Thêm một quốc gia Nam Á tìm đến dầu đại hạ giá của Nga vì rơi vào khủng hoảng nhiên liệu
Ngày 26/6, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera cho biết ông sẽ tới Qatar, trong khi 2 người đồng cấp đến Nga để trao đổi về việc giao dịch dầu với điều khoản ưu đãi. Hồi cuối tháng 5, nước này đã nhập khoảng 90.000 tấn dầu thô nhẹ ở Siberia của Nga.
Về thông tin này, hiện Moskva và Doha chưa hề đưa ra lời bình nào. Sau khi phương Tây đưa ra các lệnh trừng phạt và muốn chấm dứt dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, Nga đã bán dầu với giá chiết khấu cao cho một số đối tác như Ấn Độ và Trung Quốc.
Vào ngày 25/6, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera đã đưa ra lời xin lỗi đối với người dân vì các chuyến hàng dầu lẽ ra sẽ cập cảng nước này vào tuần trước nhưng đã không thể xuất bến. Và theo dự kiến, những chuyến đến vào tuần tới cũng có thể không tới được Sri Lanka vì những vấn đề liên quan đến ngân hàng.
Theo thông báo từ Tập đoàn Dầu khí Ceylon (CPC), giá dầu diesel (vốn được dùng rộng rãi trong các phương tiện giao thông công cộng) sẽ tăng 15% đạt mức 1,27 USD/lít, còn giá xăng tăng 22%, lên 1,52 USD/lít.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Colombo, một phái đoàn từ Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao nước này đã tới Sri Lanka để trao đổi về những phương pháp mà Mỹ có thể hỗ trợ những người dân đang cần trợ giúp.
Đại sứ Mỹ tại Sri Lanka Julie Chung nói: “Trong bối cảnh người dân Sri Lanka đang đối mặt với rất nhiều thách thức kinh tế lớn nhất chưa từng có trong lịch sử, sự nỗ lực của chúng tôi nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và góp phần củng cố các thể chế dân chủ ngày càng trở nên quan trọng hơn”.
Theo cam kết từ Đại sứ quán, trong 2 tuần qua Mỹ đã tài trợ 158,75 triệu USD nhằm giúp người dân Sri Lanka vượt qua những khó khăn trước mắt.
Để hỗ trợ cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất trong tổng số dân 22 triệu người của đảo quốc Sri Lanka, Liên Hợp Quốc cũng đã có động thái kêu gọi khẩn cấp quyên góp số tiền 47 triệu USD.
Đất nước 22 triệu dân đang thiếu hụt ngoại hối nghiêm trọng để có thể mua những mặt hàng thiết yếu như thuốc men, thực phẩm và nhiên liệu.
Theo Bộ trưởng Wijesekera CPC không thể chắc chắn rằng Sri Lanka sẽ đón nhận các lô dầu mới vào khi nào. Vì thiếu dầu thô nghiêm trọng, tập đoàn này đã phải dừng hoạt động của nhà máy lọc dầu duy nhất. Ông cũng tỏ ra tiếc nuối khi các lô xăng, dầu Diesel và dầu thô đến hạn vào đầu tuần trước hay tuần tới đều không thể được chuyển giao theo đúng kế hoạch vì những vấn đề liên quan đến hậu cần vào ngân hàng.
Theo Bộ trưởng, thời điểm nhận các chuyến hàng dầu mới là không xác định và có thể phải chờ đợi trong vô thời hạn. Bởi vậy, Bộ trưởng kêu gọi những người lái xe ô tô không nên xếp hàng cho đến khi áp dụng hệ thống mã thông báo đối với một số lượng xe hạn chế mỗi ngày.
Theo ghi nhận, người dân nước này đã xếp hàng dài hàng km ở ngoài các trạm bơm nhiên liệu. Thế nhưng, việc chính phủ tập trung vào cung cấp các kho dự trữ còn lại cho giao thông công cộng, sản xuất điện và dịch vụ y tế khiến họ khó có thể mua được nhiên liệu cho xe của mình.
Bộ trưởng Wijesekera cho hay một số trạm bơm được chỉ định sẽ phân phối nguồn cung khan hiếm còn lại. Tuần trước, phía quân đội Sri Lanka đã nổ súng nhằm dập tắt một cuộc bạo loạn tại một trạm bơm nhiên liệu tại Visuvamadu, cách thủ đô Colombo 365 km về phía bắc.
Những cơ sở nhà nước không thiết yếu cũng như những trường học đã bị đóng cửa trong 2 tuần nhằm giảm số lượng người đi làm vì năng lượng đang bước vào giai đoạn khủng hoảng. Ngoài ra, chính phủ cũng cho công chức nghỉ việc để tăng cường sản xuất tại nhà. Ở một số bệnh viện trên toàn quốc, tình trạng thiếu nhân viên y tế cũng xảy ra đồng loạt vì họ không có nhiên liệu cho phương tiện di chuyển của mình.
Hôm 22/6, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã đưa ra lời cảnh báo rằng Sri Lanka sẽ phải đối mặt với những thách thức trong nhiều tháng nữa và kêu gọi người dân hãy dùng nhiều liệu một cách tiết kiệm. Hồi tháng 4, chính phủ Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vì không thể trả khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD. Họ đã và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với mong muốn có được gói cứu trợ.
Ngày 13/6, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan đã công bố một báo cáo rằng Nga đã thu về 98 tỷ USD nhờ xuất khẩu nhiên liệu hóa thách trong 100 ngày đầu tiene kể từ khi chiến tranh tại Ukraine nổ ra. Trong đó, nhà nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất là Liên minh Châu Âu (EU).
Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Pháp đã tranh thu tăng cường nhập dầu của Nga.
Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, đã nhân cơ hội giảm giá và nhập khẩu 2 triệu thùng/ ngày. Việc Nga tăng cường xuất khẩu nhiên liệu sang châu Á đã bù đắp phần nào những thiệt hại mà lệnh trừng phạt từ phương Tây gây ra.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng là nhà thu mua dầu thô lớn của Nga với 18% lượng xuất khẩu của Moscow. Nước này đã mua tới gần 900.000 thùng/ngày trong tháng 5. Trong số đó, phần lớn dầu thô được tái xuất ở dạng sản phẩm dầu tinh chế và vận chuyển tới Mỹ cũng như các nước châu Âu.
So với mức chuẩn toàn cầu của dầu Brent, mỗi thùng dầu thô Ural được Nga bán rẻ hơn 35 USD. Thực tế, dầu này vốn đang giao dịch quanh mốc 113 USD/thùng. Do đó, các quốc gia trên thế giới đã tranh thủ nhập dầu của Nga trong bối cảnh giá hàng hóa đều leo thang từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.