Việt Nam sở hữu sức hấp dẫn nào khiến Apple và các “ông lớn” công nghệ lựa chọn trong dịch chuyển chuỗi cung ứng?
BÀI LIÊN QUAN
Foxconn của Apple sẽ rót 300 triệu USD cho nhà máy mới đặt tại Bắc GiangApple Watch và MacBook sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tớiNền kinh tế thế giới “lao đao”, Apple vẫn kiếm bộn tiềnSức hấp dẫn của ngành công nghiệp điện tử Việt
Theo vtv.vn, trong thời gian gần đây, khi thông tin Apple sẽ sản xuất đồng hồ Apple Watch và máy tính xách tay MacBook tại Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Cụ thể, nguồn tin từ trang Nikkei Asia cho biết, Apple đang đàm phán với một số nhà cung cấp để lần đầu sản xuất máy tính MacBook và Apple Watch tại Việt Nam.
Cùng với đó là thông tin Foxconn đơn vị quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple vừa quyết định đầu tư thêm 300 triệu USD và thuê hơn 50 ha đất để xây dựng nhà máy mới tại Bắc Giang. Hai thông tin này là những tín hiệu vui của ngành công nghiệp Việt Nam, cho thấy khả năng của nước ta hoàn toàn có thể đáp ứng sản xuất những sản phẩm đến từ “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ.
Trên thực tế, từ đầu năm 2020 cho đến nay, loạt công ty trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để đa dạng chuỗi cung ứng sản xuất, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt nam (VASI), Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng một số nhà đầu tư đã chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam trong bối cảnh sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu và các nhà đầu tư không muốn tập trung vào một thị trường duy nhất nhằm phân bổ rủi ro, đồng thời chính sách Zero Covid vẫn đang được Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt.
Thời gian đầu chuỗi cung ứng của Apple chuyển sang Việt Nam, các nhà sản xuất, cung ứng mới chỉ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm có giá trị gia tăng và mức độ phức tạp chưa cao như tai nghe AirPods.
Với động thái mới của Apple khi chuyển dịch dây chuyền lắp ráp Macbook và đồng hồ thông minh Apple Watch sang Việt Nam, đây là những sản phẩm trước đây Việt nam chưa từng được tham gia sản xuất.
Không chỉ đến khi Apple lựa chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy sản xuất, lĩnh vực công nghệ điện tử của Việt Nam đã đón nhận sự tin tưởng từ Samsung, một trong những hãng công nghệ lớn nhất trên thế giới đặt cứ điểm sản xuất. Mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung cho biết sẽ triển khai từng bước để đầu tư 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, tập đoàn sẽ chuẩn bị để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn, tiến tới sản xuất đại trà tại nhà máy ở Thái Nguyên. Samsung kỳ vọng sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại Thủ đô Hà Nội vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.
Ông Robert Wu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sharp, Nhật Bản, cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng cả cơ sở sản xuất kinh doanh tại đây. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng tốc phục hồi và phát triển hơn nữa sau đại dịch. Chính phủ cũng đang dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI, đây là động lực để chúng tôi tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam".
Một trong những lợi thế lớn của Việt Nam đó là giữ vững sự ổn định kinh tế đặc biệt trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu hiện nay. Bên cạnh đó là tốc độ phát triển kinh tế bền vững, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tốt và linh hoạt là những điểm hấp dẫn của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư FDI. Do đó, không chỉ những “ông lớn” công nghệ, điện tử lựa chọn Việt Nam mà nhiều tập đoàn ở các lĩnh vực khác cũng đã có kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng tại nước ta.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KorCham) tại Việt Nam đánh giá: "Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Điều đó tạo ra một môi trường sản xuất khá là thuận lợi. Samsung đang sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam, sản lượng rất đáng kể, chiếm hơn một nửa số lượng sản xuất của tập đoàn toàn cầu".
Bà Hương cho rằng, đây là những tín hiệu đáng mừng. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn điện tử lớn như Samsung hay Apple vào Việt Nam sẽ làm tăng vị thế của ngành công nghiệp điện tử trong nước trên bản đồ công nghiệp điện tử thế giới. Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư quốc tế. Điều này cũng làm tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và năng lực của lao động Việt.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ điện tử cho rằng, việc Apple chuyển dịch sản xuất các sản phẩm vào Việt Nam cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những thị trường trọng điểm trong tương lai. Đồng thời cho thấy tiềm năng thị trường đủ lớn để hấp thụ các sản phẩm từ các nhà máy này với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS cho rằng khi Apple lựa chọn sản xuất MacBook và Apple Watch tại Việt Nam chứng tỏ thị trường nước ta đã đạt một số tiêu chuẩn nhất định của “gã khổng lồ” này sau thời gian thử nghiệm của nhóm các sản phẩm tầm thấp.
Không trở thành khách trên chính sân nhà
Có thể thấy, Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao sáng trong làn sóng dịch chuyển, đầu tư dây chuyền công nghệ cao của các tập đoàn lớn. Điều này đạt được nhờ những chính sách thu hút nhà đầu tư là các tập đoàn đa quốc gia đang có nhu cầu đa dạng hóa, tối ưu hóa các chuỗi cung ứng trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi. Theo đó, việc lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó chú trọng các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, là thu hút có chọn lọc các dự án công nghệ cao, đặc biệt là không chấp nhận các dự án mới nhưng có công nghệ lạc hậu. Việc thu hút đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đã chuyển từ số lượng sang chất lượng, hiệu quả và sự liên kết, cùng với đó xây dựng các chuỗi giá trị có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt. Thông qua đó, góp phần hỗ trợ phát triển của công nghiệp điện tử Việt Nam lên một tầm cao mới, các doanh nghiệp trong nước được nâng cao chất lượng công nghệ.
Theo bà Hương, đây là một cơ hội tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam bởi các nhà cung ứng khi vào thị trường bên cạnh việc mang theo chuỗi sẽ ít nhiều tìm kiếm các nhà cung ứng ở trong nước.
Bà Hương nói: “Để có thể nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực rất nhiều, nếu không sẽ trở thành khách trên chính sân chơi của mình. Khi đó chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI sẽ đổ vào, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước không chỉ về công nghệ, sản xuất mà cả nhân lực, hạ tầng khu công nghiệp”.
Tuy nhiên, đây cũng là sức ép rất lớn mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt không chỉ về công nghệ, tài chính mà còn là chất lượng nhân công để có thể “chen chân” vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp quốc tế. Để một mình doanh nghiệp tự điều chỉnh, thích ứng với chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất tiên tiến thế giới là điều không hề dễ dàng. Do đó, các doanh nghiệp cũng rất cần sự chung sức từ Nhà nước, các Hiệp hội hỗ trợ trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp như Apple.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng cần xây dựng hệ thống doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những “ông lớn” công nghệ. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi thu hút dự án công nghệ cao. Bởi trong tương lai những dự án FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ có nhiều phân khúc chứ không chỉ đơn thuần là lắp ráp để xuất khẩu như hiện tại.
Do đó, chất lượng nhân lực cao là bài toán mà Việt Nam cần giải quyết càng sớm thì sẽ càng thu hút được những dự án chất lượng. Điều này góp phần lớn vào việc doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, lắp ráp của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Khi đó, doanh nghiệp Việt có đầy đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng, xuất khẩu các sản phẩm “Made in Vietnam” mang giá trị lớn nhiều hơn.