Vinhomes, Novaland, Đất Xanh,… “ví tiền” của doanh nghiệp địa ốc nào còn rủng rỉnh?
Theo An ninh Tiền tệ, hiện tại, các doanh nghiệp địa ốc đều đã công bố báo cáo tài chính quý III. Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm, phần lớn doanh nghiệp giảm mạnh tiền mặt. Thậm chí, tiền của một số công ty đã vơi hơn nửa.
Tính đến ngày 30/9/2023, tiền và các khoản tương đương tiền của CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) là 2.910 tỷ đồng. Với các khoản tương đương tiền vào cuối quý III của VHM là 427 tỷ đồng.
Vinhomes cho biết, các khoản tương đương tiền gồm các khoản đầu tư vào khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại với kỳ hạn 1 - 3 tháng, lãi suất hưởng từ 3,3 - 6,2%.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland; mã chứng khoán: NVL) ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền là 3.435 tỷ đồng, giảm 60% so với cuối năm 2022. Vào cuối quý III, tiền của doanh nghiệp còn 1.272 tỷ đồng, giảm gần 58% so với cuối năm ngoái.
Đối với các khoản tương đương tiền là 2.162 tỷ đồng, giảm 61,4% so với thời điểm cuối năm ngoái. Theo NVL, các khoản tương đương tiền gồm khoản gửi ngân hàng có kỳ hạn 1 - 3 tháng và hưởng lãi suất từ 2,5 - 6%/năm.
Tuy nhiên vào cuối tháng 9, tiền và các khoản tương đương tiền được NVL dùng làm tài sản đảm bảo cho những khoản vay và bảo lãnh là 132 tỷ đồng. Đồng thời, tiền đang được quản lý bởi các ngân hàng cho vay với mục đích sử dụng từng dự án là 958 tỷ đồng, trong khi cuối năm ngoái là 5.537 tỷ đồng.
Trong quý III, Novaland đã chi hơn 2.300 tỷ đồng mua lại trước hạn một phần trái phiếu lưu hành của 2 lô trái phiếu.
Trong quý III, tiền và các khoản tương đương tiền của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) là 52,6 tỷ đồng, giảm tới 80% so với cuối năm ngoái. Toàn bộ 52,6 tỷ đồng đều là tiền, doanh nghiệp không có các khoản tương đương tiền.
Trong khí “ví tiền” của nhiều “ông lớn” đều bay hơi do thị trường bất động sản ảm đạm, thì một số doanh nghiệp BĐS khác cho biết tiền và các khoản tương tiền đã phòng ta hơn so với quý trước đó.
Theo đó, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) ghi nhận 644 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền trong quý III, giảm 30% so với cuối năm ngoái, nhưng tăng 41,5% so với cuối quý II/2023.
Trong đó, những khoản tương đương tiền là 242,7 tỷ đồng, gửi ngắn hạn với kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại các ngân hàng và hưởng lãi suất từ 3 - 6%/năm. Tiền mặt là 401 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương tiền của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) là 2.334 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 15% so với cuối năm ngoái, tăng 76% so với cuối quý II.
Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của KDH là 920 tỷ đồng, còn lại 1.414 tỷ đồng là các khoản tương đương tiền. Theo Khang Điền, các khoản tương đương tiền gồm các khoản tiền gửi ngân hàng với thời hạn gốc không quá 3 tháng với lãi suất từ 3,8 - 5,5%/năm.
Cũng vào cuối quý III, CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền là 2.677 tỷ đồng, giảm 29% so với cuối năm ngoái, nhưng tăng 15,3% so với quý II. Trong đó, 929 tỷ đồng là tiền, các khoản tương đương tiền là 1.749 tỷ đồng. NLG cho biết, các khoản tương đương tiền gồm các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng, lãi suất từ 4,1 - 6%/năm.
Theo nguyên tắc kế toán, các khoản mục như tiền sẽ mang tính chất thời điểm, nên cần nhìn vào quãng thời gian dài thì mới hiểu thêm về hoạt động của doanh nghiệp. Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn thì một số doanh nghiệp đã “cạn tiền”.