S&P 500 tăng 3 phiên liên tiếp sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán Mỹ đang chờ đợi thông tin từ Fed và số liệu việc làm quan trọngChứng khoán Mỹ bị lạm phát “kìm hãm”, tiếp tục chịu sự đe dọa bởi mối lo suy thoáiVận mệnh của thị trường chứng khoán lẫn kinh tế Mỹ đều đang phụ thuộc vào giá dầuTheo Vietnambiz, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng xấp xỉ 70 điểm, tương đương với 0,23% và kết phiên ở 31.038 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên tương ứng với 0,36% và 0,35%, cùng ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp.
Theo CNBC, các chỉ số chứng khoán đi lên ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) diễn ra trong hai ngày 14-15/6.
Theo biên bản cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách đều thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát hiện đang ở vùng đỉnh 40 năm. Tại cuộc họp tháng 6, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Quan chức Fed cho rằng, có nhiều khả năng phiên họp vào ngày 26-27/7 tới đây cũng chứng kiến một đợt tăng lãi suất lên 50 hoặc 75 điểm cơ bản nữa.
"Khi thảo luận về tiềm năng chính sách trong các cuộc họp tới, các thành viên tiếp tục cho rằng việc nâng khoảng lãi suất quỹ liên bang mục tiêu là biện pháp đúng đắn để đạt được các nhiệm vụ của Ủy ban FOMC", biên bản mới công bố có đoạn viết. "Cụ thể, các thành viên cho rằng một đợt tăng lãi suất thêm 50 hoặc 75 điểm cơ bản sẽ là động thái phù hợp trong cuộc họp sắp tới".
Những cổ phiếu trong ngành quốc phòng và tiện ích công cộng tăng tốt trong phiên giao dịch ngày 6/7. Tập đoàn vũ khí Northrop Grumman bật tăng 3,8%, United Health tăng thêm gần 2%.
Các cổ phiếu công nghệ lớn cũng có diễn biến tích cực với Cisco Systems và Adobe cùng tăng thêm 1,7%, Microsoft và Apple đi lên tương ứng là 1,28% và 0,96%. Biểu đồ bên dưới cho thấy công nghệ là một trong hai ngành có chỉ số S&P 500 tăng mạnh nhất trong phiên 6/7.
Lợi suất trái phiếu tiếp tục đi lên sau khi biên bản họp của Fed được công bố, hàm ý rằng các nhà đầu tư có thể đang phản ánh vào những chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn của ngân hàng trung ương Mỹ.
Một số nhà đầu tư cổ phiếu coi việc Fed quyết tâm nâng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát là một tin tốt vì nếu giá cả sớm được kiểm soát thì nền kinh tế có thể sớm bình thường trở lại.
Nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ đang rơi vào một cuộc suy thoái sau khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tụt xuống dưới kỳ hạn 2 năm. Trong lịch sử, hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược này thường là dấu hiệu cảnh báo suy thoái đang đến gần hoặc thậm chí là đang diễn ra.
Theo một số nhà phân tích ở Phố Wall, một đợt suy thoái sẽ không quá nghiêm trọng. Ngày 5/7, Credit Suisse cho rằng Mỹ sẽ tránh được suy thoái. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đã hạ mức điểm mục tiêu cuối năm của S&P 500 để phản ánh tác động của chi phí vốn cao hơn đối với định giá cổ phiếu.
Theo CNBC, Giám đốc đầu tư tại Centura Wealth Advisory - ông Chris Osmond nhận định rằng: "Chúng ta đang chứng kiến một cuộc thi gan giữa tăng trưởng và lạm phát, cả hai đang lao hết tốc lực vào nhau để xem ai chùn bước trước. Cuối cùng thì cả hai đều sẽ quay đầu, nhưng cái nào quay đầu trước sẽ là vấn đề mang tính sống còn cho thị trường trong thời gian tới".
Nền kinh tế Mỹ đón nhận một số tin tức tích cực trong ngày 6/7. Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ khả quan hơn dự báo, tuy rằng tốc độ tăng trưởng có chậm lại đôi chút.
Cục Thống kê lao động (BLS) cho biết số việc làm đang được tuyển dụng vào tháng 5 là khoảng 11,25 triệu, cao hơn mức 11,04 triệu mà các nhà kinh tế đã dự báo.
Ngày 4/7, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh. Ngày 5/7, chỉ số S&P 500 kết phiên tăng 0,16% dù có lúc chìm trong sắc đỏ hơn 2%. Chỉ số Dow Jones có lúc mất hơn 700 điểm nhưng sau đó hồi phục và khi đóng cửa chỉ còn giảm 129 điểm.