Thị trường bất động sản Cần Thơ “nóng” lên nhờ các dự án kết nối vùng
BÀI LIÊN QUAN
Tiền thuế thu nhập cá nhân, bất động sản tăng mạnh: Quý 1 đạt xấp xỉ 40% dự toánĐất nền vẫn chưa bao giờ hết "nóng": Nhiều người bất ngờ vì dòng tiền liên tục chảy vào phân khúc nàyQuyết liệt xử lý chiêu trò của “cò đất”Những yếu tố tạo nên tiềm năng
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ địa ốc Tầm Nhìn & Thịnh Vượng chia sẻ, trong năm 2020 và 2021, thị trường bất động sản ở Cần Thơ phát triển khá kém, thậm chí nhiều khu vực còn sụt giảm giá. Rất mừng là từ đầu năm đến nay, khi cả nước bước vào trạng thái bình thường mới, giá nhà đất dự án ở Cần Thơ đã tăng lên 12%. Trong quý II và quý III có thể tăng lên trên 20% so với năm ngoái.
Lý giải điều này, ông Tuấn cho biết, Cần Thơ có rất nhiều thông tin kích thích thị trường bất động sản. Đầu tiên phải kể đến Cần Thơ là vị trí chiến lược, đô thị hạt nhân của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Chính phủ đã chấp thuận nhiều chủ trương đầu tư lớn để thay đổi diện mạo kinh tế, hạ tầng giao thông trong toàn tỉnh trong đó có trung tâm logistics hàng không. Những tuyến đường mang tính kết nối vùng như quốc lộ 91, quốc lộ 61C, đường tỉnh 923, đường tỉnh 917, đường tỉnh 922 cũng chuẩn bị nâng cấp, mở rộng.
Tiếp đến là dự án cầu Mỹ Thuận kết nối cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ vừa mới được khởi công đầu năm 2022 và dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2023. Ngoài ra, các tuyến đường thuỷ với dự án Cảng quốc tế trên sông Hậu tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cần Thơ còn có các trường học nổi tiếng như Đại học Y dược, Đại học Kỹ thuật Công nghệ, các bệnh viện quốc tế lớn đảm bảo tiện ích, phục vụ đời sống người dân. Do vậy, các dự án, khu đô thị hiện đại ở khu vực lân cận đều được các nhà đầu tư quan tâm.
Chưa kể, trên địa bàn còn có 83 dự án FDI (hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh) với tổng vốn thực hiện hơn 500 triệu USD. Điều này tăng tiềm năng cho thị trường bất động sản trên địa bàn khi thu hút nhiều chuyên gia, doanh nhân, người lao động sinh sống.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ địa ốc Tầm Nhìn & Thịnh Vượng, khi các dự án xây dựng cùng với hệ thống giao thông phát triển đến đâu thì giá đất sẽ tăng trưởng theo đến đó. Thị trường bất động sản Cần Thơ có dư địa lớn, giao dịch ổn định tuy không tăng vọt nhưng lại là kênh đầu tư an toàn.
Nhiều “ông lớn” về với Cần Thơ
Nhờ sự đồng bộ về hạ tầng cả hàng không, đường bộ và đường biển, thị trường bất động sản Cần Thơ đã mang đến luồng gió mới cho các "ông lớn" đang tìm quỹ đất đầu tư.
Mới đây, Tập đoàn T&T đã ký hợp tác chiến lược với UBND TP Cần Thơ, trong đó sẽ đầu tư phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái, đưa quận Ô Môn trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại với vai trò phát triển vùng.
Tiếp đến là Tập đoàn Hoà Phát sau khi khảo sát, nghiên cứu đã đề xuất với UBND TP Cần Thơ làm 2 dự án khu đô thị thương mại – dịch vụ quy mô gần 100 ha tại quận Cai Răng và quận Ninh Kiều.
Nhắc đến các “ông lớn”, không thể bỏ qua Tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa được UBND TP Cần Thơ chấp thuận đầu tư dự án Khu Logistics và công nghiệp hàng không ở quận Bình Thuỷ kèm theo khu du lịch sinh thái huyện Phong Điền với tổng quy mô gần 2.700 ha.
Gần đây nhất, tập đoàn địa ốc Cát Tường đã ra mắt hàng ngàn sản phẩm bất động sản, thu hút hơn 600 nhà đầu tư từ TP HCM và các tỉnh lân cận về tham dự. Các dự án khu đô thị của tập đoàn này nằm ở vị trí đất vàng, không gian sống trong lành, hệ thống 22 công viên xanh tạo thành hệ điều hoà tự nhiên, độc đáo.
Phía Sở Xây dựng Cần Thơ thông tin, theo quy hoạch nhà ở trên địa bàn năm 2022 đạt 13,9 triệu/m2 sàn, tương đương 150.000 căn nhà. Điều này có thể thấy quỹ đất của Cần Thơ còn rất lớn, các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được tạo điều kiện khôi phục sau dịch bệnh. Một số dự án ì ạch nhiều năm qua nay cũng đang đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và dự kiến sẽ hoàn thiện hạ tầng trong cuối năm nay.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, hiện trung tâm quỹ đất đang quản lý 99 ha đất công. Trong khi đó các địa phương đều có nhu cầu xây dựng các khu tái định cư nên muốn đấu giá sử dụng đất nền, cao nhất là quận Cái Răng với nhu cầu 1.980 nền, huyện Ninh Kiều có nhu cầu 1.818 nền. Trong kế hoạch từ nay đến năm 2025, Cần Thơ cũng sẽ chỉnh trang, cải tạo hàng chục chung cư cũ trên địa bàn.
Phân khúc nào đang được quan tâm?
Theo ghi nhận tại một số văn phòng công chứng ở TP Cần Thơ, trong tuần qua không khí giao dịch sôi động trở lại. Anh Nguyễn Thành Tuấn, một môi giới bất động sản với 8 năm kinh nghiệm chia sẻ: Từ ngày 15/3 đến nay anh đã giao dịch thành công 2 lô đất cho khách, hoa hồng nhận về được 45 triệu, bằng thu nhập nửa năm ngoái. Anh Tuấn cho biết, sau Tết Thanh Minh (ngày 3/3 âm lịch) thì người dân thường mua đất đầu tư, mua nhà để ở nên thời gian tới thị trường còn “nóng” hơn.
Chị Hoàng Thị Thơm, chủ một sàn giao dịch bất động sản ở TP Cần Thơ cho hay, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khách hàng đến công ty đa phần tìm hiểu về đất nền và các dự án chung cư cao cấp. Nhìn chung cả giá bán lẫn lượng giao dịch ở 2 phân khúc này đều tăng.
“Hiện các phân khúc dự án nhà ở tại Cần Thơ đang tăng mạnh bởi quỹ đất lớn, nhu cầu ở cao. Dù là thành phố trực thuộc trung ương nhưng mức giá bất động sản ở đây chỉ khoảng 48 triệu đồng/m2, điều này cho thấy biên độ lợi nhuận trong thời gian tới còn rất lớn”, chị Thơm nhận định.
Đánh giá về thị trường bất động sản Cần Thơ, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhận định, trong vài năm vừa qua, các nhà đầu tư lớn đã quan tâm đến thị trường Đồng bằng Sông Cửu Long. Riêng với Cần Thơ bất động sản đang có nhiều chuyển biến tích cực nhờ các dự án được triển khai, hạ tầng kỹ thuật, giao thông được nâng cấp.
Theo ông Võ, với thế mạnh được ưa chuộng tại miền Tây thì các đô thị quy hoạch theo hướng xanh sẽ thịnh hành trong vài năm tới. Cần Thơ được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo theo hướng năng động, phát triển tạo sức hút cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.