Trung Quốc lo sợ đồng nội tệ rơi vào vòng xoáy giảm giá
Theo Zingnews, tờ Bloomberg đưa tin về việc Bắc Kinh thiết lập tỷ giá tham chiếu mỗi ngày cao hơn dự đoán đã không thể ngăn cản đà lao dốc của đồng nội tệ. Đồng tiền của Trung Quốc trong nhiều tuần vừa qua thường được giao dịch gần với mức sàn của biên độ giao dịch so với đồng bạc xanh.
Đây là dấu hiệu cho thấy đồng tiền này đang bị bán khống.
Tình trạng bán khống
Bán khống là khái niệm nói về cách kiếm lợi nhuận từ sự sụt giá của một khoản đầu tư. Người bán khống có thể thu lời bằng cách mượn tài sản để bán, rồi mua lại với giá thấp hơn trong tương lai. Sau đó, họ sẽ hưởng lợi từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Vòng xoáy giảm giá của đồng nhân dân tệ sẽ xảy ra mạnh mẽ từ việc đặt cược vào khả năng đồng tiền này lao dốc.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mới đây đã phải lên tiếng đưa ra cảnh báo đối với việc làm này.
Trong một tuyên bố website hôm 28/9, ngân hàng trung ương nói: “Không được đặt cược vào đà giảm hay tăng một chiều của đồng nhân dân tệ".
Đồng nhân dân tệ đã tăng 0,1% sau 8 phiên giảm liên tiếp sau tuyên bố trên.
Theo CNBC, bà Maggie Wei và đội ngũ phân tích tại Goldman Sachs nhận xét: “Cùng với tuyên bố của ngân hàng trung ương, việc yêu cầu các ngân hàng duy trì thị trường ngoại hối ổn định giúp ngăn chặn đà sụt giá của đồng nhân dân tệ”.
Nhóm phân tích nhận định: “Thế nhưng, việc để đồng nội tệ yếu đi cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc không nhất thiết phải bảo vệ tỷ giá ở một mức cụ thể nào đó”.
Các chuyên gia cho biết thêm đà giảm của đồng tiền Trung Quốc phần nào chững lại nhờ tuyên bố của ngân hàng trung ương.
Sự nỗ lực của ngân hàng trung ương Trung Quốc
Đồng nhân dân tệ chịu sức ép lớn từ việc dòng vốn chạy khỏi đất nước và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại do những đợt bùng phát Covid, thị trường bất động sản suy yếu cũng như nhu cầu nhập khẩu trên thế giới suy giảm.
Sau khi ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất vào tháng 8, đà giảm của nhân dân tệ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, đa số các ngân hàng trung ương lớn đều tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp tháng 9 đã tăng lãi suất 0.75 điểm phần trăm.
Chỉ số USD hôm 28/9 đã vượt mức 114,7 điểm, ngưỡng cao nhất tính từ tháng 5/2002. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở cả trong nước và quốc tế đều rơi xuống mốc 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD. Đây là mức thấp nhất chưa từng được ghi nhận trong 14 năm qua.
Bước sang ngày 29/9, đồng tiền này đã quay về mức 7,1 nhân dân tệ đổi 1 USD.
PBoC tháng này cũng đã có những hành động hỗ trợ đồng nội tệ, trong đó có việc giảm lượng ngoại tệ mà các ngân hàng cần nắm giữ.
Reuters cho biết Bắc Kinh cũng đề nghị ngân hàng địa phương dùng lại yếu tố phản chu kỳ. Đây là công cụ cố định tiền tệ từng bị loại bỏ 2 năm trước nhằm tác động đến cơ chế điều chỉnh tỷ giá.
Trung Quốc đã thực hiện "yếu tố phản chu kỳ" hồi năm 2017, nhằm làm giảm biến động của đồng nội tệ vốn đã suy yếu trong 3 năm liên tiếp.
Động thái này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ can thiệp sâu hơn, trong khi các lực lượng thị trường đối với tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ tham gia ít hơn.
Bên cạnh đó, để kìm hãm đà giảm của đồng nhân dân tệ, các quan chức Trung Quốc đã ấn định tỷ giá trung tâm cao hơn dự báo, đồng thời ngừng công bố những nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ lớn.