Trước ngày 25/7, đơn vị sử dụng lao động phải điều chỉnh mức đóng BHXH cho người lao động
BÀI LIÊN QUAN
Mức đóng BHXH bắt buộc thay đổi như thế nào từ ngày 1/7/2022?Đóng BHXH được 10 năm thì đến tuổi nghỉ hưu: Muốn nhận lương hưu phải làm thế nào?Nếu rút BHXH 1 lần, người lao động sẽ bỏ lỡ những khoản tiền nào?Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng
Theo VnEconomy, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP vào ngày 12/6, quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Theo Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Cụ thể:
Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.
Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.
Vùng III tăng 210.000 đồng, từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.
Vùng IV tăng 180.000 đồng, từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Về mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ; vùng II là 20.000 đồng/giờ; vùng III là 17.500 đồng/giờ; vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Công văn BHXH TP Hồ Chí Minh nêu rõ, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Phạm vi áp dụng mức lương tối thiểu theo vùng là người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó. Đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó. Đơn vị hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
Đối với hình thức trả lương khác như theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán thì mức lương đang trả theo các hình thức trả lương này khi quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giở do Chính phủ quy định.
Do đó, BHXH TP Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị trên địa bàn BHXH thực hiện rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Người sử dụng lao động không được xóa bỏ hoặc cắt giảm chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm thêm vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Chậm nhất đến ngày 25/7/2022, các đơn vị sử dụng lao động phải nộp hồ sơ điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo lương tối thiểu vùng mới.
Sau ngày 25/7/2022, đơn vị sử dụng người lao động chưa thực hiện điều chỉnh thì cơ quan BHXH sẽ tạm thời điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN bằng với mức lương tối thiểu vùng mới đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất cho đến khi đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh theo quy định.
Cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh chỉ xác nhận quá trình BHXH, BHYT và giải quyết các chế độ khi đơn vị thực hiện lập đồ sơ điều chỉnh lương tối thiểu vùng đúng quy định.
Giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Đối với chính sách giảm mức đóng Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Do đó, BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, kể từ 1/7/2022, đơn vị sử dụng lao động thực hiện đóng Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mức đóng bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đồng thời, BHXH TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các đơn vị sử dụng lao động thực hiện đúng hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động.