Quý 2/2022, FPT Retail báo lãi tăng mạnh, doanh thu từ chuỗi nhà thuốc Long Châu ghi nhận ấn tượng
BÀI LIÊN QUAN
FPT chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặtChủ tịch FPT Hoàng Nam Tiến nhận định về tình trạng "nhảy việc" của Gen Z: Sếp khó tính hay không được thuận theo ý là nhảy việc thì cả đời không bao giờ thành công được!Hàng loạt "ông lớn" Thế giới di động, FPT Retail, Masan đua nhau dồn lực vào việc phát triển các chuỗi bán lẻ dược phẩmMới đây, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) đã công bố báo cáo tài chính quý 2 năm nay với nhiều con số ấn tượng. Theo như báo cáo này, trong quý 2/2022, doanh thu của FPT Retail là 6.237 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 42%. Trong khi đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp là 943 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện lên mức 15,1%, cao hơn nhiều so với mức gần 13,9% của quý II/2021.
Trong cơ cấu chi phí, chi phí bán hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 775 tỷ đồng trong quý 2 năm nay, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 69%. Tuy nhiên, chi phí này lại không được FPT Retail thuyết minh chi tiết. Sau khi trừ đi chi phí, lãi ròng trong quý 2 năm nay của doanh nghiệp là gần 47 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng gần 57%.
Tuy nhiên, nếu so sánh với 2 quý gần đây, lợi nhuận FPT Retail còn thua xa so với quý 4 năm trước với mức lợi nhuận là 335 tỷ đồng còn quý đầu năm nay là 165 tỷ đồng. Theo như giải trình của công ty, việc lợi nhuận của quý 2 tăng mạnh là nhờ so sánh với mức nền lãi thấp của cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, công ty con của FPT Retail là Long Châu cũng tiếp tục tăng trưởng nhờ việc mở mới nhiều cửa hàng. So với cùng kỳ năm 2021, doanh thu của chuỗi cửa hàng Long Châu đã tăng 2,5 lần.
Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu hợp nhất của FPT Retail là 13.999 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 55%, đồng thời thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu năm 2022. Trong đó, doanh thu của chuỗi Long Châu cũng đã tăng gấp gần 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và đạt 4.008 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế hợp nhất cũng gấp 3,5 lần so với nửa đầu năm trước và đạt 263 tỷ đồng. Với con số này, Long Châu đã hoàn thành 37% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Trong nửa đầu năm, doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu đã đóng góp 29% vào tổng doanh thu của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT. Chỉ tính riêng trong quý 2 năm nay, doanh thu của chuỗi Long Châu là 1.849 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, chuỗi FPT Shop mang về cho công ty mẹ CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT 10.048 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, con số này đã tăng 31%, đồng thời chiếm 72% cơ cấu doanh thu của công ty mẹ FPT Retail. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu online của FPT Retail là 2.618 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã ghi nhận mức tăng 40%, đồng thời chiếm 19% tổng doanh thu hợp nhất của FPT Retail trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, ngành hàng Laptop vẫn là điểm sáng của FPT Retail khi doanh thu được ghi nhận là 2.278 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi kết thúc nửa đầu năm nay, chuỗi FPT Shop của FPT Retail đã đạt cột mốc 728 cửa hàng, so với thời điểm đầu năm đã tăng thêm 81 cửa hàng. Tính đến ngày 30/06/2022, Long Châu đã sở hữu tổng cộng 678 cửa hàng trên phạm vi cả nước, mở mới 278 nhà thuốc so với thời điểm đầu năm. Cũng tính đến thời điểm ngày 30/06/2022, số lượng cửa hàng nhà thuốc Long Châu đã cao hơn 313 so với nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động (Mã: MWG); tuy nhiên nếu so sánh với chuỗi Pharmacity thì Long Châu vẫn kém 440 cửa hàng.
Vào tháng 5 năm nay, FPT Long Châu đã ký hợp tác chiến lược toàn diện cùng Boehringer Ingelheim Việt Nam để triển khai dự án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi đồng thời nâng cao năng lực dược sĩ. Được biết, ứng dụng nhà thuốc Long Châu đạt top 1 nhóm ứng dụng chăm sóc sức khoẻ - y tế, cán mốc 1,5 triệu người dùng tại ngày 30/6.
Đáng chú ý, nếu xét về tình hình tài chính, tính đến cuối quý 2 quy mô tài sản của FPT Retail là 10.018 tỷ đồng. Đáng chú ý, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản chính là chỉ tiêu hàng tồn kho, tính đến ngày 30/06 là 5.115 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối tháng 6, tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của FPT Retail là 2.391 tỷ đồng; so với thời điểm đầu năm đã giảm mạnh 535 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm, khoản gửi ngân hàng đã mang về cho công ty này hơn 81 tỷ đồng tiền lãi. Ở chiều ngược lại, FPT Retail đi vay ngắn hạn tổng cộng 5.282 tỷ đồng, số tiền này tất cả đều được vay ở các ngân hàng. Chính vì thế trong 6 tháng đầu năm, công ty đã tốn 95 tỷ đồng để trả tiền lãi.
Ngoài ra, với nghiệp vụ sử dụng tiền nhàn rỗi để mang gửi ngân hàng với lãi suất cao và đi vay với lãi suất thấp đã giúp FPT Retail chỉ phải chịu thêm 14 tỷ đồng chi phí cho hoạt động đi vay nửa đầu năm.
Cũng tính đến thời điểm ngày 30/06/2022, vốn chủ sở hữu của FPT Retail đạt 1.856 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp là 649 tỷ đồng.