Người dân lo lắng về đề xuất căn hộ chung cư chỉ được sở hữu 50 năm
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá công tác kiểm định chất lượng chung cư cũ trên địa bàn Giá nhà quá cao, người dân Hong Kong chấp nhận sống ở chung cư ma, phong thuỷ kémMua chung cư nhưng không được ở lâu dài
Theo đó, trong bản đề cương này, Bộ Xây dựng đã soạn thảo đề xuất 2 phương án. Thứ nhất là thời gian sở hữu căn hộ chung cư được xác định cùng với thời hạn sử dụng công trình. Thứ hai, thời hạn sở hữu chung cư theo quy định của pháp luật.
Như vậy, phương án thứ nhất được hiểu nôm na là việc sở hữu chung cư của người dân tùy thuộc vào cấp công trình. Đối với công trình chung cư thuộc cấp II là 50 năm.
Theo Luật Nhà ở 2014, nhà ở được chia thành 4 cấp đối với chung cư.
Công trình cấp 4 có chiều cao 1 tầng, kết cấu đơn giản, niên hạn sử dụng là dưới 20 năm.
Công trình cấp 3 có niên hạn sử dụng từ 20 năm đến dưới 50 năm. Công trình này có chiều cao từ 2 đến 7 tầng.
Công trình cấp 2 được xác định có niên hạn sử dụng từ 50 năm đến 100 năm. Công trình này có chiều cao 8-20 tầng.
Công trình cấp 1 trên 20 tầng và công trình đặc biệt có niên hạn sử dụng trên 100 năm.
Hiện nay, chung cư được chia thành hai loại. Một loại căn hộ sở hữu lâu dài và căn hộ sở hữu có niên hạn chỉ 50 hoặc 70 năm. Vì thế, quyền lời sở hữu hai căn hộ này cũng khác nhau. Nếu sở dụng căn hộ lâu dài, đến khi chung cư xuống cấp, xây mới, người dân sẽ được hưởng quyền lợi của mình trong dự án. Ngược lại, đối với căn hộ ở hữu 50 năm, thì đến hết thời hạn, người dân sẽ không được hưởng bất cứ lợi ích, bồi thường nào.
Nói về tình trạng căn hộ xuống cấp, hết niên hạn sử dụng cần phải đề cập đến những căn nhà tập thể trên địa bàn Hà Nội. Thời gian qua, vấn đề cải tạo, xây mới căn hộ tập thể cũng tốn không ít giấy mực của báo giới. Theo đó, mặc dù căn hộ đã xuống cấp trầm trọng nhưng nhiều người vẫn không chịu chuyển đi. Thậm chí, UBND các phường phải dán cảnh báo nguy hiểm nhưng các cư dân vẫn quyết bám trụ. Bởi họ lo ngại đến thời hạn hoàn thành công trình mới. 20 năm qua, Hà Nội bắt đầu tiền hành cải tạo chung cư cũ nhưng đến nay hiệu quả vẫn là một điều gì đó rất xa vời.
“Hết niên hạn gia đình chúng tôi sẽ ở đâu?”
Đó là câu hỏi của anh Nguyễn Nhật Minh, 35 tuổi, hiện đang sinh sống tại một căn chung cư trên đường Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội. Anh Minh nói rằng, hiện nay có rất nhiều loại hình căn hộ chung cư để người dân lựa chọn cho phù hợp với điều kiện của mình. Nhiều người trẻ lựa chọn căn hộ sở hữu 50 năm thì họ xác định sau thời điểm đó có thể về quê hoặc chuyển đến nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, đối với những người mà xác định gắn bó tại Hà Nội, thì họ lại lựa chọn căn hộ nào đó sở hữu lâu dài. Kể cả sau này khi công trình xuống cấp, Nhà nước cho cải tạo, xây mới thì vẫn ở lại sinh sống.
“Phải nói rằng người Việt có tính kế thừa. Bố mẹ mua nhà để ở và sau này khi họ già đi thì con cháu kế thừa lại. Điều này có nghĩa là bố mẹ mua nhà cho con cái. Nếu như áp dụng đồng loạt căn hộ chỉ được sở hữu 50 thì coi như chúng tôi đang đi thuê 50 năm. Sau thời điểm đó thì chẳng còn lại gì, con cái chúng tôi biết ở đâu”, anh Minh chia sẻ.
Anh Minh nói rằng, những người có điều kiện thì họ sẵn sàng mua căn hộ mới nhưng người khó khăn tài chính, cả đời gom góp mới mua được căn chung cư thì đó quả là một vấn đề.
Chị Hoàng Thị Cơ (32 tuổi, đang sinh sống ở chung cư Golden An Khánh) nói rằng, những người lao động chân tay như công nhân phải tích cóp, vay mượn khắp nơi mới mua được căn chung cư. Có thể là phải trả nợ trong 15-20 năm mới hết. “Nếu chung cư là 50 năm thì thế hệ con cháu sẽ coi như không có nhà. Hơn nữa, với chung cư có thời hạn, thì việc mua bán rất khó khăn. Ví dụ như tôi ở 15 năm, khi bán thì chỉ còn thời hạn 35 năm nữa. Khi đó rất khó giao dịch”, chị Cơ chia sẻ.
Thực ra, việc người dân tỏ ra băn khoăn, lo lắng về việc chung cư sở hữu 50 năm không phải bây giờ mới có. Bởi tại TP.HCM và Hà Nội, các chung cư có thời hạn sử dụng không phải ít. Thậm chí, nhiều người chấp nhận sở hữu những căn hộ như vậy mặc dù đó là những căn hộ vô cùng đắt tiền.
Tại Hà Nội, chung cư có thời hạn sở hữu 50 năm có thể kể đến 125 Hoàng Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) của Bộ Quốc phòng, chưng cư cao cấp Pacific Lý Thường Kiệt có thời hạn sở hữu là 40 năm… Trong khi đó, tại TP.HCM có Republic Plaza (Tân Bình), Cộng Hòa Garden (Tân Bình), CT Plaza Minh Châu (quận 3), Charmington La Pointe (quận 10)…
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng từng chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề thời hạn sở hữu chung cư. Theo vị này, thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thời hạn sở hữu căn hộ. Có nước áp dụng 40 năm, có nước là 50 năm, hoặc 70 năm, thậm chí là trên 100 năm. Nhưng tại Việt Nam, việc này đang có rất nhiều ý kiến. Vì thế, nội dung bày cần phải có sự nghiên cứu.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Thành, Giám đốc Công ty BĐS Thành Phát nói rằng, nếu quy định thời hạn sở hữu chung cư thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ rất khó trong việc bán hàng. Bởi người Việt luôn có tâm lý mua nhà ở lâu dài và để dành cho con cái. “Thời gian qua, các tỉnh liên tục lên cơn sốt đất nền. Nếu có quy định căn hộ chỉ được sở hữu 50, 70 năm chắc chắn phân khúc đất nền sẽ tiếp tục xuất hiện các cơn sốt mới. Giá đất sẽ cao hơn cả những cơn sốt vừa qua. Thị trường bất động sản nói chung sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt ở phân khúc thị trường căn hộ”, ông Thành nói.
Giám đốc Công ty BĐS Thành Phát nói thêm, không nên áp dụng đồng loạt thời hạn sở hữu chung cư cho toàn bộ căn hộ mà vẫn để hai phương án lựa chọn cho người dân. Ai có nhu cầu ở 50 năm thì có thể mua căn hộ sở hữu 50 năm. Nếu người nào có nhu cầu sở hữu lâu dài thì mua căn hộ sở hữu lâu dài. Đến hết niên hạn hoặc đến khi chung cư xuống cấp, họ có thể đóng thêm tiền để tiếp tục ở đó khi nhà nước hoặc chủ đầu tư xây dựng lại.