doanh thu. Thứ hai là REIT thế chấp (mortgage REIT) chuyên về sử dụng vốn huy động của các nhà đầu tư, cho các công ty phát triển bất động sản khác vay để hưởng lợi nhuận. Cuối cùng chính là loại hình REIT được kết hợp từ hai loại hình nêu trên.