Thời điểm siết chặt quản lý môi giới bất động sản
Nghề không dễ dàng
Bộ Xây dựng trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022, đã đánh giá về việc buông lỏng quản lý môi giới bất động sản là một trong những bất cập trên thị trường bất động sản. Các sàn giao dịch, công ty môi giới đã câu kết với nhau "tạo sóng", "ôm hàng", gây "sốt ảo" để ăn chênh lệch, làm nhiễu loạn thị trường.
Cuối tháng 10, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã có kế hoạch từ nay đến cuối năm kiểm tra 61 sàn giao dịch bất động sản thuộc địa bàn. Trong đó có một số sàn giao dịch như: Sàn giao dịch ELAND, Sàn giao dịch bất động sản HDCOMREAL, DPV, Goland, Maple Land, HACO LAND, Saigonred, MHDland, Wonderland, Vietland, Kim Cúc Land, Sàn giao dịch Hiệp Long, Vạn Phú Hưng, Tiên Phong, Quốc Vương, Đông Hải Land, FLAND, House 9,…
Các sàn giao dịch sẽ bị kiểm tra về điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản, việc công khai thông tin, nội dung công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh; giới thiệu, niêm yết, cung cấp công khai thông tin về bất động sản cho các bên tham gia có nhu cầu giao dịch; giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; tổ chức việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; kiểm tra giấy tờ về bất động sản bảo đảm đủ điều kiện được giao dịch;...
Việc kiểm tra này nhằm tăng cường kiểm tra, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lực lượng môi giới bất động sản hiện nay khoảng 300.000 người. Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định số lượng môi giới bất động sản tuy lớn nhưng đa phần không chuyên nghiệp và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật. Trong đó có không ít người hành nghề tay ngang, có tư duy làm ăn chộp giật thông qua các hành vi như thổi giá", "găm đất, tạo "sốt ảo"... Thậm chí, có môi giới còn lừa đảo khách hàng qua hình thức rao bán "dự án ma", sử dụng những thông tin thất thiệt. Không ít nhà đầu tư đã bị lừa từ những người này.
Theo các chuyên gia, thực trạng này xảy ra có nguyên nhân từ nhiều phía. Gốc rễ là vấn đề luật pháp. Trên thực tế có đến 90% môi giới bất động sản không có kiến thức căn bản vì Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định khi hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề. Nhưng Luật này không quy định người làm môi giới cần qua đào tạo. Đây là bất cập khiến cho có nhiều người không am hiểu về thị trường, không có kiến thức cũng có thể tham gia vào khâu trung gian trong giao dịch mua bán.
Yêu cầu khắt khe
Luật quy định là thế nhưng thực tế việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ tại nhiều địa phương chưa được quản lý chặt chẽ. Thực trạng này dẫn đến tình trạng tuy một số môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề nhưng trình độ và năng lực vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số lượng lớn sàn giao dịch khi hoạt động đã không tuân thủ quy định của pháp luật về việc đăng ký, báo cáo kết quả hoạt động với cơ quan quản lý. Bản thân nhiều sàn là nhân vật chính trong việc tạo ra "sốt đất", lũng đoạn thị trường bất động sản ở nhiều địa phương. Việc làm này đã gây hệ lụy xấu cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Đại diện một sàn giao dịch bất động sản thừa nhận có không ít môi giới, chuyên viên bất động sản đã quên hẳn trách nhiệm với chủ đầu tư, trách nhiệm với khách hàng, vì lợi ích trước mắt mà gây ảnh hưởng đến các khách hàng, chủ đầu tư. Đa số những người này là môi giới F2 (môi giới không trực tiếp ký hợp đồng phân phối sản phẩm với chủ dự án).
Còn đại diện một chủ đầu tư khuyến nghị, khách hàng và nhà đầu tư lưu ý chỉ liên hệ với những đại lý F1 và chuyên viên kinh doanh chính thức của chủ đầu tư để được giới thiệu, tư vấn các thông tin chính xác. Việc này sẽ tránh cho khách hàng phải tiếp nhận những nguồn tin không chính xác. Phòng ngừa khách hàng gặp phải những tình huống xấu, bị thiệt hại và cũng tránh ảnh hưởng xấu đến uy tín của chủ đầu tư.
Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Thế Điệp cho rằng một bộ phận môi giới bất động sản có những hành vi chưa chuẩn mực. Theo ông Điệp,cần có công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu để đánh giá và quản lý chất lượng cũng như năng lực thật sự của các sàn giao dịch này. Theo ông Điệp, cần một quy chuẩn chung về kiến thức, đạo đức nghề nghiệp, trình độ… dành cho nhân sự gia nhập vào lĩnh vực tư vấn bất động sản.
Đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh môi giới chuyên nghiệp là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Và chỉ những môi giới chuyên nghiệp mới trụ được với nghề trong thời điểm này. Vì bản chất nghề môi giới không đơn thuần chỉ giới thiệu, mua bán bất động sản. Hơn thế, đây là một ngành kinh doanh đòi hỏi yêu cầu khắt khe về kiến thức, đạo đức và kinh nghiệm.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết cần phải xác định vai trò của môi giới trong thị trường bất động sản là tất yếu. Môi giới bất động sản là một trong những chủ thể rất quan trọng trên thị trường. Vì thế cần một cuộc tổng rà soát để tìm ra nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực để tìm ra giải pháp làm lành mạnh hóa thị trường, phát huy hết cả khả của các môi giới bất động sản.