Quý I/2022: Lợi nhuận BIDV tăng mạnh dù trích lập dự phòng gần 7.400 tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
Quý I/2022: Lợi nhuận sau thuế của Coteccons là 29 tỷ đồng, vượt luôn mục tiêu của cả nămQuý I/2022: Vietjet Air kinh doanh khởi sắc, báo lãi sau thuế hợp nhất tăng gấp đôi cùng kỳQuý I/2022: Sacombank báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.589 tỷ đồng, lọt Top 10 ngân hàng lợi nhuận cao nhấtTheo Nhịp sống kinh tế, mới đây Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022. Theo báo cáo này, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã tăng trưởng gần 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,514 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng cũng tăng 33,7% lên mức xấp xỉ 3.638 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm nay, động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của BIDV chính là diễn biến tích cực của nhiều mảng kinh doanh chính. Theo đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 12.826 tỷ đồng, tăng 18,4% và đóng góp 79% tổng nguồn thu của BIDV.
Ngoài ra, kinh doanh ngoại hối của BIDV cũng tăng hơn 54%, đạt mức gần 585 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mảng chứng khoán ngân hàng đã có chuyển biến ngoạn mục, từ lỗ gần 331 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước sang lãi 1,6 tỷ đồng trong quý I/2022.
Trong một diễn biến khác, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.275 tỷ. Các hoạt động kinh doanh khác của BIDV cũng có mức lãi thuần giảm hơn 19% chỉ còn hơn 1.458 tỷ. Trong khi đó, mảng chứng khoán đầu tư cũng “đi ngược chiều”, chuyển lãi từ 451 tỷ đồng trong quý I/2021 sang lỗ hơn 1,9 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.
Tuy nhiên, sau tất cả BIDV vẫn ghi nhận doanh thu quý I/2022 tăng hơn 11% và đạt gần 16.227 tỷ đồng nhờ thu nhập lãi thuần. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động là 4.322 tỷ đồng, ngân hàng lãi thuần xấp xỉ 11.905 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm nay ngân hàng đã trích chi phí dự phòng rủi ro lên tới hơn 7.391 tỷ, con số này tương đương với hơn 62% lãi thuần của ngân hàng. Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,848 triệu tỷ, tăng 4,9% so với cuối năm trước; dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,7% lên gần 1,418 triệu tỷ; tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 1,2%, đạt mức trên 1,396 triệu tỷ.
Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng chỉ tăng thêm 1,4%, lên hơn 13.730 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1% cuối năm 2021 xuống còn 0,97%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV cũng tăng mạnh, từ mức 215% lên hơn 259%.
Trước đó, tại đại hội cổ đông ngân hàng đã trình thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022. Cụ thể, BIDV kỳ vọng năm nay mức lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 20.600 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng trưởng 12,5%, đảm bảo tuân thủ hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao.
Về định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn 2022-2025, HĐQT BIDV đặt ra một số mục tiêu tăng trưởng, gồm: Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 8-12%, dư nợ cuối kỳ và huy động vốn tăng trưởng lần lượt 8-12,5% và 8-13%, lợi nhuận trước thuế tăng từ 19-26%/năm, tỷ lệ ROE luôn cao hơn 12,5%, hệ số CAR đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước.