Thị trường chứng khoán hôm nay 24/10: Cổ phiếu nằm sàn la liệt, VN-Index chính thức chia tay mốc 1.000 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 20/10: Giao dịch ảm đạm, VN-Index đảo chiều bất thànhThị trường chứng khoán hôm nay 19/10: Dòng tiền "mất hút", VN-Index kết phiên giảm gần 4 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 18/10: Cổ phiếu bất động sản bứt phá, VN-Index tăng 12 điểmVN-Index chia tay mốc 1.000 điểm
Theo Tin nhanh chứng khoán, bất chấp các chỉ số chứng khoán quốc tế tăng điểm ấn tượng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ngược xu hướng chung tiếp đà lao dốc mạnh từ phiên cuối tuần trước. Theo đó, mốc hỗ trợ 1.000 điểm của VN-Index đã bị loại bỏ, chỉ số này đã đánh mất toàn bộ thành quả tạo dựng được trong 2 năm vừa qua.
Với việc VN-Index rơi về mức giá thấp nhất trong 2 năm có thể khẳng định việc bán tháo ngày hôm nay gần như toàn bộ là cắt lỗ. Câu hỏi đặt ra là, hầu hết nhà đầu tư đã thua lỗ và rời khỏi thị trường, hoặc đóng app giữ cổ phiếu lâu dài, vậy việc cắt lỗ này đến từ đâu? Câu trả lời có thể đến từ các nhà đầu tư tổ chức, hay nói cách khác là các doanh nghiệp do cần dòng tiền mặt đã phải thoái nốt danh mục của mình.
Về vĩ mô, nhiều dự báo đã được đưa ra như "lợi nhuận doanh nghiệp đã đạt đỉnh", tức là quý IV tiếp theo sẽ không còn tích cực, hay như sẽ có một đợt tăng lãi suất mới... bên cạnh rất nhiều thông tin tích cực như xuất siêu, tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư giao động thì yếu tố không tích cực thường có giá trị chi phối nhiều hơn.
Sự giảm giá của phiên hôm nay luôn có những cơ hội, dù chỉ dành cho nhà đầu tư còn "sức mua", một số nhóm khuyến nghị đầu tư đã xuất hiện và cho rằng "thị trường hoảng loạn là có thể giải ngân một phần". Trường phái bắt đáy hoặc trung bình giá xuống đang có cơ hội, tuy nhiên phải chấp nhận rủi ro ở mức cao.
Chốt phiên, sàn HoSE chỉ còn ghi nhận 45 mã tăng và số mã giảm lên tới 430 (trong đó 160 mã giảm sàn), chỉ số VN-Index giảm 33,67 điểm (-3,3%), xuống 986,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt con số 654,94 triệu đơn vị, giá trị 12.072,32 tỷ đồng, giảm 11,75% về khối lượng cũng như 17,4% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.
Đóng cửa, sàn HNX có tới 177 mã giảm (69 mã giảm sàn), gấp gần 6 lần số mã tăng (chỉ 31 mã), chỉ số HNX-Index giảm 7,91 điểm (-3,64%), xuống 209,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt mức 63,9 triệu đơn vị, giá trị 940,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận thêm 13,73 triệu đơn vị, giá trị 169,51 tỷ đồng.
Diễn biến tương tự, UPCoM-Index giảm 2,12 điểm (-2,7%) xuống 76,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh là 32,35 triệu đơn vị, giá trị 443,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận thêm hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 79,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu lao dốc nhanh với hàng trăm mã giảm sàn
Phiên giảm mạnh hôm nay, gây tác động xấu nhất lên thị trường đến từ cổ phiếu VHM của Vinhomes khi lao thẳng về giá sàn 44.600 đồng. Bên cạnh đó, còn phải kể đến một loạt mã bất động sản cũng lao dốc như VRE, KDH, KBC, DIG, DXG, NLG, TCH, SJS, HDC, HBC, CTD, SZC, TCD, KHG, CII,... cũng như nhiều mã xây dựng khác như VGC, CTD, HBC.
Diễn biến tương tự, nhóm ngân hàng cũng chìm trong áp lực bán mạnh mẽ. Trong đó, nhiều mã thậm chí giảm sàn có thể kể đến như BID, TCB, LPB, STB, nhiều mã khác có thời điểm rớt về giá sàn nhưng đã kịp phục hồi về cuối ngày. Ngược lại, riêng TPB ngược dòng với mức tăng 0,25% hay VCB cũng gây ấn tượng khi giữ giá tham chiếu.
Cổ phiếu chứng khoán giao dịch tiêu cực theo đà giảm mạnh của toàn thị trường. Đồng loạt các mã SSI, VND, VCI, HCM, FTS, VIX, BSI, AGR, CTS đều giảm hết biên độ.
Nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng không thể thoát khỏi tình cảnh bán tháo. Đáng kể đến là SAB của Sabeco rơi 6,2% về 181.000 đồng hay VNM của Vinamilk giảm 3,9% còn 74.000 đồng.
Cổ phiếu ngành bán lẻ cũng tham gia vào làn sóng bán tháo với đầu tàu là MWG của Thế giới di động rơi thẳng đứng 7% về mức 78.400 đồng, những mã còn lại như PET, VRE, DGW, PLX cũng rơi về giá sàn.
Bên cạnh đó, hàng loạt nhóm ngành khác cũng chứng kiến cảnh tượng "bán tháo bằng mọi giá" có thể kể đến như nông nghiệp và chăn nuôi, nhóm sản xuất điện, dệt may, thủy sản, khu công nghiệp và các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ.
Ở chiều ngược lại, không có quá nhiều điểm sáng mà chỉ ghi nhận pha đi ngược của một số cổ phiếu riêng lẻ. Đáng chú ý trong đó là ông lớn ngành điện PGV của EVNGenco3 bứt phá 2,9% lên 21.600 đồng hay HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng 3,9% đạt 8.830 đồng.
Mặc dù thị trường chứng khoán gặp áp lực bán tháo dữ dội nhưng chủ yếu do không có cầu. Theo đó, thanh khoản thị trường lại rơi xuống về vùng rất thấp với tổng giá trị giao dịch đạt 13.725 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cuối tuần trước.
Về giao dịch khối nhà đầu tư tổ chức tự doanh chứng khoán trong trạng thái tiêu cực khi bán ròng hơn 212 tỷ đồng. Đây là phiên bán ròng thứ 12 liên tiếp của nhóm nhà đầu tư này.
Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài có phần khởi sắc hơn khi quay đầu mua ròng gần 72 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, các mã được mua ròng nhiều nhất là FRT, MSN, DCM, ngược lại các mã bị xả mạnh nhất là STB, SAB và VND.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh. Trong đó, CV30F2211 đáo hạn gần nhất vào ngày 17/11/2022 tới đây đã giảm 43 điểm, tương đương -4,4% xuống 942 điểm, khớp lệnh hơn 462.270 đơn vị, khối lượng mở 48.375 đơn vị.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, bối cảnh nhiều thông tin tích cực về các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp không thể trả nợ gốc và lãi đến hạn, thậm chí bán tháo tài sản để lo thanh khoản,... đã phủ bóng đen lên thị trường, bất chấp mùa kết quả kinh doanh quý 3 có nhiều điểm tích cực.