Ông chủ Tesla có thể phải nộp thêm 50 tỷ USD tiền thuế
Theo thông tin của tờ Washington Post, bản kế hoạch nhằm mục tiêu vào tài sản của đại gia và giới nhà giàu Mỹ được nêu ra như một phần thu ngân sách cho liên bang vào năm sau.
Trích dẫn từ Washington Post, trong bản kế hoạch nêu rõ: “Với mức thuế tối thiểu này, những người giàu nhất Mỹ sẽ không còn đóng mức thuế ít hơn cả giáo viên hay lính cứu hỏa nữa”.
Trong một nghiên cứu trước đây của chính quyền Joe Biden, từ năm 2010 - 2018, khoảng 400 tỷ phú Mỹ chỉ đóng tiền thuế thu nhập trung bình khoảng 8,2%. So với tiền thuế mà những người thu nhập thấp hơn phải đóng, rõ ràng đây là con số thấp hơn rất nhiều.
Kế hoạch thuế tỷ phú sẽ áp dụng với những người giàu có khối tài sản từ 1 tỷ USD trở lên hoặc có mức thu nhập 100 triệu USD/ năm trong 3 năm liên tiếp. Nếu theo tiêu chuẩn này, sẽ có khoảng 700 người bị đánh thuế tối thiểu 20% tổng thu nhập của họ.
Bên cạnh đó, các khoản lãi dù đã hoặc chưa giao dịch cũng sẽ bị đánh thuế.
The Post báo cáo, mức thuế 20% sẽ áp dụng cho “tổng thu nhập” của các tỷ phú, bao gồm tiền lương và lợi nhuận chưa thực hiện trên danh mục đầu tư của họ, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, hiện vốn không phải chịu thuế cho đến khi bán được lãi.
Như vậy các khoản lãi như cổ phiếu mà đang được các tỉ phú nắm giữ nhưng chưa giao dịch cũng bị đánh thuế. Trong Luật hiện hành tại Mỹ, những tài sản như vậy sẽ bị đánh thuế sau khi được bán.
Ngoài ra, các đại gia Mỹ cũng có nguy cơ đóng thuế bổ sung đối với bất động sản nếu những loại tài sản này được giao dịch. Nếu theo cách tính thuế như vậy, ngân sách Mỹ có thể tăng thêm 360 tỷ USD trong 1 thập kỷ tới.
Tuy nhiên, kế hoạch “thuế tỉ phú” sẽ chính thức đi vào hoạt động khi Thượng viện Mỹ thông qua.
Theo tờ Washington Post, theo bản kế hoạch thuế như trên, ông chủ Tesla sẽ cần nộp 50 tỉ USD tiền thuế, trong khi nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos sẽ nộp thêm 35 tỉ USD. Những con số này được tính toán bởi nhà kinh tế Gabriel Zucman thuộc ĐH California.
Kế hoạch “thuế tỷ phú” sẽ sớm được công bố bởi chính quyền Tổng thống Biden.
Trước đó, vào tháng 10/2021, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ cũng đã đề xuất ý kiến đánh thuế các tài sản giao dịch được của các tỉ phú. Tuy nhiên, sau cùng, ý kiến lại không được thông qua. Một phần là do Thượng nghị sĩ Joe Manchin, DW.Va., cho rằng điều này gây chia rẽ.
Trong năm tài chính 2021, thâm hụt liên bang đạt tổng cộng gần 2,8 nghìn tỷ USD - ít hơn khoảng 360 tỷ USD so với năm 2020, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội.
Hãng thông tấn AP lần đầu tiên đưa tin ngân sách đề xuất năm 2023 của Biden cũng nhằm mục đích cắt giảm thâm hụt liên bang 1 nghìn tỷ đô la trong thập kỷ tới.
Sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch cũng là một yếu tố giúp giảm thâm hụt. Nhà Trắng ghi nhận Kế hoạch Giải cứu người Mỹ, được xây dựng để hỗ trợ, cứu trợ cho những người Mỹ đang gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng Covid, vì đã giúp nền kinh tế tăng trưởng 5,7% vào năm 2021.
Một nền kinh tế mạnh hơn đồng nghĩa với thu nhập cao hơn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Do đó, chính phủ dự kiến sẽ thu thêm hơn 300 tỷ USD doanh thu so với năm ngoái.