Ngành du lịch phục hồi, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đón sóng
BÀI LIÊN QUAN
Quảng Trị: Nhiều bất động sản đô thị, nghỉ dưỡng trị giá gần 7.200 tỷ đồng bị bỏ trống nhiều nămDu lịch khôi phục, bất động sản nghỉ dưỡng có trở lại thời hoàng kim ?Những xu hướng thiết kế khu nghỉ dưỡng mới nhất 2022Các lệnh cấm đi lại được gỡ bỏ đã giúp thị trường du lịch nội địa dần hồi phục. Thêm vào đó, việc mở cửa các tuyến đường bay quốc tế vào tháng 3 tới đây càng là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam hồi sinh sau 2 năm dài trì trệ vì dịch bệnh. Nhờ có đòn bẩy du lịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có khả năng được vực dậy.
Du lịch nội địa có vai trò quan trọng
Sau 2 năm dài trầm lắng vì dịch bệnh, ngành du lịch trong nước thời gian gần đây đã chứng kiến nhiều dấu hiệu cho thấy sự hồi phục thần kỳ. Cụ thể, việc nới lỏng lệnh giãn cách và hạn chế đi lại từ tháng 10/2021 đã giúp bức tranh ngành du lịch quý 4 khả quan hơn khi các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi hoạt động trở lại và đường bay trong nước dần dần được nối lại. Trong tháng 12, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 8.383 chuyến bay, tăng trưởng tới 538% so với thời điểm tháng 9 khi chỉ có 1.311 chuyến bay.
Đà phục hồi của ngành du lịch có thể thấy rõ nhất trong những ngày đầu năm mới 2022. Theo Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán 2022, các địa phương du lịch đã đón 6,1 triệu lượt khách nội địa và tổng doanh thu mang về lên tới 25 nghìn tỷ đồng. Những con số nói trên phần nào thể hiện nhu cầu vui chơi của người dân tăng rất cao sau thời gian dài giãn cách cũng như triển vọng vực dậy của ngành du lịch nhờ yếu tố nội địa.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng được hưởng nhiều lợi ích từ sức nóng của ngành du lịch nội địa. Công suất cho thuê và giá thuê của phân khúc khách sạn, phòng nghỉ, homestay được cải thiện đáng kể. Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang trên đà tăng, tính từ năm 2022 trở đi. Những tín hiệu vui nói trên phản ánh sự tin tưởng, kỳ vọng của các nhà đầu vào khả năng hồi phục của ngành bất động sản du lịch.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định về triển vọng tương lai của bất động sản nghỉ dưỡng khu vực phía Bắc: “Bên cạnh các thành phố đang phát triển mạnh về du lịch như Hạ Long, một số lượng lớn các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang phát triển ở các vùng ven ngoại thành và xung quanh thành phố Hà Nội như Hòa Bình, Thanh Hóa".
Sự hình thành của xu hướng này khá dễ hiểu, bởi lẽ việc di chuyển của người dân sống tại trung tâm thành phố tới các khu vực quận, huyện ngoại thành, các tỉnh lân cận ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Hạ tầng và mạng lưới giao thông ngày càng được cải thiện, phát triển hơn, giúp người dân có thêm sự lựa chọn nghỉ dưỡng dịp cuối tuần ở những địa điểm gần Hà Nội. Các chuyên gia bất động sản kỳ vọng sẽ có thêm những dự án bất động sản nghỉ dưỡng được đầu tư quy mô lớn ở các khu vực lân cận trong tương lai.
Lấy yếu tố nội địa làm động lực phát triển chính, ngành du lịch Việt Nam cho thấy sự hồi phục khả quan và tình hình hoạt động đầy khởi sắc trong những tháng gần đây. Điều này sẽ là cơ sở vững chắc giúp ngành bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội phát triển sau thời gian dài bị lãng quên. Tuy nhiên, không thể không nhắc tới nguồn khách quốc tế cũng đóng vai trò đòn bẩy mạnh mẽ trong việc đưa thị trường du lịch Việt Nam quay lại đà tăng trưởng như trước dịch.
Du lịch quốc tế chính thức mở cửa trở lại
Theo kế hoạch của Chính phủ, đường bay quốc tế sẽ chính thức được nối lại từ ngày 15/3 kết hợp cùng chương trình chương trình “Hộ chiếu vaccine” để thực hiện mục khôi phục ngành du lịch quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vaccine của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ vì thế khi quyết định mở cửa du lịch quốc tế có thể sẽ thu hút lượng lớn khách nước ngoài đến với Việt Nam. Thị trường du lịch trong nước chắc chắn sẽ trở nên vô cùng sôi động.
Chính sách mở cửa đi lại giữa Việt Nam và các quốc gia cũng là điều kiện thuận lợi để thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn, không chỉ dừng lại ở phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng mà còn ở phân khúc căn hộ dịch vụ, homestay. Hiện tại, các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tượng khách thuê chính ở các hộ dịch vụ hạng A với 79% thị phần thời gian nửa đầu 2021 và đã lên thành 84% trong nửa năm sau đó. Dòng vốn đầu tư FDI từ nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng mạnh trong năm qua phần nào khẳng định số lượng chuyên gia quốc tế đang và sẽ làm việc ở Việt Nam sẽ còn nhiều hơn nữa. Một khi các chuyến bay quốc tế được nối lại, đội ngũ chuyên gia quốc tế sẽ đến Việt Nam công tác và cư trú dài hạn đông đảo hơn, góp phần thúc đẩy nhu cầu về căn hộ dịch vụ, đưa phân khúc này tăng trưởng trở lại.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe, chất lượng không khí, không gian sống trong lành sạch sẽ là những tiêu chí đầu tiên mà người dân quan tâm khi lựa chọn địa điểm để sinh sống. Vì thế, những căn hộ dịch vụ thương hiệu, hạng sang, cao cấp sẽ có lợi thế lớn khi có những chương trình hợp tác với các tổ chức y tế để đảm bảo an toàn và nâng cao sức khỏe cho người dân sinh sống trong các khu dự án. Với nguồn cầu trong nước và quốc tế đều tăng mạnh, triển vọng phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng và căn hộ du lịch sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những chính sách, quyết định của Chính phủ cũng như diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới.
Sau thời gian dài đương đầu với thử thách, khó khăn, năm 2022, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có những bước phục hồi mạnh mẽ. Dư địa để bất động sản nghỉ dưỡng phát triển vẫn rất lớn khi thị trường hiện nay còn thiếu đến 200.000 phòng nghỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời gian 3-5 năm tới. Condotel và biệt thự nghỉ dưỡng sẽ là những loại hình sản phẩm được khai thác mạnh mẽ nhất. Thị trường tiềm năng có thể kể tới các tỉnh miền Tây và một số tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, nơi được hưởng lợi từ tuyến đường ven biển Bắc - Nam.