Tình hình mua bán bất động sản phía Nam diễn biến ra sao sau khi được tháo gỡ pháp lý?
BÀI LIÊN QUAN
Dự báo xu hướng bất động sản năm 2024: Có hồi phục nhưng không “sốt”Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng đột biếnThanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng vẫn “tắc”Loạt dự án đua nhau bung hàng
Theo Báo Dân trí, thị trường bất động sản TP HCM và vùng phụ cận chứng kiến nhiều dự án đang được chủ đầu tư thi nhau mở bán trong những tháng cuối năm với số lượng lớn. Đây là dấu hiệu cho thấy các dự án đã được tháo gỡ nút thắt pháp lý và đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, thị trường không khỏi kỳ vọng về tình hình mua bán bất động sản sẽ sớm khởi sắc.
Đơn cử như Dự án căn hộ The Privia của Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc (thành viên của Công ty Nhà Khang Điền) chào bán giá từ 48 triệu đồng/m2 trên thị trường. Dự án này cũng là dự án hiếm hoi mở bán ở giai đoạn này tại TP HCM với mức giá được xem là hợp lý cho phân khúc tầm trung và cao cấp.
Tọa lạc tại quận Bình Tân, dự án có diện tích hơn 1,8ha, cung cấp khoảng 1.000 sản phẩm. Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Sở Xây dựng TPHCM đã xác nhận dự án có đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tại dự án này, khách mua nhà sẽ đóng tiền 20% và được hỗ trợ vay vốn ngân hàng 35 năm, được chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất trong 24 tháng.
Công ty Nam Long cũng ra mắt các sản phẩm căn hộ Flora Akari City giai đoạn 2 với giá từ 45 triệu đồng/m2. Dự án này cũng ở khu vực Bình Tân, nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Khách hàng thanh toán 40% chia thành 6 đợt, ngân hàng cho vay tối đa 65% giá trị sản phẩm, và được chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất 7%/năm, ân hạn nợ gốc 2 năm.
5 tòa tháp tại Masteri Centre Point ở khu Đông, TP Thủ Đức cũng đã hoàn thiện các tiện ích nội khu và nội thất để chuẩn bị bàn giao với giá bán từ 50-60 triệu đồng/m2.
Chủ đầu tư Ecopark tại Đồng Nai đã giới thiệu dự án Eco Village Saigon River tại huyện Nhơn Trạch với diện tích 55ha. Cùng với đó là các sản phẩm shophouse, nhà phố, biệt thự, biệt thự khoáng nóng.
Hay tại tỉnh Bình Dương, Pi Group giới thiệu Picity Sky Park (TP Dĩ An) hay Phát Đạt mới hoàn tất quy hoạch chi tiết 1/500 tại 2 dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 với quy mô đạt khoảng 4.000 căn. Còn có dự án Bcons Polaris tại TP Dĩ An của tập đoàn Bcons với mức giá từ 1,6 tỷ đồng/ căn.
Mua bán bất động sản liệu có sôi động khi nhiều dự án được gỡ vướng?
Thị trường bất động sản không chỉ đón nhận các nguồn cung mới mà còn chứng kiến nhiều dự án được gỡ vướng pháp lý ở thời điểm này.
Vừa qua, Tập đoàn Novaland đã được tỉnh Đồng Nai quyết định giao đất thuộc phân khu 1, phân khu 2 của Khu đô thị cao cấp Cù lao Phước Hưng (còn gọi là khu Đảo Phượng Hoàng) nhằm tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đất có diện tích được giao khoảng 54ha, và được doanh nghiệp đánh giá là một bước thủ tục vô cùng quan trọng để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.
Phía Đồng Nai trước đó đã có văn bản xác nhận 752 căn nhà ở thấp tầng tại dự án Aqua City đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Doanh nghiệp này cũng có một công ty con được tỉnh bàn giao đất để tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật… Trong thời gian gần đây, nhiều dự án khác của Novaland ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận cũng được gỡ vướng.
Hay có dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng được gỡ vướng. Tháng 10 vừa qua, Sở Xây dựng Bình Định đã cấp giấy phép xây dựng dự án. Qua đó, Phát Đạt đã triển khai nghi thức động thổ và chính thức tiến hành thi công dự án đầu tháng 11 vừa qua.
Theo đánh giá của ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, thị trường bất động sản chưa có nhiều tín hiệu hồi phục như tâm lý thị trường kỳ vọng từ các chính sách tháo gỡ nút thắt liên quan tới pháp lý. Do đó, tình hình mua bán bất động sản vẫn chưa thể sôi động và nhộn nhịp trong ngắn hạn.
Tuy được tháo gỡ pháp lý và xác nhận có đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, song thực chất một số dự án đã được bán ra dưới hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ. Hợp đồng này chuyển thành hợp đồng mua bán khi xong giấy tờ pháp lý.
Nhìn chung, thị trường không có thêm nguồn cung. Đối với chủ đầu tư, họ có thể gọi vốn từ khách hàng bởi pháp lý đã tiến thêm một bước. Ngoài ra, việc mua bán bất động sản cũng dễ dàng hơn và thanh khoản tốt hơn nhờ ngân hàng dễ dàng tài trợ nguồn vốn cho dự án.
Theo dự đoán của chuyên gia, thị trường phía Nam sẽ có nguồn cung mới trong quý IV, chủ yếu tới từ chung cư, còn các phân khúc khác chỉ đi ngang. Phần lớn trong đó là phân khúc trung cấp, và chủ đầu tư bắt đầu điều chỉnh diện tích sao cho giá của một căn hộ 2-3 tỷ đồng để phù hợp với nhu cầu và khả năng của khách hàng. Bước sang quý III-IV năm sau, thị trường thực sự sẽ có nhiều khởi sắc với các dự án mới sẽ được tung ra, tuy nhiên phân khúc lại là cao cấp và hạng sang.
Theo ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng giám đốc Novaland nhận định việc tháo gỡ chưa đạt hiệu quả cao vì vẫn còn 2 khó khăn mang tính trọng yếu. Đầu tiên là thời gian để cơ quan thẩm quyền cho ý kiến hay phê duyệt các thủ tục pháp lý vẫn chưa đồng bộ với quá trình phát triển thực tế khiến các giai đoạn bị chậm. Thứ hai là do thiếu sự đồng bộ, nhất quán, thực tiễn và còn sự chồng chéo giữa các văn bản Luật và dưới Luật.
Theo ông Nguyễn Văn Cường - Phó chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh phát biểu tại hội nghị tín dụng bất động sản ngày 13/11 vừa qua, các ngân hàng cần tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua.