'Tiền phòng - hậu kiểm', bảo đảm phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh
BÀI LIÊN QUAN
Cổ phiếu rớt giá 50 - 80% từ đỉnh, nhà đầu tư lỗ quá đua nhau xóa ứng dụng chứng khoán"Bão tin đồn" quét qua, nhà đầu tư thua lỗ muốn "rời bỏ chứng khoán"Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm hành vi đưa tin thất thiệt về thị trường chứng khoán, trái phiếuĐây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trao đổi với báo chí về các giải pháp quản lý và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) bền vững.
Chấn chỉnh để bảo vệ quyền lợi lâu dài của nhà đầu tư
TTCK thời gian gần đây có một số biến động, có những phiên giảm điểm sâu khiến không ít nhà đầu tư bất ổn tâm lý. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân do các động thái mạnh tay của các cơ quan quản lý với các hành vi vi phạm trên thị trường vừa qua.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã làm việc với các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để khẳng định: "Chúng tôi đưa ra chính sách để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp (DN) đã có những sai phạm thì cũng được tạo điều kiện để được khắc phục sai phạm nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền lợi cho cổ đông và việc làm cho người lao động. Từ đó giúp công ty phát triển trở lại".
Quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Về quan điểm trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định mục đích của các cơ quan Nhà nước là nhằm bảo đảm cho TTCK phát triển triển lành mạnh, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, DN, nhà phát hành hoạt động bình đẳng.
Buổi làm việc giữa Bộ Tài chính với các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an đã bàn về các giải pháp nhằm ổn định thị trường vốn, thị trường tài chính và TTCK thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế.
Bộ Tài chính nhìn nhận, những sự việc vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh để thị trường quay trở lại hoạt động ổn định nhằm phát triển minh bạch, bảo đảm việc kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường.
Tôn trọng quy luật, ngăn chặn mặt trái thị trường
Người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định, TTCK là kênh huy vốn trung và dài hạn hết sức quan trọng cho nền kinh tế. Với mục tiêu là khiến TTCK lành mạnh, minh bạch, hiện Bộ Tài chính đang triển khai một loạt giải pháp đồng bộ để hoàn thiện thể chế như đề xuất sửa Luật Chứng khoán, Luật DN, đang trình Chính phủ để ban hành sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, về Luật DN, Luật Chứng khoán và các quy định có liên quan để các nhà đầu tư khi tham gia phải có sự lựa chọn cân nhắc, chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình. Đồng thời các nhà phát hành phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về vấn đề phát hành, tránh thao túng giá trên thị trường.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu các công ty kiểm toán phải thực hiện công tác kiểm toán chính xác, đúng đắn, bảo đảm báo cáo kiểm toán đúng và chính xác.
"Như vậy, Bộ Tài chính áp dụng cả biện pháp trực tiếp và gián tiếp. Các công ty kiểm toán trực tiếp kiểm tra công tác kiểm toán của các đơn vị phát hành, đồng thời cũng kiểm tra lại những công ty kiểm toán. Nếu phát hiện sai phạm sẽ rút giấy phép và xử lý các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót. Chúng tôi cho rằng việc xử lý các vi phạm là cá biệt và riêng lẻ. Đây là hành động nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, DN phát hành", ông Hồ Đức Phớc nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ giám sát chặt quá trình phát hành cũng như quá trình giao dịch trên TTCK. Khi phát hiện bất cập, rủi ro, dấu hiệu sai phạm sẽ tổ chức thanh, kiểm tra và sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Về quan điểm phát triển TTCK, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng so với nhiều nước có TTCK phát triển hàng trăm năm, TTCK Việt Nam mới phải triển 28 năm nhưng tăng trưởng rất nhanh. Đây là kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Hoạt động trên TTCK phải theo quy luật của thị trường nhưng cũng phải bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Người đứng đầu ngành tài chính khẳng định quan điểm TTCK và các hoạt động kinh tế thì phải theo quy luật khách quan của thị trường. Tuy nhiên, phải có sự quản lý của Nhà nước chứ không thể để thị trường phát triển thả lỏng.
Cần có những giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn các mặt trái của quy luật thị trường, chệch ra khỏi quy định của luật pháp, các hành động lách luật hoặc lợi dụng thị trường để làm méo mó các quy định pháp luật phải được xử lý một cách nghiêm minh.
"Bộ Tài chính sẽ bám sát theo quy định của pháp luật để ngăn ngừa và xử lý sai phạm, đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, tức là "tiền phòng-hậu kiểm" để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các công ty hoạt động trên thị trường lành mạnh và có những giá trị đúng đắn nhất. Đây là một trong những mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra để bảo đảm TTCK phát triển lành mạnh, phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan trọng là không hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.
Ý kiến của Thủ tướng được nhiều đại biểu, chuyên gia tại Hội nghị đồng tình.