Thị trường chứng khoán hôm nay 27/2: Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, VN-Index giảm hơn 18 điểm phiên đầu tuần
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 23/2: Bật mạnh cuối phiên, VN-Index phục hồi sát tham chiếuThị trường chứng khoán hôm nay 22/2: Cổ phiếu bất động sản lao dốc, VN-Index mất gần 28 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 21/2: Cổ phiếu trụ suy yếu, VN-Index giảm hơn 4 điểmVN-Index đỏ lửa phiên đầu tuần
Theo Tin nhanh chứng khoán, diễn biến phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 27/2 vẫn diễn ra trong trạng thái ảm đạm với dòng tiền tham gia hạn chế trong khi lực cung chiếm áp đảo ngay từ khi mở cửa phiên.
VN-Index nhanh chóng thủng mốc 1.030 điểm trước áp lực bán gia tăng và lan rộng ra toàn thị trường. Trong khi toàn bộ cổ phiếu trong rổ VN30 đều chuyển đỏ thì số mã giảm trên bảng điện tử cũng gấp tới gần 10 lần số mã tăng, đẩy chỉ số chính ngày càng rời a ngưỡng hỗ trợ của thị trường và tạm dừng phiên sáng ở dưới mốc 1.020 điểm.
Bước sang phiên chiều, lực cầu có phần cải thiện đã giúp VN-Index hồi phục và tìm về mốc 1.030 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền tham gia chưa đủ mạnh trong khi lực bán thường trực khá lớn đã khiến VN-Index trở lại vùng 1.020 điểm.
Đóng cửa, sàn HoSE ghi nhận 66 mã tăng và 371 mã giảm (25 mã giảm sàn), VN-Index giảm 18,31 điểm (-1,76%), xuống 1.021,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 588,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 9.329,59 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,76% về khối lượng và 42,49% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 74,69 triệu đơn vị, giá trị 1.593,78 tỷ đồng.
Sàn HNX có 44 mã tăng và 122 mã giảm, HNX-Index giảm 4,06 điểm (-1,96%), xuống 203,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 67,33 triệu đơn vị, giá trị 944,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,35 triệu đơn vị, giá trị 67,73 tỷ đồng.
Chốt phiên, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,89 điểm (-1,16%), xuống 75,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,95 triệu đơn vị, giá trị 321,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,94 triệu đơn vị, giá trị hơn 26,88 tỷ đồng.
Phiên hôm nay, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc đã đẩy thị trường giảm mạnh. Đáng kể nhất phải nhắc đến cổ phiếu bán lẻ với MSN của Masan bất ngờ rơi xuống giá sàn 79.900 đồng, qua đó trở thành cổ phiếu có tác động xấu nhất đến thị trường. Bên cạnh đó, MWG của Thế Giới Di Động cũng mất 3,8% giá trị, DGW của Digiworld giảm 5,9% hay PNJ bị bán tháo 6%.
Một số mã lớn khác như GAS của đại gia dầu khí PV Gas giảm 2,3%, HPG của Hòa Phát mất 3,45, SAB của Sabeco lao dốc 2% giá trị, hay VRE của Vincom giảm 2,8%.
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng và bất động sản cũng gây tác động xấu. Trong đó, NVL của Novaland tiến sát giá sàn, DXG của Đất Xanh mất 5,2% thị giá, HQC của Hoàng Quân quay xe giảm 5,1%, Nhóm ngân hàng ghi nhận các mã HDB, OCB, EIB, STB giảm 3-5%.
Tương tự, nhóm chứng khoán cũng thể hiện yếu kém trong phiên hôm nay. Bên cạnh SSI (-3.95%) , rất nhiều cổ phiếu lớn khác của nhóm này đều đồng loạt giảm sâu như HCM (-5.21%), VCI (-4.55%) hay VND (-4.29%).
Phần lớn các nhóm ngành chìm trong biển lửa với áp lực lớn, ngoại trừ nhóm y tế và truyền thông ghi nhận sắc xanh. Trong đó, cổ phiếu liên quan đến ngành dược phẩm thu hút dòng tiền với mức tăng mạnh nhất trong ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Chẳng hạn như JVC của Y tế Việt Nhật, DP1 của Dược phẩm Trung ương CPC1, AMV của Amvibiotech đều kết phiên trong sắc tím. Ngoài ra còn có DVN của TCT Dược Việt Nam tăng 6,5%, DVM của Dược liệu Việt Nam đi lên 3,4%...
Tâm lý tiêu cực phủ bóng thị trường với sắc đỏ phủ kín bảng điện tử. Toàn sàn có đến 657 mã giảm giá, gấp hơn 3 lần tổng số 198 mã tăng và 156 mã đi ngang tại vùng tham chiếu.
Áp lực bán tiếp tục khiến thanh khoản thị trường dâng cao với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 10.700 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch tại sàn HoSE chiếm 9.330 tỷ đồng, tăng hơn hơn 42% so với phiên cuối tuần trước và vẫn là mức rất thấp so với trung bình cả tuần.
Trước phiên giao dịch, nhiều công ty chứng khoán cũng dự báo việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn sẽ khó khả thi do dòng tiền bị co hẹp, nhà đầu tư vẫn chưa vội bắt đáy để chờ mức chiết khấu cao hơn có thể khiến áp lực bán gia tăng. Vùng hỗ trợ quan trọng 1.030-1.035 được các đơn vị phân tích đưa ra đã nhanh chóng bị phá vỡ. Thậm chí, các chuyên gia quan ngại chỉ số có thể thủng mốc 1.000 điểm trong tuần.
Khối ngoại mạnh tay bán ròng 660 tỷ đồng trong phiên đầu tuần
Về giao dịch khối ngoại, nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 660 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Trên HoSE, khối ngoại bán ròng với giá trị xấp xỉ 658 tỷ đồng. Trong đó, VNM được mua ròng mạnh nhất với giá trị 35 tỷ đồng. Xếp ở vị trí tiếp theo trong danh sách mua ròng mạnh trên HoSE là POW với 21 tỷ đồng. Ngoài ra, khối này cũng mua ròng PVD và BMP với giá trị đều là 11 và 9 tỷ đồng. Ngược lại, chứng chỉ quỹ FUEVFVND chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với giá trị 168 tỷ đồng. Theo sau là VHM, VRE bị bán khoảng 76 và 75 tỷ đồng mỗi mã.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng 203 triệu đồng. Ở chiều mua, IDC hôm nay được nhà đầu tư ngoại mua 3 tỷ đồng. Ngoài ra, PVI, PVS, VCS cũng đồng loạt được mua ròng mỗi cổ phiếu từ vài trăm triệu đồng. Phiên hôm nay, SHS bị bán ròng khoảng 3 tỷ đồng trên HNX, ngoài ra họ cũng bán ròng tại TNG, ICG, IVS,...
Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng 2 tỷ đồng. Cổ phiếu BSR được khối ngoại mua 2 tỷ đồng. Tương tự, các mã TCW, MML, TED cũng đồng loạt được mua ròng mỗi cổ phiếu từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều giảm, trong đó VN30F2303 đáo hạn gần nhất giảm 9 điểm, tương đương -0,9% xuống 1.011 điểm, khớp lệnh hơn 316.890 đơn vị, khối lượng mở gần 50.990 đơn vị.