Trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tổng đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
3 dự án cao tốc trọng điểm hơn 84.000 tỷ đồng được đề xuất áp dụng các cơ chế đặc thùĐề xuất dành gần 18.000 tỷ đồng vốn đầu tư công xây dựng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng TàuTích cực tháo gỡ khó khăn Dự án cao tốc Bắc - Nam phía ĐôngĐầu tư xây dựng theo phương thức PPP
Theo vietnamfinance.vn, Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (hơp tác công tư).
Theo tờ trình, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là dự án thuộc dự án nhóm A, dự án thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cấp quyết định chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền là Bộ Giao thông Vận tải và đơn vị chuẩn bị dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long.
Tổng chiều dài của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là khoảng 60,1 km. Trong đó, điểm đầu của cao tốc tại Km0, giao với Quốc lộ 1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối của cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại Km60+100, giao cắt với Quốc lộ 20 tại khoảng Km69+400, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 của dự án với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 100km/h. Đề xuất này căn cứ vào nhu cầu vận tải, đánh giá hiện trạng hệ thống giao thông hiện hữu trong khu vực dự án, cùng với đó là khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Theo tính toán, dự án cần sử dụng khoảng 311,69 ha đất. Trong đó, 78,35 ha thuộc huyện Thống Nhất; 127,44 ha thuộc huyện Định Quán; 9,9 ha thuộc huyện Xuân Lộc; 96 ha thuộc huyện Tân Phú. Ngoài ra, khoảng 27,339 ha đất rừng, trong đó rừng phòng hộ là 8,134 ha, rừng trồng sản xuất là 19,205 ha.
Nội dung trong tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ chuẩn bị mặt bằng xây dựng để thực hiện dự án theo quy định.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.365 tỷ đồng. Trong đó, hơn 4.962 tỷ đồng là chi phí xây dựng; hơn 1.287 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng; chi phí lãi vay trong xây dựng (tạm tính) là 647,834 tỷ đồng và chi phí dự phòng là 871,829 tỷ đồng.
Liên quan đến phương án huy động vốn, trong tờ trình Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất nguồn vốn nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 1.300 tỷ đồng.
Vốn Nhà đầu tư huy động (nguồn vốn đầu tư BOT) khoảng hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1.413 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, chiếm 20% nguồn vốn đầu tư BOT; hơn 5.650 tỷ đồng là vốn vay thương mại, chiếm 80% nguồn vốn đầu tư BOT.
Để hoàn vốn cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến mức phí khởi điểm thu là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe con 4 chỗ) và sau định kỳ 2 năm sẽ tăng từ 200 đồng - 400 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư dự kiến trong 20 năm 3 tháng (sẽ được xác định cụ thể trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư). Hết thời hạn thu phí trên, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Về tiến độ, tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải dự kiến trong năm 2021 - 2022 sẽ chuẩn bị dự án, trong năm 2022 - 2023 lựa chọn nhà đầu tư. Trong năm 2022 - 2023 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Từ năm 2023 - 2025, thi công xây dựng công trình và hoàn thành.
Tuyến cao tốc có vai trò quan trọng của khu vực
Dự án thực hiện nhằm nâng cao khả năng kết nối và thời gian vận chuyển giữa tỉnh Đồng Nai với hệ thống giao thông trong khu vực nói riêng và giao thông quốc gia nói chung. Đồng thời phát huy tối đa vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai. Nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng lớn, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trong địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Sau khi hoàn thành dự án sẽ góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung. Tuyến cao tốc còn có nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng; hoàn chỉnh và hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ, đường bộ cao tốc theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải cho Quốc lộ 20 đang trong tình trạng quá tải, phát huy hiệu quả của việc đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, với tổng chiều dài 208 km, quy mô 4 làn xe, trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam. Đoạn từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt dài khoảng 19 km thuộc tuyến cao tốc đã hoàn thành.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong liên kết chính trị, kinh tế, xã hội giữa các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng. Tạo động lực phát triển cho TP Đà Lạt và các vùng phụ cận.
Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã giao cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần của dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương theo các đoạn: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương để đầu tư trong trong giai đoạn từ 2021-2025.