Môi giới bất động sản xoay sở đủ nghề để trang trải khi Tết sắp về
Tết cận kề mang niềm vui đến nhưng cũng kéo theo nhiều nỗi lo, đặc biệt là với những môi giới bất động sản vừa trải qua một năm “thất bát”. Vừa chạy cuốc xe ôm, anh Kiên (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) vừa kể về năm qua với bao biến động để bây giờ anh đang phải vội vã chạy từng chuyến xe, hi vọng lo được một cái Tết vẹn tròn.
Anh Kiên bùi ngùi kể: “Tôi làm môi giới bất động sản được khoảng 4 năm, có năm thưởng Tết đến 60 - 70 triệu đồng nhưng thực sự chưa bao giờ nghĩ năm nay lại vất vả đến mức thế này, không một xu dính túi.
Năm ngoái, thị trường sôi động nên môi giới chúng tôi cũng làm ăn khấm khá. Đặc biệt thời điểm cuối năm, nhiều khu vực sốt đất đến mức người mua người bán ra vào văn phòng tấp nập như đi hội, nhiều khách còn phải xếp hàng chờ tới lượt giao dịch. Kể cả các văn phòng công chứng cũng đông người không kém. Có những môi giới trong vòng 1 tuần chốt đến 2, 3 giao dịch là chuyện không còn hiếm, tiền hoa hồng rót vào túi giúp chúng tôi yên tâm chi phí dịp Tết.
Thế nhưng năm nay, thị trường ảm đạm đến mức có nơi gần như “đóng băng”. Các phân khúc đất nền ven đô, biệt thự liền kề,... hầu như rơi vào tình trạng “vắng như chùa bà Đanh” vì không có khách. Đáng ra cận Tết là dịp rất bận rộn thì chúng tôi đã được văn phòng cho nghỉ làm từ nửa tháng nay. Chẳng phải riêng tôi mà nhiều anh em môi giới cũng đã nghỉ trước Tết cả tháng vì văn phòng không có giao dịch, cũng không thể trả lương nên đành cắt giảm nhân sự.
Không có giao dịch phát sinh thì sẽ không có hoa hồng, không có tiền lại phải nghỉ Tết sớm nên tôi quyết định đi chạy xe ôm. Trước đây quần áo phẳng phiu dẫn khách đi xem đất, nay gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai nên tôi chỉ nghĩ sao cho kiếm được tiền trang trải cuộc sống đã rất tốt rồi chứ không mong hơn.
Ngày trước khi rủng rỉnh tiền tôi cũng chưa nghĩ đến việc phải tiết kiệm phòng lúc không có nên vung tay quá trán. Nay mới thấm việc sống giữa thành phố mà trong tay không có tiền sẽ bất lực thế nào. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là một bài học mà cuộc sống dạy mình về bài toán chi tiêu sao cho hợp lý.
Bây giờ, bình quân mỗi ngày chạy xe ôm tôi kiếm được vài trăm, trừ chi phí xăng xe, ăn uống cũng hi vọng từ nay đến 29 Tết sẽ tiết kiệm được ít tiền về quê bởi còn nhiều thứ phải lo như tiền nhà, tiền điện, nước, wifi, tiền quà cáp, mừng tuổi... Qua Tết âm, tôi hi vọng thị trường sẽ dần hồi phục trở lại để quay lại với nghề chứ cũng không thể chạy xe ôm lâu dài được”.
Khi thị trường lao dốc kèm theo nhiều áp lực cuối năm, chẳng phải riêng anh Kiên mà nhiều môi giới cũng đang phải chao đảo kiếm kế sinh nhai. Đang tay trên tay dưới sắp xếp lại hàng hóa tại một cửa hàng bán giầy, chị Hoa (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) bảo rằng chỉ xin làm ngắn hạn vì công ty bất động sản của chị cho nghỉ Tết đã gần hai tháng.
“Đầu tháng 12 dương lịch công ty bất động sản tôi đang làm đã cho nhân viên nghỉ quá nửa. Ngoại trừ những nhân viên lâu năm có phát sinh giao dịch sẽ được trả lương và được thưởng Tết tượng trưng khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng, còn lại hầu như các nhân viên mới hoặc không có giao dịch sẽ phải nghỉ không lương, qua Tết âm công ty sẽ có thông báo sau.
Do nghỉ sớm mà còn đến 2 tháng nữa mới đến Tết âm nên tôi đã xin vào làm tại một cửa hàng bán giầy, tôi xin làm ngắn hạn vì đợt Tết đông khách nên cửa hàng này tuyển thêm người. Tôi làm từ 9h sáng đến 10h đêm với mức lương tạm chấp nhận để có tiền sinh hoạt phí, may là vẫn xin được việc nếu không Tết chẳng biết lấy gì mà tiêu.
Gần như nửa năm nay do không có nhiều giao dịch nên toàn bộ tiền tiết kiệm của tôi đã tiêu hết, thậm chí tôi còn phải đi vay mượn bạn bè, người thân để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày, cuộc sống rất chật vật và khó khăn. Nhìn tình hình thị trường bất động sản tôi nghĩ kể cả qua Tết âm 1 tháng thì vẫn chưa khởi sắc được. Do đó, nếu thị trường quá đìu hiu tôi cũng sẽ tìm một công việc khác có mức thu nhập cao hơn để duy trì cuộc sống, đến lúc thị trường nóng lên thì sẽ tính sau bởi không thể đợi mãi”.
Một trường hợp khác nữa là anh Phú (trú tại Đống Đa, Hà Nội), quê anh ở Điện Biên nhưng năm nay anh cho biết sẽ ở lại Hà Nội ăn Tết và không về quê: “Ai cũng muốn về quê, càng Tết càng muốn về sớm nhưng về phải có tiền trong túi. Năm ngoái tôi sắm sửa về quê mà lòng vui như hội vì tiền tiêu thoải mái, biếu bố mẹ rồi mừng tuổi các cháu, các em, mua sắm trang trí nhà cửa... Thưởng Tết hơn một trăm triệu tiêu rủng rỉnh, có anh em cùng công ty chốt được nhiều giao dịch thì được thưởng đến 300 triệu đồng còn chưa kể khoản nọ khoản kia kiếm thêm được.
Nhưng năm nay tôi không thể tưởng tượng nổi mình lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn thế này. Tôi cũng hoàn toàn thông cảm với lãnh đạo công ty vì chính họ cũng đang phải nợ nần chồng chất, hàng vẫn còn tồn không bán được, vốn cứ đọng, thanh khoản kém nên chẳng biết đào đâu ra tiền để chi trả cho anh em.
May mà chưa có gia đình chứ nếu có gia đình nhỏ vào rồi thì hàng trăm thứ phải chi sẽ không biết phải xoay sở ra sao. Hiện, tôi đang chung vốn với bạn để bán quất, đào, mai dịp Tết vì tầm này nhu cầu rất lớn, có điều mình phải chịu khó đi sớm về muộn, kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng. Tôi dự định sẽ nhập hàng về bán đến đêm 30 Tết, sau đó sẽ ăn Tết ở Hà Nội luôn, có lẽ sẽ là một cái Tết đáng nhớ kể từ khi tôi xuống thành phố học và đi làm”.