sapo-1664216873.jpg
 

Có một thực trạng đang tồn tại ở nhiều khu tập thể trong nội thành Hà Nội: Người bên trong thì muốn tìm cách ra, còn người ngoài lại tha thiết muốn vào. Nếu nhiều hộ dân quen với cảnh sống tại nơi đây muốn tìm cách chuyển ra thì lại có một bộ phận người dân sẵn sàng tìm cách để gia nhập vào tập thể những khu nhà hằn rõ dấu vết thời gian xuống cấp trầm trọng.

Điều này đã khiến vấn đề cải tạo, di dời các hộ dân càng trở nên nan giải với chính quyền cũng như về lâu dài ảnh hưởng đến không chỉ điều kiện sống sinh hoạt của người dân mà còn là“bộ mặt” cảnh quan của thành phố.

Những mảng tường vàng cũ kĩ; những chùm dây điện rối rắm, chằng chịt chỉ chực rơi xuống đầu người qua lại; những chiếc lồng sắt trên cao thỉnh thoảng lại thấy có bóng người phơi đồ, nấu nướng;... Đó là một vài hình ảnh quen thuộc trong tiềm thức nhiều người khi đi qua một khu tập thể cũ.

a1-1664271984.jpg
 

Nhưng không chỉ dừng lại ở hình thức có phần cũ kỹ, xập xệ, thực trạng chung tại nhiều khu vực này chính là điều kiện sống xuống cấp, thiếu thoải mái và không đảm bảo an toàn của người dân. Điển hình như trần tường nứt vỡ, bong tróc thành từng mảng lại ẩm mốc rêu phủ kín, thậm chí còn xuất hiện những chiếc lỗ “bí ẩn” khiến người dân sống trong thấp thỏm vì lo sợ khu nhà có thể sập bất cứ lúc nào nhất là đến mùa mưa bão.

Cột điện được xây sát với khu nhà tập thể, đường dây điện chạy dọc cạnh tường cũng vì thế để “lộ thiên”, dây điện hở ngay trên đầu người dân có thể chập cháy hay gây giật điện lúc nào không hay… Một người dân thuộc khu tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cũng bày tỏ, “Đường dây điện chằng chịt khắp khu nên sống ở đây cứ xác định là "nắng lo chập, mưa lo giật", bất tiện thì khỏi nói rồi.”

Đường ống nước lộ ra dưới lớp vữa của xi măng, gạch tường; lan can cầu thang chỗ có chỗ không,... cũng khiến nhiều người ngán ngẩm khi không được sửa chữa, đành gia cố tạm bợ.

Đặc biệt là “cuộc đua không hồi kết” của những chiếc chuồng cọp được chủ nhà cơi nới để có thêm diện tích sinh hoạt, nấu ăn, tắm rửa, phơi đồ hay thậm chí để xe máy,… Ghi nhận của phóng viên, những chiếc "chuồng cọp" gia cố thêm ở phần ban công của các căn hộ tập thể cũ của Hà Nội được làm khá kiên cố, chắc chắn.

a2-1664272954.jpg
 

Dẫu vậy, đó là câu chuyện của khoảng 40 năm trước còn giờ đây bề mặt thành tường đều đã mục nát, xuống cấp, lại đang phải "oằn mình" gồng gánh những chiếc lồng sắt chồng chéo lên nhau, nhiều người đi qua không khỏi rùng mình vì lo sợ các khu nhà này có thể sập xuống bất cứ lúc nào.

Chị Vân, một người dân sinh sống gần khu tập thể đã xập xệ tại Hà Nội phản ánh “Khu này có lệnh di dời đi lâu rồi, nhìn từ ngoài vào cũng thấy xuống cấp lắm mà nhiều hộ nhất định có dời đi đâu. Người ta lấn chiếm đất xong xây đua ra là chuyện bình thường, để ở cũng có mà để phơi quần áo tưới cây cũng nhiều, sàn eo óp lắm, sơn sửa thì đẹp đấy nhưng không biết bao giờ sập thôi!”. Thực tế này càng làm nghiêm trọng thêm tình trạng chật chội, không lối thoát ở các khu tập thể cũ. Nếu xảy ra hỏa hoạn, người dân khó để thoát ra, lực lượng chức năng cũng mất rất nhiều thời gian để triển khai công tác cứu hộ, vì các lối thoát như ban công, cửa sổ... đều bị bịt kín bởi những song sắt kiên cố, ken đặc, tốn nhiều thời gian phá dỡ.

Vất vả là vậy, nhưng khi được hỏi có muốn chuyển ra hay không? Nhiều cư dân tại những khu tập thể “tử thần” này vẫn ngậm ngùi nói: “Ra thì cũng muốn ra đấy, nhưng vì nhiều lý do nên cứ ở vậy thôi”.

Vậy có điều gì khiến họ vẫn muốn bám trụ tại đây dù đã muốn chuyển ra?

sub-1-1664216873.jpg
 

Đến với khu tập thể Ngọc Khánh thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội gặp gỡ cô Hạnh (tên nhân vật đã được thay đổi) một trong những cư dân lâu đời nhất ở đây. Rót cốc trà đá, cô vui vẻ tâm sự: “Nhà cô ở đây ngót cũng độ 30 năm rồi, người vào người ra tấp nập. Khu này cũng xây từ những năm 70 cũ lắm rồi nhưng vì tiện với ngay khu trung tâm, đi đâu cũng gần nên người ta cũng quen dần mà không có ý định chuyển đi. Mọi người ở đây lâu dần cũng gắn bó, có khó chịu bức xúc về hoàn cảnh sống họ cũng chỉ kêu vậy nhưng vẫn ở thôi. Trước còn nghe đâu có dự án, nhưng chờ mãi cũng không thấy động thái gì, mọi người cứ ở vậy với tâm thế: Có quyết định di dời từ Nhà nước thì tính sau.”

Khi được hỏi liệu còn lý do nào ngoài sự “tiện” khiến người dân nơi đây vẫn gắng bám trụ, cô Hạnh chỉ sang dãy hàng quán nhộn nhịp dưới khu nhà, tâm sự “Vì kế sinh nhai nữa, nhiều hộ ở đây sống khổ lắm nhưng họ chẳng dám kêu ai bởi khu này đông dân cư lại ngay mặt đường, họ sống qua ngày nhờ buôn bán, mở quán xung quanh mà. Bây giờ chuyển đi chỗ khác, tiền thì không đủ mua nhà trung tâm, lại không bán được hàng, lúc đó sao nuôi nổi mấy miệng ăn trong nhà”.

a3-1664275837.jpg
 

Trú tại tầng 1 trong phân khu, chị Linh (tên nhân vật đã được sửa đổi) coi cửa hàng trước cửa nhà như nguồn thu nhập chính của gia đình, “Ở đây nhiều lúc cũng bí bách vì không gian cho cả gia đình sinh hoạt không đủ, nhưng cứ nghĩ đến cảnh tiền đền bù không mua được nhà khang trang, đi thuê nhà cũng chật vật, vất vả mà không phải nhà của mình cảm thấy lâu dài không an tâm nên cứ chịu cảnh sống vậy thôi.”

Không hiếm những trường hợp như chị Linh hay cô Hạnh chia sẻ, cảnh sống ở các khu tập thể khác trên địa bàn thành phố cũng tương tự. Phần vì họ đã quen với nơi làm ăn buôn bán, sinh hoạt hằng ngày, phần khác cũng vì không đủ khả năng tài chính để chuyển đi nơi ở mới, hoặc muốn tiếp tục hưởng nguồn lợi từ chính khu nhà cũ. Dù viễn cảnh chuyển đi cũng đã được họ nghĩ đến, nhưng hầu như các hộ dân ở tầng 1 của các khu tập thể đều không đồng thuận với chủ trương cải tạo hay xây mới vì họ cho rằng giá tiền đền bù quá rẻ, không thể bù được khoản thu nhập hàng tháng từ việc cho thuê hoặc kinh doanh mặt bằng hiện tại.

Vấn đề bất đồng tiền đền bù cũng là một “ngõ cụt” trong cải tạo, xây mới khu tập thể. Bà Minh (tên nhân vật đã được sửa đổi) nay đã hơn 70 tuổi ngày nào cũng chống gậy đi đi về về từ nhà ra khu tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy mở quán nước con con, “tám chuyện” với khách. Hỏi ra mới biết nhà bà ở đây từ lúc khu còn mới xây, mãi đến năm ngoái bà mới chuyển sang ở với con cháu bây giờ cho sinh viên thuê.

a4-1664275838.jpg
 

“Khu này đúng ra là di dời từ mấy năm nay rồi, để xây dựng dự án như khu Tràng An Complex bên cạnh đấy. Mà nhiều hộ dân không chấp nhận mức đền bù, họ cho là không thỏa đáng nên không chuyển đi. Không ở khổ được thì họ thà chuyển ra chỗ khác rồi cho thuê mặt bằng với giá rẻ còn hơn là chấp nhận di dời nhận đền bù thế nên đến bây giờ khu này vẫn để vậy thôi, chủ yếu là cho sinh viên và ai muốn mở ki - ốt bán hàng”, Bà M kể chuyện.

Đây cũng là một “ngõ cụt” trong cải tạo, xây mới nhà tập thể xuống cấp trong thời gian qua do bất đồng trong hệ số đền giữa người dân và chủ đầu tư. Trong khi người dân thì mong muốn được tái định cư với hệ số bồi thường cao thì chủ đầu tư lo ngại công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, thiếu chính sách khuyến khích đầu tư,các khu tập thể tập trung tại các quận trung tâm, phải hạn chế chiều cao công trình và hệ số sử dụng đất, khả năng sinh lời từ dự án thấp..., cho nên chẳng mấy nhà đầu tư mặn mà. Kết cục người ở trong vẫn cứ ở trong!

Khác với câu chuyện của cô Hạnh, chị Linh hay bà Minh, anh Kiên sống tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân lại có một “nỗi khổ” khiến anh muốn chuyển đi cũng không được. Gặp gỡ chúng tôi trước nhà, anh nhìn dãy “chuồng cọp” trước mặt một lượt rồi chỉ vào nhà mình thở dài, “Nhà tôi ở đây từ thời ông bà, lúc đấy cả đại gia đình ba thế hệ cùng chen chúc nhau sống trong đấy, tuy chật nhưng cũng ấm cúng.Thời gian qua đi, các anh em tôi rồi cũng rời nhà có cuộc sống riêng, còn mỗi nhà tôi ở đây. Chứng kiến sự xuống cấp trầm trọng của căn nhà, nhiều lúc nhìn vợ con kêu ca dù muốn chuyển đi nhưng vì là nhà bố mẹ để lại cho ba người con, sổ đỏ chung nên mỗi người một ý, chưa giải quyết được việc phân chia, nên thôi nhà tôi lại “chịu thiệt” ở tiếp rồi tính sau.”

a5-1664299776.jpg
 

Ai cũng muốn có một căn nhà sạch sẽ, khang trang để ổn định cuộc sống, các hộ dân trong khu tập thể cũ cũng vậy nhưng với họ chuyển đi không dễ dàng đến thế. Họ có nhiều lý do “níu chân” họ lại dưới những mái tôn cũ kĩ, những bức vách mỏng manh, yếu ớt và cuộc sống chật chội nơi thành phố…

sub-2-1664216873.jpg
 

Trái với suy nghĩ của nhiều người “Ai muốn ở khu tập thể cũ bao giờ!” thì vẫn có một bộ phận người dân “săn lùng” nhà khu tập thể vì những tiện ích nơi đây đem lại bất chấp điều kiện sống kém chất lượng và nhiều khu vực đang “chờ sập”.

Trên mạng xã hội nhiều hội nhóm cũng được thành lập để chuyên giao lưu, buôn bán và cho thuê nhà tập thể cũ với hàng chục nghìn thành viên. Các trang mạng về bất động sản cũng đăng tin mua bán căn hộ tập thể, chung cư cũ liên tục. Mục rao bán với từ khoá như: chính chủ bán căn hộ tập thể Kim Liên, Đống Đa giá 1,45 tỷ, chính chủ bán nhà tập thể mới sửa tầng 4 Vĩnh Hồ gần mặt đường Thái Thịnh giá 1,22 tỷ…” xuất hiện tràn lan. Tất cả đều thu hút lượt tương tác rất cao, thể hiện sức hút của phân khúc này với người dân Hà Nội là rất lớn.

Sau nhiều ngày tháng tìm hiểu, những cuộc điện thoại, hỏi han bạn bè, người quen, cuối cùng chị Lan (tên nhân vật đã được sửa đổi) cũng tìm được cho gia đình một căn nhà tọa lạc tại khu tập thể Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Theo chị chia sẻ, nhà có hai cô con gái nhỏ, nên chị muốn tìm chỗ nào trong phố chính đưa đón các con cho tiện, cũng gần chỗ hai vợ chồng làm việc, tiết kiệm thời gian di chuyển.

a7-1664301068.jpg
 

“Ở chung cư mới đầy đủ tiện nghi thì cũng thích, nhưng thiết nghĩ vợ chồng mới ra riêng, tiền tích chưa đủ sao mua được căn nào vị trí trung tâm. Bây giờ nghĩ đến cảnh mua được chung cư nhưng ở xa, thời gian di chuyển đưa đón con rồi đi làm xong lặp lại như thế quá mệt mỏi, phải hôm thời tiết xấu thì chẳng buồn về nhà”, chị Lan nói thêm.

Sở dĩ, nhà tập thể cũ trở nên “hấp dẫn” trong mắt người tiêu dùng nhà ở thực là bởi những căn hộ này thường tọa lạc ở vị trí đô thị sầm uất, nhiều dịch vụ xung quanh tiện lợi mà không phải khu chung cư mới nào cũng có được. Không chỉ vậy, nếu như ở các căn hộ chung cư hiện đại, hàng tháng người mua nhà sẽ phải đóng các khoản phí như phí quản lý, phí bảo trì chung cư... thì đối với những căn nhà tập thể cũ, người mua khoản phí này hầu như không đáng kể, thậm chí không có.

Chung quan điểm với chị Lan, anh Đông vừa ổn định cuộc sống tại căn tập thể anh “tậu” được tại khu vực Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, tự hào “Nhà ngay vị trí trung tâm, tuổi 3 bước tới chợ 5 bước tới trường 7 bước tới viện, băng qua đường là thấy Vincom Phạm Ngọc Thạch đi đâu cũng tiện, sau vẫn được giá giữ lại cho con cái”.

Khi được hỏi cùng một giá tiền tương đương nhau, sao lại chọn nhà tập thể cũ mà không chọn chung cư xa một chút nhưng điều kiện tốt, anh Đông thẳng thắn chia sẻ: “Chi phí tính ra còn đắt gấp nhiều lần, nhất là tiền xăng xe. Chưa kể nhiều chung cư giá rẻ ngoại thành nhanh xuống cấp. Còn nhà tập thể về giá trị trong trung tâm hơn hẳn, đời con cháu sau này có khi lại được cấp một căn chung cư to gấp mấy lần thế.”

a6-1664300240.jpg
 

Quan điểm của anh Đông cũng chính là quan điểm của nhiều người dân khi tìm đến với phân khúc nhà tập thể cũ. Lý giải điều này là bởi trường hợp những khu nhà ở tập thể được phê duyệt và đầu tư bởi ngân sách Nhà nước, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nếu Nhà nước thu hồi đất, người mua nhà sẽ được đền bù tương xứng. Đây là lý do khiến nhiều người tìm mua nhà tập thể cũ với kỳ vọng rằng khi nhà xuống cấp sẽ được cải tạo với mức đền bù hấp dẫn.

Không chỉ mua khu tập thể với mục đích ở thực, nhiều khu tập thể cũ dù xuống cấp vẫn thu hút lượng lớn sinh viên từ các nơi khác đến thuê. “Khu này đông sinh viên đến hỏi thuê lắm”, cô Phúc trú tại khu tập thể Kim Mã, quận Ba Đình cho hay, “Cứ có nhà nào định cho thuê là sẽ có một tốp sinh viên đến hỏi ngay, khu vực này an ninh tốt, lại đầy đủ tiện ích, điện nước thì tính giá nhà dân,... nên sinh viên thuê trọ cũng yên tâm”.

Bạn Hường (tên nhân vật đã được sửa đổi) là sinh viên đang thuê trọ tại đây kể chuyện “Từ lúc lên đây học em không phải lo vấn đề di chuyển vì ngay dưới chân là bến xe bus, xung quanh lại tập trung nhiều tiện ích nội khu. Chưa kể tiền điện nước tính theo giá nhà dân, tuy giá thuê không rẻ nhưng ở đông chia ra vẫn tiết kiệm hơn so với thuê trọ bình thường. Nhà cũ, điều kiện sống cũng chưa hẳn là tốt nhưng bọn em cũng xác định chỉ ở đến khi tốt nghiệp rồi cũng chuyển đi nên vẫn thích nghi được.”

box-1664300696.jpg
 
tac-gia-1-1664216871.jpg
 
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hơn 3.200 doanh nghiệp địa ốc quay lại thị trường: Tăng lượng, có tăng chất?

Đấu giá đất Hà Nội: Nguồn cung sôi động từ đầu năm, nhà đầu tư sẽ thận trọng

Nhà đầu tư bất động sản rục rịch tìm cơ hội sinh lời mới

Đấu giá đất Hà Nội: Nguồn cung sôi động từ đầu năm, nhà đầu tư sẽ thận trọng

HoREA đề xuất giải pháp “mở khóa” nguồn cung nhà ở vừa túi tiền

Hà Nội sắp thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư

TP.HCM: Phân khúc trung cấp chỉ chiếm 10% nguồn cung căn hộ mới năm 2025

Nhiều địa phương có thêm các KCN tầm cỡ, tăng cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động

Tin mới cập nhật

Chuyên gia phong thủy chỉ ra 3 vị trí xấu, nhà chật hẹp đến mấy cũng không nên đặt bàn thờ

1 giờ trước

Môi giới bất động sản “tung chiêu lừa” chốt sale cận Tết

1 giờ trước

Hà Nội: Loạt nhà siêu mỏng, siêu méo tại quận Đống Đa sẽ bị giải tỏa trong năm 2025

1 giờ trước

Hơn 3.200 doanh nghiệp địa ốc quay lại thị trường: Tăng lượng, có tăng chất?

1 giờ trước

Meey Group xây dựng hệ thống quản trị, vận hành chuyên nghiệp với BSC/KPI

1 ngày trước