Một "ông lớn" ngân hàng rao bán khoản nợ xấu gần 400 tỷ đồng của Giấy Bãi Bằng
BÀI LIÊN QUAN
Quý I/2022: Tăng trưởng tín dụng của Vietinbank đạt 9,1%, cao nhất từ giữa năm 2018 đến nayĐHCĐ VietinBank năm 2022: Đặt chỉ tiêu tăng trưởng 5-10% tổng tài sảnMã Số Thuế Vietinbank: Thông Tin về Giới Thiệu VietinbankTheo Nhịp sống kinh tế, mới đây Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Phú Thọ (VietinBank Bắc Phú Thọ) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Giấy BBP (đây là tên cũ Công ty cổ phần giấy Bãi Bằng - Giấy Bãi Bằng).
Theo như thông tin của VietinBank, tạm tính đến thời điểm ngày 31/5/2022 dư nợ của Giấy Bãi Bằng tại chi nhánh đã lên tới gần 388 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là gần 213 tỷ còn nợ lãi của công ty này là 175 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Giấy Bãi Bằng có địa chỉ tại khu Tầm Vông, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh đó, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT hiện đang là người đại diện theo pháp luật của Giấy Bãi Bằng.
Chắc hẳn tuổi thơ của các thế hệ 7x, 8x, 9x không thể quên được hình ảnh của những quyển vở xanh có hình ảnh cậu bé cưỡi trâu nổi tiếng. Có thể nói, Giấy Bãi Bằng là tên tuổi “vang bóng một thời” của ngành giấy Việt Nam.
Biểu tượng tuổi thơ một thời
Tháng 9/1969, Bộ trưởng Cơ khí luyện kim Nguyễn Văn Kha đã có chuyến sang thăm Thụy Điển. Trong chuyến thăm này, phía Việt Nam đã đề xuất hỗ trợ xây dựng một nhà máy giấy. Đến tháng 2/1971, nhóm chuyên gia lâm nghiệp Thụy Điển đầu tiên đã đến Việt Nam để khảo sát các cánh rừng phía Bắc.
Đầu năm 1975, Nhà máy Giấy Bãi Bằng chính thức khởi công ở Phù Ninh, Phú Thọ. Nhà máy là một biểu tượng của sự hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Thụy Điển, tọa lạc trên diện tích gần 100ha, với tổng số vốn là 2,5 tỷ SEK (tương đương với 415 triệu USD) bằng tiền viện trợ không hoàn lại do Chính phủ và nhân dân Thụy Điển giúp đỡ.
Đến năm 1990, sau 15 năm xây dựng cũng như đào tạo và chuyển giao, toàn bộ đoàn chuyên gia Thụy Điển đã rời khỏi Việt Nam. Năm 2002, Nhà máy Giấy Bãi Bằng được mở rộng, nâng công suất từ 48.000 tấn bột, 55.000 tấn giấy lên 61.000 tấn bột và 100.000 tấn giấy.
Năm 2004, tất cả 16 lâm trường cung cấp nguyên liệu làm bột giấy vốn trước kia thuộc Công ty Nguyên liệu giấy Vĩnh Phú được sáp nhập vào Nhà máy Giấy Bãi Bằng. Đáng chú ý, công ty này còn sản xuất cả phân bón vi sinh của quá trình sản xuất giấy. Năm 2006, Công ty Giấy Bãi Bằng trở thành thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam. Thời điểm đó, Giấy Bãi Bằng đóng góp hơn 50% sản lượng giấy in cũng như giấy viết của Tổng công ty.
Từ khi hình thành và phát triển, Giấy Bãi Bằng đã đạt được hàng loạt các thành tựu to lớn. Mỗi năm, công ty đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng, đảm bảo công ăn việc làm cho toàn bộ các cán bộ công nhân viên trong biên chế nhà nước và cũng đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động hợp đồng.
Bên cạnh đó, Công ty Giấy Bãi Bằng ngay sau khi khánh thành còn xây dựng các căn hộ tập thể, giao cho các cán bộ công nhân viên để họ có thể ổn định cuộc sống. Công ty còn mạnh tay chi tiền xây dựng trường mẫu giáo trường tiểu học và trung học, nhiều công trình thể thao - văn hóa mới để phục vụ cho con em cán bộ công nhân viên và nhân dân địa phương; đồng thời Giấy Bãi Bằng cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện…
Tháng 3/2000, Công ty Giấy Bãi Bằng đã nhận danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” do Đảng và Nhà nước trao tặng. Tháng 9/2001, Công ty đã được Tổ chức giám sát sáng kiến doanh nghiệp Quốc tế (BID) - doanh nghiệp có trụ sở tại Tây Ban Nha, tặng thưởng “Ngôi sao vàng quốc tế về chất lượng”. Sản phẩm của Công ty Giấy Bãi Bằng được người tiêu dùng cả trong và ngoài nước ưa chuộng. Những sản phẩm này được phân phối khắp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Không những thế, nó còn được xuất khẩu sang các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào, Hong Kong…
Thời điểm đó, không hề quá lời khi nói rằng quyển vở Giấy Bãi Bằng với hình ảnh cậu bé cưỡi trâu quen thuộc đã trở thành vật phẩm thân thiết, vật bất ly thân của các cô cậu học trò trong những năm 1970, 1980. Dù chất lượng giấy không cao, vở cũng không dày nhưng sản phẩm Giấy Bãi Bằng lại được rất nhiều người yêu thích. Bây giờ, các loại vở mới có chất giấy tốt hơn, bắt mắt hơn tuy nhiên không thể nào khiến người ta hoài niệm được như vở Giấy Bãi Bằng năm xưa.
Ông lớn ngành giấy vật lộn với thua lỗ
Trước đây, trong một lần trả lời báo chí, ông Mạc Mạnh Đang, Phó Tổng giám đốc đương nhiệm Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), thừa nhận rằng, khó khăn lớn nhất mà Vinapaco và Nhà máy Giấy Bãi Bằng đang đối mặt chính là việc không thoát khỏi được các di sản thời trước Đổi mới, từ dây chuyền sản xuất cho đến cây giống đều là sản vật từ 30 cho đến 40 năm trước.
Được biết, nhà máy Giấy Bãi Bằng được thành lập vào những năm 1980 với sự giúp đỡ về tài chính và công nghệ của chính phủ Thụy Điển. Ban đầu, công ty Giấy Bãi Bằng chỉ gồm một nhà máy sản xuất giấy.
Năm 2002, nhà máy Giấy Bãi Bằng được mở rộng, nâng công suất từ 48.000 tấn bột cùng với 55.000 tấn giấy lên 61.000 tấn bột cùng với 100.000 tấn giấy. Năm 2006, Công ty Giấy Bãi Bằng trở thành một thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), đóng góp hơn 50% sản lượng giấy in và giấy viết của tổng công ty này.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, Giấy Bãi Bằng trượt dài trong thua lỗ. Theo nhiều nguồn tin, Công ty cổ phần Giấy Bãi Bằng đã ghi nhận mức lỗ 255 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 218,5 tỷ. Theo bản báo cáo công nợ tại Giấy Bãi Bằng giai đoạn 2011-2016 của Ban kiểm soát nội bộ Vinapaco, năm 2011 đơn vị Giấy Bãi Bằng đã phát sinh khoản công nợ khó đòi lên tới hơn 31 tỷ đồng.
Đến hết năm 2014, Công ty Giấy Bãi Bằng đã ghi nhận lỗ lũy kế lên đến hơn 210 tỷ trên tổng số hơn 218,5 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Việc này đồng nghĩa với việc Giấy Bãi Bằng đã mất 96,4% vốn chủ sở hữu. Năm 2015, Công ty Giấy Bãi Bằng tiếp tục ghi nhận mức lỗ thêm hơn 45 tỷ đồng và phải tạm dừng toàn bộ hoạt động.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán gần nhất được Vinapaco công bố, cái tên Giấy Bãi Bằng chỉ xuất hiện nổi bật ở phần nợ phải thu. Trong đó, số nợ của Giấy Bãi Bằng là gần 38 tỷ đồng chưa thể thu hồi vào cuối năm 2017. Bên cạnh đó, Vinapaco cũng đã dự phòng toàn bộ cho khoản nợ này của Giấy Bãi Bằng.
Năm 2017, hiện trạng của công ty Giấy Bãi Bằng được cho là một trong những lý do chính khiến cho Tổng giám đốc Vinapaco bị thay thế.
Nói chung, nhìn lại hai thập niên qua, ngoại trừ vàng mã thì phần lớn nhu cầu liên quan đến giấy của người Việt Nam đều tăng. Trong suốt 10 năm qua, tổng lượng tiêu thụ giấy của Việt Nam luôn tăng với tỷ lệ 2 con số; đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 5 triệu tấn một năm. Thế nhưng, Vinapaco cùng với Nhà máy Giấy Bãi Bằng lại nằm ngoài bức tranh sôi động ấy. Có thể nói, đây là một kịch bản thường thấy dành cho nhiều huyền thoại kinh tế quốc doanh khác.
Thời điểm hiện tại, việc thương hiệu Giấy Bãi Bằng sẽ còn tồn tại bao lâu vẫn là câu hỏi khó trả lời trước sự cạnh tranh quyết liệt, mạnh mẽ của hàng loạt tên tuổi giấy ngoại nhập.