Thanh Hóa lại có đợt tăng giá mới
Cơn “sốt” giá đất đã trở lại
Cụ thể, mảnh đất tại huyện Quảng Xương có diện tích 100m2 mua vào với mức 1,3 tỷ đồng, sau hai tháng đầu năm 2022 bán ra được 1,8 tỷ đồng. Trong khi đó, mức giá 1,3 tỷ đồng trong suốt nửa cuối năm 2021 gần như không “nhúc nhích”. Quan khảo sát, giá đất tại khu vực Quảng Lĩnh, Quảng Trung, Quảng Hải (huyện Quảng Xương, Thanh Hoá) vào hai tháng đầu năm 2022 đã có nhiều biến động. Cả bất động sản gần biển lẫn bất động sản các vùng nông thôn đều ghi nhận sự tăng trưởng nhộn nhịp so với đợt tháng 5, tháng 6 năm ngoái. Trong đó, những lô đất có giá trị từ 600 - 1 tỷ đồng/ nền đang được giao dịch trở lại tại các nhà đầu tư lẻ ở địa phương.
Anh Cường (trú tại huyện Quảng Xương) mới mua một mảnh đất 100m2 tại huyện Quảng Xương vào thời điểm trước Tết năm 2022 với giá 1,3 tỷ đồng/ nền. Mảnh đất này nằm cạnh mặt đường lớn nên rất nhiều người hỏi mua, tới tháng 3/2022 một nhà đầu tư khác đã mua lại mảnh đất này với giá 1,8 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn tăng trưởng mới này có thể sẽ có chu kỳ như trong năm 2021.
Đợt đầu năm 2021, thị trường bất động sản Thanh Hóa ghi nhận tình trạng tăng giá mạnh nhất trong khu vực. Đặc biệt là đất tại các vùng lân cận TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn và một số khu vực đang quy hoạch các dự án lớn. Tháng 3/2021, giá đất nền địa phương tăng đỉnh điểm , trung bình tăng khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2020. Thậm chí, những lô đất xấu, nằm tại nơi có hạ tầng kém, trong ngõ nhỏ trước nay không ai nhòm ngó cũng được đẩy giá lên cao vì nhiều người tìm mua. Còn giá đất tại những khu vực đô thị, ven biển Thanh Hóa đều được giao dịch ở mức 12 - 15 triệu đồng/m2. Một số nơi được bán ở mức 20 triệu đồng/m2, tăng gấp 2 - 3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm 2020 và tăng gấp nhiều lần so với giá Nhà nước quy định.
Vào giai đoạn giữa năm 2021, cơn sốt đất Thanh Hóa đã hạ nhiệt tuy nhiên chưa có hiện tượng giảm giá mà chỉ đi ngang. Tiếp đó, hoạt động giao dịch trên thị trường cũng dừng lại do các nhà đầu tư đã rút khỏi thị trường. Đến tháng 7/2021, nhiều nền đất tại địa phương có dấu hiệu giảm giá mạnh khiến nhà đầu tư phải bán cắt lỗ để trả nợ ngân hàng.
Sau khi cơn “sốt” qua đi, khu vực Nam Sầm Sơn ghi nhận sự sụt giảm giá đất xuống 20 - 30%. Cụ thể, một lô đất khu vực này trong đợt “sốt” có giá 1,1 tỷ đồng đã bị giảm còn 800 triệu đồng. Ngoài ra, một số địa điểm như Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân cũng trong tình trạng tương tự. Theo thông tin ghi nhận, một số đất nền trong địa bàn thôn, xã vốn đang tăng gấp 2 - 3 lần đều đã giảm từ 50 - 80 triệu đồng/m2 chỉ trong vài tháng. Tuy vậy, hầu hết khu đất có vị trí đẹp, đất của người dân đều không giảm giá vì họ giữ đất, không bán ra ở thời điểm hạ nhiệt.
Chính quyền triển khai nhiều biện pháp đảm bảo các hoạt động đấu giá
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá đã và đang triển khai rà soát, kiểm tra lại các hoạt động của tổ chức đấu giá bất động sản vì đã xảy ra nhiều dấu hiệu bất thường. Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, giai đoạn này, thị trường bất động sản địa phương chưa có sự phát triển bền vững; Nhiều rủi ro tiềm ẩn; Các cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản còn thiếu; Chưa đảm bảo minh bạch; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Được biết, một số địa phương thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc, tình trạng như: Doanh nghiệp triển khai kinh doanh bất động sản nhưng chưa đủ điều kiện pháp lý; Chuyển nhượng nhà, đất nhưng chưa đảm bảo đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý; Chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định pháp luật,... đã gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Ngoài ra, một số trường hợp trúng đấu giá quá cao so với giá khởi điểm, những trường hợp giá cao bất thường có thể tác động tiêu cực tới thị trường nhà ở…
Trước những thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các ban, ngành, đơn vị tại địa phương thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản. Nhằm phát triển lành mạnh, ổn định và tránh gây ra tình trạng “bong bóng” đất. Những biện pháp, giải pháp được tiến hành bài bản, chặt chẽ như:
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, rà soát; Xây dựng giải pháp phù hợp để ngăn chặn kịp thời những thông tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông,... gây bất ổn thị trường, tác động xấu vào an ninh trật tự xã hội cũng như đời sống người dân địa phương.
- Nghiêm túc xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về: môi giới, mua bán bất động sản, dự án, quyền sử dụng đất, pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật liên quan, buông lỏng công tác quản lý.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý, đánh giá và kiểm soát chặt chẽ nguy cơ gây ra “bong bóng” đất. Tăng cường công tác quản lý trên thị trường bất động sản, xử lý nghiêm những trường hợp dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở pháp lý mà đã đưa vào kinh doanh.
Cùng với đó, UBND tỉnh Thanh Hoá đã trang bị trang thông tin điện tử đấu giá tài sản trực tuyến của tỉnh. Tại một số địa phương trên cả nước cũng đã có nhiều tổ chức đấu giá tài sản cung cấp trang thông tin điện tử về đấu giá tài sản trực tuyến. Do đó, để kết hợp quản lý, thực hiện tốt các công tác phòng, chống Covid - 19, chống tiêu cực, chống thất thoát ngân sách quốc gia, tăng tính minh bạch trong hoạt động đấu giá,... UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Sở TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa ưu tiên tổ chức đấu giá trực tuyến tại các cuộc đấu giá bất động sản. Song song với đó, triển khai mạnh các nội dung về đấu giá trực tuyến theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.