Những sự kiện quan trọng nhà đầu tư cần quan tâm khi mua cổ phiếu tháng 10
Theo Dòng Vốn Kinh Doanh, trung tâm phân tích của Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết thị trường chứng khoán tháng 10 có thể nhận những tín hiệu tích cực nhờ những sự kiện như hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc, nền kinh tế tiếp đà tăng trưởng ấn tượng, và kết quả kinh doanh quý III được kỳ vọng đem đến tín hiệu tốt.
Việc Chính phủ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo quy định tại các Nghị Quyết số 11/NQCP, số 63/NQ-CP, số 124/NQ-CP ngày 15/09/2022, chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và các Nghị quyết tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ chính là yếu tố thứ hai có thể ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán.
Sau cùng, đó là sự kiện khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII dự kiến diễn ra từ 3/10 đến 9/10 và kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV khai mạc và bế mạc tương ứng vào ngày 20/10 và 18/11. Những nội dung tại sự kiện được cho là về quy hoạch phát triển nền kinh tế xã hội cũng như điều chỉnh các dự án Luật và có thể ảnh hưởng tới định hướng tương lai của một số ngành nghề và lĩnh vực.
Thế nhưng, thị trường chứng khoán cũng sẽ phải đối mặt với những yếu tố mang tính tiêu cực. Chẳng hạn như những thông điệp cứng rắn từ Fed trong hành trình chống lại lạm phát trước khi thực hiện cuộc họp FOMC vào đầu tháng 11 tới. Và điều đáng nói là khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm là rất lớn. Điều đó khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng và các nhà đầu tư nước ngoài có thể chịu tác động lớn.
Ngoài ra, Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản của Trung Quốc vào ngày 16/10 sẽ đưa ra những định hướng ở các lĩnh vực, nhất là trong hoạt động nhân sự cấp cao và phát triển kinh tế - xã hội trong tình trạng dịch bệnh Covid 19 vẫn diễn biến khó lường và các gói hỗ trợ của Bắc Kinh vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Theo dự báo, sự kiện này có thể ảnh hưởng tới đường lối chính trị, chiến lược và các nước đang trọng mối quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc, ngoài những rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn.
Trong khi đó, sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine, và quá trình Ukraine xin gia nhập NATO bước đầu được ủng hộ bởi một số thành viên trong khối, xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã leo thang lên một mốc mới. Ở một mặt khác, mâu thuẫn giữa Nga và các nước phương Tây tiếp tục trở nên căng thẳng do sự cố rò rỉ của đường ống Nord Stream. Những yếu tố này có thể gây nên tâm lý bất ổn cho giới đầu tư và khiến đà tăng trưởng kinh tế thế giới bị kìm lại.