Tháng 8 ghi nhận xuất khẩu hàng hoá bật tăng trở lại nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Sản phẩm mới của Samsung chiếm phần lớn tăng trưởng xuất khẩu tháng 8
Tổng cục Thống kê đã đưa ra số liệu cho thấy xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 8 đã bật tăng trở lại sau khi giảm vào tháng 7. Theo đó, so với tháng trước, kim ngạch tăng 9,1% (tương ứng 2,8 tỷ USD) khi ước đạt 33,3 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2021, con số này cũng đã tăng 22,1%.
Hơn nữa, một phần của đà đi lên này cũng là do mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Đó là thời điểm mà làn sóng thứ 4 của dịch Covid - 19 xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu điện thoại nhiều loại và linh kiện (mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam) đã được đẩy mạnh nhờ sự kiện ra mắt dòng sản phẩm mới Galaxy Z Fold 4 và Flip 4, tai nghe không dây Galaxy Buds 2 Pro và mẫu đồng hồ thông minh Galaxy Watch 5 của Tập đoàn Samsung.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tháng 8, 17% thuộc về điện thoại các loại và linh kiện với 5,7 tỷ USD, tăng vọt 30,6% (1,3 tỷ USD) so với tháng trước. Con số này chiếm gần ½ giá trị tăng thêm trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Hiện Việt Nam đang trở thành nhà sản xuất điện thoại hàng đầu của Samsung khi chiếm tới 60% tổng sản lượng điện thoại bán ra của Samsung trên toàn thế giới.
Không chỉ có điện thoại các loại và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 còn có một số mặt hàng khác như máy móc, máy vi tính, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may; sản phẩm điện tử và linh kiện hay gỗ và sản phẩm từ gỗ…đều ghi nhận mức tăng so với tháng liền trước.
Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ chốt như phân bón và sắt thép, thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo lại cho thấy sự sụt giảm trong tháng 8. Cụ thể, mức giảm lần lượt là 22,4% và 28,3%.
Bên cạnh đó, so với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu ở một số mặt hàng nông và thuỷ sản như cà phê giảm 1,8%, rau quả giảm 2,8%, thuỷ sản giảm 5,3% hay hạt tiêu giảm 10,1%...
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,6 tỷ USD tính cả 8 tháng đầu năm nay, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, nhập khẩu tăng 13,6% và xuất khẩu tăng 17,3%. Theo ước tính, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 xuất siêu gần 4 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hoá ước xuất siêu 2,4 tỷ USD chỉ trong tháng 8.
Nguy cơ sụt giảm vào quý 4
Trong quý III, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam được tin là sẽ duy trì mức tăng trưởng trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, theo nhiều dự báo, kể từ quý 4, xuất khẩu sẽ có dấu hiệu chậm lại vì nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào cuối tháng 7 mới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay còn 3,2%, trong khi dự báo hồi tháng 4 trước đó là 3,6%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) trước đó cũng đồng loạt thực hiện hạ dự báo đối với triển vọng kinh tế toàn cầu trước những ảnh hưởng từ mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine.
Lạm phát tháng 7 tại khu vực Eurozone đã đạt mức cao kỷ lục là 8,9%, trong khi tại Mỹ là 8,5%. Theo dự báo, mức lạm phát sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới vì khủng hoảng giá lương thực và năng lượng. Hậu quả của mức lạm phát cao là khiến sức tiêu dùng của mặt hàng không thiết yếu chịu ảnh hưởng, làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia, có bao gồm Việt Nam.
Mặt khác, Trung Quốc vẫn đang chật vật với sự sụt giảm kinh tế vì dịch bệnh và thời tiết nắng nóng khắc nghiệt kéo dài gây gián đoạn sản xuất và thiếu điện. Đây là thị trường cung ứng nguyên liệu sản xuất hàng đầu thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 2 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng phải chịu sức ép từ việc tỷ giá giữa các đồng tiền trên thế giới biến động. Đồng euro hôm 5/9 đã rơi xuống mức thấp nhất tính từ năm 2002. Trong khi đó, đồng yen và đồng Won cũng chạm đáy trong nhiều năm qua. Mặt khác, đồng bạc xanh là tăng lên mạnh mẽ.
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa qua đã đưa ra nhận định rằng những tháng cuối năm sẽ chứng kiến tương lai xuất khẩu sẽ khó khăn hơn.
Khi đối tác xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Mỹ và EU đang ghi nhận mức lạm phát rất cao và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, triển vọng xuất khẩu của quốc gia sẽ gặp nhiều trở ngại trong những tháng cuối năm, theo đánh giá của BVSC. Đối tác xuất khẩu số 1 của Việt Nam là nền kinh tế Mỹ hiện đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi trải qua 2 quý liên tiếp có GDP tăng trưởng âm. Cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng tiêu cực vì diễn biến này, từ đó làm ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chia sẻ trong buổi hội thảo với chuyên đề “Cập nhật tình hình kinh tế, thị trường dệt may và giới thiệu Luật chuỗi cung ứng của Đức”, rằng sức mua giảm và hàng tồn kho đang ngày một tăng cao do tình hình lạm phát tại các quốc gia trên thế giới chưa thể lắng xuống. Kết quả là số đơn đặt hàng giảm đi và giãn tiến độ của các đơn đã đặt trước đó.
Theo nhận định của đại diện Vinatex, từ quý 4 năm nay đến hết năm sau, thị trường may sẽ gặp nhiều trở ngại. Thế nhưng, thị trường có thể hồi phục trở lại từ năm 2024. Do đó, các công ty trong lĩnh vực này cần xem xét thị trường một cách tổng quan để kịp thời có những kế hoạch tổ chức và sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp.
Về ngành gỗ, thường thì xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa cuối năm sẽ cao hơn so với đầu năm vì nhu cầu sửa sang, hoàn thiện và trang trí nội thất tăng mạnh tại nhiều thị trường, theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương.
Thế nhưng, người dân ở các quốc gia như Mỹ và EU (thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ chính của Việt Nam) lại có xu hướng thắt chặt túi tiền vì lạm phát đang tăng cao, nhất là đối với nhóm hàng không cần thiết. Bởi vậy, nhu cầu nhập khẩu gỗ có thể sụt giảm.
Hơn nữa, giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm và chưa có tín hiệu nào chững lại do ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Bởi vậy, giá bán và sức cạnh tranh của sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng vì chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo dự báo của Cục xuất nhập khẩu, trong nửa cuối năm, xuất khẩu gỗ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và không dễ để đạt được mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022.
Còn ngành thuỷ sản, nhu cầu mặt hàng này trên toàn cầu đã lập đỉnh và nửa cuối năm nay sẽ giảm đi, theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP. Điều này xuất phát từ nguyên nhân đồng bạc xanh tăng giá nên nhu cầu tại nhiều thị trường bao gồm Nhật Bản và EU đều giảm đi. Hơn nữa, nhà nhập khẩu cũng hạn chế mua hàng và tìm cách hạ giá nhập vì lượng tồn kho tăng.
Chi tiêu cho thuỷ sản giảm đi vì tình hình lạm phát gia tăng. Với nguồn thu nhập đang bị giảm đi, người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho các loài có giá phải chăng. Giá của cá tra, surimi, tôm nhỏ, chả cá, hay cá biển nhỏ sẽ giảm so với nửa cuối năm dù nhu cầu là vẫn cao.
Trong những bối cảnh này, đại diện của VASEP đề cập rằng giá trị xuất khẩu nửa cuối năm nay của Việt Nam có thể sẽ ngang với mức năm trước, nếu ở trong tình huống tồi tệ nhất. Con số theo đó sẽ đạt 4,8-5 tỷ USD.
Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã liên tiếp duy trì trên 1 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 6 nhưng đã giảm xuống dưới mức này khi sang tháng 7. Tháng 8 tiếp tục ghi nhận doanh số giảm theo chiều hướng này khi đạt 917 triệu USD.