Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO): “Cây đại thụ” trong ngành Đồ uống tại Việt Nam
BÀI LIÊN QUAN
Công Ty Cp Lộc Trời: Thông Tin về Tập Đoàn Lộc TrờiCty Cổ Phần May Việt Tiến: Thông Tin Công Ty May Việt TiếnTân Hiệp Phát: Gần 30 năm khẳng định là tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt NamGiới thiệu về Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO)
Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (mã chứng khoán BHN) với tiền thân là Nhà máy bia Hommel, được xây dựng từ năm 1890 bởi người Pháp. Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, người Pháp phải rút lui, họ đã phá hủy toàn bộ máy móc, thiết bị quan trọng, đốt hết tài liệu kỹ thuật làm cho nhà máy tê liệt hoàn toàn không thể hoạt động. Tới năm 1957, Nhà máy bia Hommel được khôi phục và đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội.
Với lịch sử hơn 130 năm và hơn nửa thế kỷ khôi phục và phát triển, HABECO đến nay đã trở thành một trong các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đồ uống tại Việt Nam. Bia hơi Hà Nội, bia lon Hà Nội, bia Trúc Bạch,... là những dòng sản phẩm nổi tiếng của thương hiệu HABECO, đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng và kiểu dáng, chinh phục được những người sành bia ở trong nước cũng như nước ngoài.
Dựa trên bí quyết kỹ thuật truyền thống hàng thế kỷ, hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ lao động lành nghề, có trình độ, tâm huyết, các sản phẩm của HABECO đã được hàng triệu người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Thương hiệu BIA HÀ NỘI ngày nay được ra đời là niềm tự hào của thương hiệu Việt, là sự kết tinh của bao thế hệ và là niềm tin của người tiêu dùng
Với lịch sử phát triển lâu đời và là một “cây đại thụ” trong ngành nước giải khát Việt Nam, các sản phẩm của HABECO hiện nay được phân phối rộng rãi ở cả thị trường trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Đức, Mỹ, Úc, Hàn Quốc,...
Lịch sử hình thành và phát triển của HABECO
Năm 1890: Tiền thân của Tổng công ty HABECO - Nhà máy Bia Hommel được thành lập với quy mô 30 nhân công, mục đích chính là phục vụ quan viễn chinh Pháp.
Năm 1957: Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng vào năm 1954, trước khi rút lui quân Pháp đã tháo dỡ, phá hủy toàn bộ máy móc, thiết bị quan trong, đốt hết tài liệu kỹ thuật làm cho nhà máy tê liệt hoàn toàn không thể hoạt động.. Đến năm 1957, Nhà máy Bia Hommel được khôi phục và đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội theo chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Năm 1958: Tháng 5/1958, một công nhân lành nghề của nhà máy Bia Hommel kết hợp với các chuyên gia bia của Tiệp Khắc đã thực hiện thành công mẻ bia đầu tiên. Tháng 8/1958, Việt Nam cho ra đời chai bia đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch.
Năm 1960: Cho ra đời hai sản phẩm bia là Bia hơi và Bia Hữu Nghị
Năm 1991: Bia lon ra đời
Năm 1993: Đổi tên từ Nhà máy bia Hà Nội thành Công ty Bia Hà Nội, chuyển đổi mô hình hoạt động và đẩy mạnh quá trình đổi mới thiết bị giúp nâng công suất lên 50 triệu lít/năm.
Năm 2003: Ngày 6/5 theo Quyết định số 75/2003/QĐ-BCN thành lập Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội.
Năm 2006: Nhà máy Bia Hà Nội được khởi công xây dựng tại Vĩnh phúc.
Năm 2007: Ký hợp tác chiến lược với tập đoàn bia Carlsberg.
Năm 2008: Dấu mốc 50 năm xây dựng và phát triển, đồng thời công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần.
Năm 2010: Tổng công ty đã đạt công suất gần 400 triệu lít bia/năm nhờ việc hoàn thành dự án đầu tư xây dựng Nhà máy bia công suất 200 triệu lít/năm tại Mê Linh, Hà Nội. HABECO trở thành một trong hai Tổng công ty sản xuất bia lớn nhất của Việt Nam. Cũng trong năm này, sản phẩm Bia Trúc Bạch được khôi phục.
Năm 2012: Bia Hà Nội đạt sản lượng sản xuất 456 triệu lít.
Năm 2013: Cột mốc 55 năm xây dựng và phát triển, đầu tư dây chuyển chiết nước tinh lọc.
Năm 2014: Khởi công dự án dây chuyền chiết lon với 60.000 lon/giờ tại Mê Linh và đã hoàn thành vào đầu năm 2015.
Năm 2015: Hệ thống Pilot Plant được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu sản phẩm mới. Xây dựng mới Viện kỹ thuật Bia - Rượu - NGK Hà Nội tại Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh và đến năm 2016 chính thức đi vào hoạt động.
Năm 2017: Nhà máy Bia Hà Nội - Hoàng Hoa Thám được thành lập.
Năm 2018: Cột mốc 60 năm khôi phục, xây dựng và phát triển và ra mắt nhận diện mới của sản phẩm Bia Trúc Bạch
Năm 2019: Tháng 5/2019, HABECO ra mắt nhận diện mới thương hiệu với slogan “Sức bật Việt Nam”.
Ban lãnh đạo của HABECO
Chủ tịch Hội đồng quản trị: Ông Trần Đình Thanh
Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc: Ông Ngô Quế Lâm
Những thành tựu và chứng nhận mà HABECO đã đạt được trong chặng đường hình thành và phát triển
Năm 2004: Đạt được Giải thưởng Quốc tế lần thứ 29 cho thương hiệu nổi tiếng nhất tại Madrid - Tây Ban Nha.
Năm 2005: Giải Vàng Châu u cho chất lượng và uy tín thương mại
Năm 2006: Nhận được Giải thưởng chất lượng Châu Á Thái Bình Dương
Năm 2007: Vinh dự đón nhận Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt
Năm 2019: Đạt Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống
Năm 2020: Trong bảng xếp hạng Forbes Việt Nam Top 50 thương hiệu dẫn đầu HABECO tự hào là doanh nghiệp xếp thứ 28/50, đứng vị trí thứ 2 trong ngành Bia tại Việt Nam, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia công nhận là Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020.
Năm 2021: Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2021.
Nhận được Cúp vàng thương hiệu và nhãn hiệu, Cúp nhãn hiệu nổi tiếng quốc gia
Đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000 của tổ chức TUV NORD, CHLB Đức. Tiêu chuẩn ISO 14000:2004, tiêu chuẩn ISO 22000:2005.
Nỗ lực vượt qua thách thức kép trong năm 2020
Theo báo cáo tài chính của HABECO cho biết, kết thúc năm 2020, doanh thu thuần đến từ bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất của công ty đạt 7.452,6 tỷ đồng, trong đó doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính vượt 39% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra, đạt 5.893,88 tỷ đồng.
Doanh thu hợp nhất của HABECO giảm 20,17% so với năm 2019, tuy nhiên vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh Tổng công ty phải trải qua một năm đầy khó khăn với tác động kép từ Nghị định 100/2019 về phòng chống tác hại của rượu bia và dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt quý 2/2020 trở thành "quý tồi tệ" của ngành bia khi thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc, các cơ sở dịch vụ đồ uống bị đóng cửa do bị xếp vào nhóm dịch vụ không thiết yếu.
Đứng trước bối cảnh khó khăn đó, HABECO đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp vượt qua khó khăn. Một mặt đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, công tác bán hàng nhằm duy trì thị phần tại các thị trường truyền thống, mặt khác tìm cách phát triển thị trường đồng thời đổi mới sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Kết quả trong năm 2020 tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu đã vượt 37,7% kế hoạch đề ra. Trong đó, tiêu thụ bia các loại vượt kế hoạch 37,9% đạt 307,8 triệu lít. Lượng tiêu thụ nước uống đóng chai đạt 2,1 triệu lít, vượt 10,4% kế hoạch.
Đáng chú ý, sau khi trải qua giai đoạn khó khăn ở nửa đầu năm 2020, tới 2 quý cuối năm sản lượng tiêu thụ đã ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ và tiếp tục dẫn đầu thị phần tại các thị trường truyền thống là miền Bắc và Bắc Trung bộ. Cùng với việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, HABECO cũng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các chi phí sản xuất và kinh doanh.
Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của HABECO giảm 31,5% so với đầu năm, chỉ còn 321 tỷ đồng. Với nguồn lực tài chính dồi dào đã giúp HABECO duy trì khả năng chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt. Vào cuối tháng 3/2021, Tổng công ty đã hoàn thành thanh toán đợt chi trả cổ tức 2018 và 2019.