Mùa Euro lại rộ các chiêu trò "bán nhà trả nợ" của môi giới bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
“Rổ hàng” bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang mắc kẹtNhiều môi giới bất động sản chưa được cấp chứng chỉThị trường bất động sản "phải có chuyển biến rõ nét 6 tháng cuối năm"Kể từ khi Giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 (Euro 2024) chính thực khai mạc vào giữa tháng 6 đến nay, không khó để thấy những thông tin “cần bán gấp căn…do vỡ nợ cá độ Euro”, “vỡ nợ mùa Euro nên em cần bán gấp căn…”, “mùa Euro chủ nhà cần bán nhanh 2 căn hộ”, “phá sản do Euro em cần bán nhanh căn nhà..”…tràn ngập trên các trang mạng xã hội, các trang mua bán bất động sản.
Mùa Euro mới đến mà đã quá nhiều người vỡ nợ
Đơn cử như trên trang thông tin alonhadat.com.vn, khi truy cập vào có thể đập ngay vào mắt thông tin “mùa Euro chủ nhà cần bán nhanh 2 căn hộ đã có sổ đỏ tại Intracom Riverside Vĩnh Ngọc Đông Anh giá chỉ 39 triệu/m2” kèm theo đó là thông tin liên hệ.
Hay như tại trang nhatot.vn, cũng có thông tin đăng tải “ do mùa Euro đang đến em chính chủ cần bán nhanh, bán gấp căn chung cư A10 Trung Yên, Cầu Giấy” với giá 4 tỉ đồng; “mùa Euro chủ nhà tất tay Ba Lan, cần bán gấp trả nợ” kèm thông tin căn nhà 10m2 tại đường Nguyễn Văn Bứa, Xã Xuân Thới Sơn, Huyện Hóc Môn rao với giá 550 triệu đồng; “mùa Euro nên cần bán bán nhà đang cho thuê 28 triệu đồng/tháng” cùng với đó là thông tin một căn nhà tại quận 3, TP.HCM…
Một thông tin rao bán khác như “chủ đất vỡ nợ mùa Euro cần bán gấp lô đất” với những thông tin liên quan đến địa chỉ tại đường Nguyễn Lệ, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM với mức giá 2,3 tỷ, diện tích 60m2…
Trên mạng xã hội, tại nhóm “chợ cư dân Vinhomes Ocean Park cũng gây chú ý với bài đăng “do vỡ nợ mùa euro em cần bán gấp căn 2n2w 2,480 tỉ đồng, full đồ mới setup lung linh”; hay tại nhóm Hội mua bán chung cư Hà Nội giá rẻ còn xuất hiện những bài đăng cập nhật quỹ căn vỡ nợ Euro tại khu đô thị The Park (Dương Nội, Hà Đông).
Những thông tin bất động sản rao bán nhà giá rẻ liên quan đến cụm từ “mùa Euro” không chỉ diễn ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mà còn xuất hiện tại các tỉnh lân cận như Hà Nam, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nia, Long An…
Chẳng hạn, một rao bán tại Bình Dương “cần bán gấp lô đất 5.000 m2 với giá 2 triệu đồng/m2 vì bể nợ mùa Euro”; hay rao bán “cần 600 triệu đồng trả nợ Euro bán gấp căn nhà cấp 4 thổ cư tại Thuận Thành (Bắc Ninh)”, không chỉ giới thiệu về vị trí, tiêu chuẩn căn hộ, những tin đăng còn gây chú ý bằng lời giới thiệu “nhà đẹp, mới xây, pháp lý chuẩn nhưng vỡ nợ nên cần bán gấp”…
Lật tẩy chiêu trò
Thực tế tìm hiểu cho thấy, đây chỉ là mánh khóe, chiêu trò của các môi giới bất động sản, thậm chí để tạo độ uy tín không bài đăng tự nhận là chủ nhà muốn bán nhưng số liên hệ đính kèm lại là của một môi giới nào đó. Các căn hộ chung cư, đất nền, căn nhà… “vỡ nợ mùa Euro” đã được đăng tải rất nhiều trên các kênh đăng tin, rao vặt từ trước đó.
Tận dụng sự hấp dẫn của thông tin mùa bóng đặc biệt này, nhiều môi giới đã “dựa hơi” để đính kèm tin đăng, gây chú ý “câu khách, bởi việc chủ nhà/đất thua cá độ mùa Euro rồi phải bán nhà, đất với giá rẻ để giải quyết công nợ là có nhưng tỷ lệ này rất ít.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội đối với những thông tin rao bán cắt lỗ hay rao bán gấp mùa Euro ở thời điểm hiện tại chủ yếu là do "mánh" bán hàng của môi giới nhằm tác động, kích thích vào tâm lý người mua.
Vì vậy, người mua cần chú ý xác minh, so sánh thông tin về mức giá đối với các sản phẩm tương tự trên thị trường để tránh việc bị lừa. Ngoài ra, theo vị chuyên gia này kiểm tra kĩ về pháp lý là bước không thể thiếu trước khi quyết định xuống tiền.
Ở góc nhìn của môi giới, trao đổi với Đô Thị Mới, ông Lại Đức Anh – Giám đốc sàn bất động sản Sơn Đông cho biết, thực tế việc lợi dụng thông tin mùa bóng để rao bán nhà cũng là một trong những “nghệ thuật bán hàng”, nhưng đây chỉ là cách kiếm tiền chộp giật, thông tin sai sự thật sẽ gây nhiễu loạn thị trường, về dài hạn sẽ khiến khách hàng mất niềm tin vào môi giới.
Do vậy, ông Đức Anh cũng khuyến nghị, người mua nhà cần tỉnh táo trước những thông tin rao bán vỡ nợ, nên cân nhắc đối chiếu, so sánh nhiều thông tin khác nhau để tránh bị nhầm lẫn trước khi “xuống tiền” để tranh bị mua bán “rẻ hóa đắt” hoặc lừa đảo.