Thứ trưởng Bộ Xây dựng: 3 nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá bất thường
BÀI LIÊN QUAN
Khó đánh thuế khi còn nhiều bất động sản chưa được cấp sổ đỏLàm giá bất động sản vào “tầm ngắm” của các địa phươngSiết tín dụng với người mua nhiều bất động sản: Lo giảm thanh khoản thị trườngTại buổi họp báo Chính phủ chiều 7/10, Bộ Xây dựng nhận được nhiều câu hỏi về việc giá nhà ở tại một số thành phố lớn đang tăng đột biến, có dấu hiệu ảo, mặc dù thị trường giao dịch chưa thực sự sôi động. Cùng với đó, Bộ Xây dựng được yêu cầu đưa ra các giải pháp để "kéo" bất động sản về giá trị thực, tránh hiện tượng "bong bóng" và giúp những người có nhu cầu thực sự có thể mua được nhà.
Nhiều biện pháp đã được triển khai
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, có 3 nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng cao bao gồm: sự lệch pha cung cầu, khi cầu vượt xa cung; tình trạng thổi giá và đẩy giá lên cao được phản ánh qua việc đấu giá cao rồi bỏ cọc tại Hà Nội, cùng một số địa phương; chi phí đầu tư vào bất động sản ngày càng tăng do giá vật liệu, chi phí sử dụng đất tăng cao.
Để giải quyết vấn đề giá bất động sản tăng cao và đáp ứng nhu cầu nhà ở, đất ở của người dân, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho biết, pháp luật có nhiều quy định cấm các hành vi thao túng thị trường và thổi giá. Trong đó, Bộ Luật Hình sự, Luật Đất đai và đặc biệt là
luật kinh doanh bất động sản 2023
đã có các quy định rõ ràng về những hành vi bị cấm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.Trong đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã có những điều khoản mạnh mẽ và rõ ràng nhằm kiểm soát các hành vi thổi giá, lũng đoạn thị trường. Để xử lý tình trạng bỏ cọc trong đấu giá quyền sử dụng đất, Thủ tướng đã ban hành công điện yêu cầu Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Thực hiện chỉ đạo, Bộ Xây dựng đã đưa ra văn bản phân tích giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một số giải pháp để giảm giá nhà đất và ổn định thị trường. Bộ cũng đã gửi văn bản tăng cường quản lý và kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản đến UBND các tỉnh, thành phố, đề xuất các giải pháp và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cụ thể.
Trong cả hai văn bản, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến các dự án, chủ đầu tư và đơn vị môi giới có dấu hiệu thổi giá và trục lợi; đồng thời cần có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm (nếu có).
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, giảm thiểu sự chênh lệch cung cầu, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, các địa phương cần thường xuyên công bố và công khai thông tin về thị trường bất động sản, đảm bảo sự minh bạch trên thị trường, ngăn chặn hiện tượng gian lận và lừa đảo.
Thứ trưởng cho biết Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ TN&MT và các ngành liên quan để đề xuất thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý, nhằm giảm rủi ro pháp lý và về giá cho người mua; đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách thuế hợp lý, hạn chế tình trạng nhà đất bị bỏ hoang, không sử dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Dự án ít kéo theo “giá trên trời”
Nói về tình trạng giá nhà “chỉ có tăng và tăng”, bà Dương Thanh Thủy - Phó chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy cho biết, trong một dự án bất động sản, chi phí xây dựng chỉ chiếm dưới 25 triệu đồng/m², còn lại chủ yếu là chi phí sử dụng đất (chiếm 40 - 50%) và lãi vay ngân hàng. Nếu dự án gặp vướng mắc trong thời gian dài, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, khiến giá nhà khó có thể duy trì ở mức thấp.
Để đưa giá bất động sản xuống mức hợp lý, Nhà nước cần xem xét lại giá đất và tháo gỡ các rào cản pháp lý cho các dự án. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cần thể hiện trách nhiệm xã hội, cung cấp sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Vì số lượng dự án còn hạn chế nên giá cả vẫn ở mức cao. Nếu có nhiều dự án hơn, sự cạnh tranh sẽ tăng lên, sẽ góp phần làm cho giá cả hợp lý hơn.
Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho biết những năm qua, chi phí tài chính liên quan đến đất đai liên tục tăng cao đã kéo theo giá nhà tăng lên. Ông nhấn mạnh rằng cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nhà ở thương mại giá bình dân có thể dễ dàng tiếp cận đất đai.
Việc bồi thường giải phóng mặt bằng theo giá thị trường có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm quỹ đất sạch để xây dựng các khu nhà ở thương mại giá bình dân với đầy đủ tiện ích như trường học, bệnh viện, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí và công viên.
Trong bối cảnh hiện nay, rất cần Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận quỹ đất. Đồng thời, cần kiểm soát giá đền bù giải phóng mặt bằng, thuế và tiền sử dụng đất ở mức phù hợp để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền, giúp giá nhà ở gần hơn với thu nhập của người dân.