Những điều bạn chưa biết về đá xây kim tự tháp
Tổng quan về kim tự tháp Giza
Như bạn đã biết, đây là một công trình kiến trúc cổ nhất và cũng là duy nhất còn tồn tại trong số bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Kim tự tháp Giza được xây dựng vào khoảng từ năm 2580 – 2560 TCN (tức thời kỳ đồ đồng). Trong bốn thiên niên kỷ, đây được đánh giá là công trình cao nhất thế giới và giữ vững vị trí này cho tới khi Thánh đường Lincoln cao 160 mét được hoàn thành vào năm 1300.
Kim tự tháp đạt tới mức bốn cạnh đáy có độ lệch trung bình chỉ khoảng 50mm chiều dài, 12 giây góc so với một hình vuông tiêu chuẩn. Khi vừa hoàn thiện, công trình này cao 149,6m và được ước tính xây từ 2,3 triệu khối đá.Tổng khối lượng kim tự tháp được ước tính khoảng 5,9 triệu tấn và thể tích khoảng 2.600.000 m3.
Giải mã cách xây dựng kim tự tháp Giza
Trong suốt nhiều thế kỷ trôi qua, con người luôn tò mò rằng làm thế nào để người Ai Cập có thể xây dựng được kim tự tháp. Các nhà khoa học vẫn luôn tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi ở thời kỳ cổ xưa ấy, không có sự hỗ trợ của thiết bị, máy móc hiện đại,... làm thế nào con người lại có thể dựng lên một công trình vĩ đại như vậy.
Kim tự tháp được xây bằng những khối đá từ đâu, vận chuyển đến đây như thế nào và chồng các khối đá đó lên nhau ra sao,... mà kim tự tháp lại có thể vững chắc trường tồn cùng thời gian như thế.
Điều kỳ diệu đó là, việc không có la bàn nhưng họ vẫn xây dựng được nền móng kim tự tháp một cách chính xác nhờ sự quan sát vị trí các chòm sao. Với độ dung sai của nền móng kim tự tháp là: mỗi cạnh dưới 2cm, mỗi góc dưới 11cm và tâm điểm là 3/60 độ so với la bàn.
Sau một quá trình tận tâm và bỏ ra nhiều công sức, các khảo cổ học đã tìm thấy một cuộn giấy da cổ đó là nhật ký làm việc của một đốc công thời xưa có tên Merer. Đó là người đã chịu trách nhiệm quản lý một tổ đội gồm 40 công nhân lành nghề.
Cuộn giấy da ấy có ghi lại phương pháp mà hàng nghìn người công nhân dùng để vận chuyển các khối đá về nơi xây dựng. Kim tự tháp được làm từ đá vôi, đá granite, đá bazan hay hoa cương được đẽo gọt với trọng lượng 2,5 tấn/ khối được đưa từ Tura - cách khu vực xây dựng hơn 800km bằng đường thủy.
Mỗi lần vận chuyển khoảng 170.000 tấn đá bằng các con thuyền gỗ, được kết lại bằng dây thừng theo hệ thống kênh đào nhân tạo dựng theo sông Nile. Các khối đá được vận chuyển qua tuyến đường thủy và đã bị vùi lấp dưới cao nguyên Giza, nhưng bên trong kim tự tháp vẫn còn lưu lại đường dẫn nước.
Các chuyên gia mô tả rằng, các nhân công thời xưa đã lợi dụng sức nước để khiến các tảng đá có kích thước đều nhau, sau đó đưa đá về bến cảng gần khu vực xây dựng qua kênh đào bằng cách lợi dụng dòng nước. Tiếp đến, họ đưa đá lên kim tự tháp dựa vào lực đẩy của nước. Khi công trình hoàn thành, các van khóa chặn nước được mở ra, rồi nước trong kim tự tháp sẽ tự động thoát hết ra ngoài.
Thực hư cuộc tranh luận về đá xây kim tự tháp
Vào năm 2001, tạp chí Science & Vie của Pháp đã nêu ra một giả thuyết gây tranh cãi đó là: các kim tự tháp ở Ai Cập không được dựng lên từ các khối đá từ thiên nhiên hay được đẽo gọt công phu, mà thật ra là từ những khối bê tông đúc sẵn. 5 năm sau đó, một nhà vật lý học và một chuyên gia về vật liệu xây dựng cũng đã khẳng định thêm ý kiến này.
Các nhà nghiên cứu khoa học đã lấy một vài mẫu đá tảng, ít ra nhìn bề ngoài là như thế, lấy ra từ kim tự tháp Giza rồi đem đi đối chiếu tỉ mỉ với nhiều mẫu đá khác nhau lấy từ vài khu vực gần nơi xây dựng. Kết quả cho thấy, hai mẫu vật có sự khác nhau rất cơ bản và nghi vấn lại phát sinh.
Từ bao thế kỷ nay, vẫn có nhiều ý kiến quả quyết rằng kim tự tháp Ai Cập thật ra được xây dựng nên từ chất liệu đá vôi đã được xử lý hóa học và được đúc khuôn để có những khối đá đồ sộ như ta chứng kiến ngày nay. Tuy vậy, nhiều chuyên gia quan tâm đến vấn đề này đã quan sát và phân tích rằng các thợ thủ công của Ai Cập thời ấy rất thành thạo về nghệ thuật chế tác đá nhân tạo.
Mặc dù các góc cạnh không đồng đều nhưng các khối đá ấy được sắp xếp rất khớp với nhau. Vậy làm thế nào mà các khối đá tự nhiên nặng nhiều tấn lại có thể được gọt giũa tỉ mỉ như thế? Hay các chuyên gia cho rằng khi nhìn vào chúng tạo ngay cảm giác của một công trình làm hoàn toàn từ các khối bê tông đổ khuôn hơn là từ những tảng đá tự nhiên. Và cho tới nay, những thắc mắc và tranh luận vẫn chưa có hồi kết.
Đá xây kim tự tháp là đá tự nhiên hay nhân tạo?
Vậy đá xây kim tự tháp là đá tự nhiên hay đá nhân tạo? Cho tới nay, một nhà vật lý chuyên khoa học vật liệu thuộc Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ tại Chatillon - Pháp cùng một giáo sư chuyên ngành vật chất thuộc Đại học Drexel - Hoa Kỳ đã đứng ra xem lại vấn đề. Tiếp đến, hai nhà khoa học Gilles Hug và Michel Barsoum đã khẳng định rằng một phần trong nhiều khối đá xây dựng các kim tự tháp Ai Cập được làm từ vật liệu là đá vôi thiên nhiên nhưng được con người xử lý hóa học rồi nén lại thành những khối lớn.
Cụ thể, giáo sư Gilles Hug cho rằng: "Chúng tôi đã so sánh thành phần cấu tạo của những mẫu đá vôi tự nhiên lấy từ nơi Toura và Maadi với các mẫu đá của kim tự tháp Kheops rồi đã phát hiện ra một số dấu hiệu bất thường". Theo ông: thành phần cấu tạo của đá ở kim tự tháp Ai Cập phức tạp hơn nhiều so với đá tự nhiên.
Điều đó trùng hợp với nhận định của một vài tác giả đã nghiên cứu vấn đề này vào năm 2002. Họ cho rằng, một số vi chất của đá ở kim tự tháp có dấu vết còn sót của một phản ứng hoá học nhanh. Hay nói một cách khác, nền đá này không phải là đá thật mà được hình thành sau một quá trình kết tinh tự nhiên.
Các chuyên gia giải thích thêm rằng, nếu là đá tự nhiên và được đẽo gọt thì chắc chắn bên trong nền đá sẽ không hề có một dạng phản ứng hoá học nhanh diễn ra. Thế nhưng, nếu các tảng đá này được chính bàn tay con người pha trộn từ dạng bột rồi hòa vào nước để tạo thành dạng lỏng và cho đông cứng lại trong khuôn (như quá trình chế tạo bê tông) thì dạng phản ứng hoá học nhanh này hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, ý kiến của GS Gilles Hug cho rằng: "Các tảng đá được dùng làm "áo" phủ bên ngoài kim tự tháp Kheops có hàm lượng silica cao hơn nhiều lần so với những mẫu đá tự nhiên được lấy từ Toura - nơi được cho là đã cung cấp vật liệu để xây dựng kim tự tháp Ai Cập này. Các khối đá bên ngoài đó cũng chứa một lượng lớn chất magnesium hơn những mẫu đá tự nhiên. Do đó, từ những quan sát trên, chúng tôi có được một vài thông số vô cùng thuyết phục nhưng cũng chưa thể khẳng định một cách tuyệt đối được điều gì".
Bật mí cách vận chuyển đá xây kim tự tháp
Làm thế nào để người Ai Cập cổ đại có thể xây dựng được Đại kim tự tháp tồn tại cho đến ngày nay vẫn là một câu đố cho con người trong thời nay. Các nhà khảo cổ học đã nỗ lực và rất phấn khích khi tìm ra một vài manh mối để giải thích cho thắc mắc trên.
Người cổ đại đã tận dụng một hệ thống đường dẫn được thiết kế dưới dạng sườn dốc, bên dưới có nhiều lỗ hổng. Chúng được phát hiện ở khu vực mỏ đá Hatnub - một mỏ đá cổ ở khu vực sa mạc phía Đông Ai Cập.
Yannis Gourdon - nhà nghiên cứu chịu trách nhiệm chung tại Hatnub cho biết rằng: "Hệ thống này gồm một đoạn đường nối trung tâm, hai bên sườn dốc có nhiều lỗ hổng. Sau đó người Ai Cập cổ có thể dùng một chiếc xe tương tự như xe trượt tuyết được đặt một khối đá rồi sau đó được gắn với dây thừng để kéo dần lên trên khỏi mỏ đá trên dốc khoảng 20% hoặc có thể cao hơn. Mỗi đoạn kéo lên trên, các lỗ hổng đó có thể sẽ là nơi cắm vật chặn”.
Một số nhà khảo cổ học cũng cho hay, hệ thống dây thừng gắn liền với chiếc xe trượt tuyết giúp giảm tải và phân tán lực cho người kéo, tạo sự thuận tiện và dễ dàng hơn khi kéo xe trượt lên dốc. Trước đây, loại hệ thống kéo này chưa được phát hiện ở bất cứ nơi nào khác. Cho tới hiện nay, các nhà khảo cổ học vẫn đang tiếp tục và nỗ lực làm việc với hy vọng rằng sẽ khám phá ra câu trả lời chính xác và cuối cùng.
Kết luận
Như vậy, trên đây là những thông tin cực kỳ hữu ích và lý thú về đá xây kim tự tháp Ai Cập nổi tiếng. Hy vọng rằng, quý bạn đã phần nào giải đáp được thắc mắc của bản thân!