Sầu riêng bị “thổi giá”, doanh nghiệp chịu cảnh thua lỗ triền miên
BÀI LIÊN QUAN
Cổ phiếu MRF - doanh nghiệp sản xuất bao cao su duy nhất trên sàn - tăng phi mã 51% trong 1 tuầnNhững doanh nghiệp nào chốt quyền cổ tức tuần 11–15/9?Du lịch phục hồi mạnh, các doanh nghiệp trong ngành bội thu nửa đầu nămTheo VnExpress, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã phản ánh thông tin trên tại diễn đàn trực tuyến "Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam" sáng 11/9.
Theo ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa, đơn vị có hệ thống cơ sở đóng gói tại Đăk Lăk lên đến 30.000 m2, công suất hoạt động khoảng 100.000 tấn một năm, công ty phải bù lỗ bởi sầu riêng bị “thổi giá” và nông dân hủy kèo.
Ông đưa ra dẫn chứng, các vùng trồng đã được doanh nghiệp liên kết trước khi sầu riêng vào vụ một tháng, tuy nhiên vẫn bị nông dân bẻ cọc và bán cho các lái, cò với giá cao hơn.
Ông Trung cho hay: “Nếu doanh nghiệp ký kết thu mua với nông dân giá 60.000-80.000 đồng một kg, nhiều cơ sở vãng lai sẵn sàng trả 90.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng khiến nông dân bẻ cọc".
Ông Trung cho rằng công ty gặp khó trong việc hoàn thành đơn hàng cho đối tác vì tình trạng này, phải bù lỗ sau mỗi chuyến xuất khẩu hàng hóa. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp càng làm sẽ càng chịu lỗ. Đồng thời, việc duy trì cam kết với các nhà mua sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Bởi vậy, doanh nghiệp sẽ không thể bao tiêu sản phẩm cho người nông dân như đã cam kết trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Hữu Chiến - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk, công ty đang làm việc với 2 doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên cũng chịu tác động khi thương lái và cò thi nhau xuống các vườn để chốt, cọc khiến người nông dân bị phân tâm.
Ông Chiến nói: “Việc tranh mua, bán diễn ra thường xuyên. Doanh nghiệp báo giá cho nông dân buổi sáng, đến chiều cơ sở vãng lai tăng thêm hai giá. Thậm chí, họ dòm ngó chọc ngoáy để nông dân bỏ liên kết. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang 'đánh nhau' và tự thua trên sân nhà".
Bên cạnh đó, ông cũng nói về tính trạng đáng báo động khi vùng trồng của các hợp tác xã đều được cấp mã bởi Trung Quốc nhưng đến khi cơ sở vãng lai và thương lái thu mua thì họ lại dùng mã vùng trồng khác để đóng gói.
Ông cảnh báo: "Nếu để tình trạng này tiếp diễn, các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường tỷ dân".
Bởi vậy, ông Chiến đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát, giám sát việc cấp, quản lý mã số vùng trồng một cách chặt chẽ. Theo ông, hợp tác xã và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn để chấm dứt tình trạng tranh mua tranh bán. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng các chế tài nhằm răn đe các cơ sở kinh doanh và đơn vị gây rối thị trường.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam), Cục Bảo vệ Thực vật đang kiểm tra, rà soát đề nghị các địa phương thu hồi và tạm dừng xuất khẩu những mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói sầu riêng vi phạm kiểm dịch sau những phản ánh của doanh nghiệp.
Ông cho rằng phía Trung Quốc sẽ truy xuất nguồn gốc về nơi đã đăng ký khi có sự cố và được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền. Bởi vậy, ông Nam đề nghị các cơ sở kinh doanh cần tìm hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt những nội dung trong nghị định thư, tránh khiến thương hiệu bị ảnh hưởng, làm giảm uy tín và tính ổn định của chuỗi ngành hàng sầu riêng.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng cần chung tay hợp tác sâu hơn để sầu riêng không rơi vào bi kịch và nhanh chóng tháo gỡ nút thắt “tranh bán tranh mua và bẻ cọc”.
Ông Hoan cho rằng hiện nay nông nghiệp còn manh mún, tự phát và nhỏ lẻ. Bởi vậy, hiệp hội, doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đủ thông tin điều chỉnh sản xuất. Trong chuỗi liên kết, các bên phải bỏ được suy nghĩ "nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ".
Ngay từ lúc đưa cây giống vào trồng, doanh nghiệp phải đắp nền với nông dân, mà không phải chờ đến lúc quả chín bởi lúc đó đã không thể kiểm soát được.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã đến lúc kết hợp siết chặt quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành ở địa phương. Việc siết chặt này không có nghĩa là Bộ thoái thác trách nhiệm bởi sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.
Cũng theo nhận định của Bộ trưởng, mã số vùng trồng tới nay mới dừng ở việc khuyến khích, do đó thời gian tới sẽ là yêu cầu bắt buộc. Toàn bộ đều phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn và không còn tình trạng tự phát, nhỏ lẻ.
Là người gần nhất với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, chính quyền địa phương phải đưa họ vào không gian chung, tổ chức chung để truyền thông, thông tin cũng như thống nhất trong sản xuất theo đúng yêu cầu của thị trường. Qua đó, nhà chức trách phải khoanh vùng để quản lý và chỉ dẫn cho người dân nhằm tránh những rủi ro.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT), có 2 Nghị định liên quan đến quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp là Nghị định 31 năm 2016 và Nghị định 31 năm 2023 xử lý vi phạm hành chính trong việc sản xuất và kinh doanh cây trồng…
Ngoài ra, cần tuân thủ quy định trong Nghị định 115, 124 về việc xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Đối với trường hợp xúi dân phá hợp đồng, bẻ cọc của thương lái, sẽ dựa theo các điều khoản trong hợp đồng để xử lý và theo quy định pháp luật về kinh tế và dân sự.