Tự rửa mũi, súc họng nước muối nhiều lần để chống Covid-19: Bác sĩ chỉ ra sai lầm nhiều người mắc phải
BÀI LIÊN QUAN
F0 khỏi bệnh khi đi khám hậu Covid-19 sẽ được BHYT chi trả bao nhiêu?Lời khuyên của bác sĩ BV Việt Đức: Tại sao bệnh nhân bị tái nhiễm Covid-19 và nên làm gì sau khi khỏi bệnh?Bộ Y tế khuyến cáo nhóm người nào không nên sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir?Thời gian gần đây, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, số ca F0 ngày càng tăng cao khiến mọi người lo lắng, tìm đến nhiều phương pháp khác nhau để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.
Bên cạnh những giải pháp quen thuộc như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hay dùng dung dịch sát khuẩn thường xuyên thì không ít người còn tự xông tại nhà bằng tinh dầu, bưởi xả…
Đặc biệt, rửa mũi, súc họng bằng nước muối là phương pháp được nhiều người áp dụng nhất hiện nay. Thậm chí, có những người ám ảnh với Covid-19 đến mức còn rửa mũi, súc miệng nhiều lần trong ngày. Điều này có thực sự tốt cho sức khỏe như nhiều người vẫn tưởng?
Theo các chuyên gia, súc họng bằng nước muối trong mùa dịch phải được tiến hành đúng cách. Còn việc rửa mũi không nên tùy tiện làm, việc này cần phải được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn. Nếu lạm dụng rửa mũi, súc họng bằng nước muối có thể làm gia tăng nguy cơ viêm xoang và viêm tai thứ phát.
Cụ thể, BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM) khuyến cáo, nếu rửa mũi hay súc họng không đúng cách, lạm dụng quá mức có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe như viêm xoang, nhức đầu, cao huyết áp… Đặc biệt, nếu rửa mũi không đúng cách thì lợi bất cập hại.
Nguyên nhân bởi, tất cả các phương pháp rửa mũi sẽ phải đưa nước muối vào mũi. Điều này sẽ tạo ra áp lực dương trong khoang mũi. Nếu áp dụng việc rửa mũi hàng ngày, thậm chí rửa nhiều lần mỗi ngày sẽ dẫn tới viêm xoang, viêm tai thứ phát vô cùng nguy hiểm.
Chưa kể, hành động rửa mũi bằng nước muối thường xuyên còn dẫn tới tình trạng khô niêm mạc mũi. Súc họng bằng nước muối quá nhiều lần trong ngày cũng khiến cho niêm mạc họng khô, yếu, thậm chí có thể dẫn đến ho khạc ra máu. Chuyên gia sức khỏe nhấn mạnh rằng: “Lạm dụng súc họng sẽ gây đau họng. Khi đau họng, nhiều người lại tưởng tượng mình đang bị nhiễm Covid-19. Đây là thực trạng của nhiều người dân hiện nay”.
Bên cạnh đó, súc họng, rửa mũi bằng nước muối quá mặn còn làm tăng nguy cơ cao huyết áp và nhức đầu. Cụ thể, theo BS Khanh, nhiều người dân hiện nay cho rằng, nước muối sinh lý chưa đủ mạnh nên họ dùng nước muối tự pha mặn chát để súc họng, rửa mũi mới diệt khuẩn.
Điều này thực sự không cần thiết. Nó có thể gây hại vùng niêm mạc miệng. Tốt nhất nên dùng nước muối sinh lý hoặc nước muối tự pha với nồng độ thấp, không nên mặn gắt. Áp dụng phương pháp này là đủ để giảm một phần virus, vi khuẩn, nấm, mảng bám ở khu vực hầu họng.
“Súc miệng nước muối quá mặn dẫn đến cao huyết áp, nhức đầu… Cho nên, tôi khuyên người dân nên phòng ngừa đúng chừng mực, súc miệng bằng nước muối sinh lý, nước ấm, dùng dung dịch sát khuẩn họng... với số lần phù hợp” - BS khuyến cáo.
Vậy rửa mũi, súc họng thế nào mới đúng?
Theo BS Khanh, dù là bệnh nhân F0 hay người chưa bị bệnh đều có thể súc họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày để sát khuẩn hầu họng. Nếu chỉ ở trong nhà, bạn có thể duy trì thói quen này ngày một lần. Còn nếu ra ngoài, mỗi lần bạn về nhà nên thực hiện súc họng thêm.
Còn việc rửa mũi không cần thiết phải làm. Bệnh nhân F0 muốn rửa mũi thì phải hỏi ý kiến của bác sĩ, xem bác sĩ có khuyến cáo hay không; không tự ý làm vì những hiểm họa ẩn chứa như trên đã nêu.