Môi giới bất động sản “chật vật” tìm khách dịp cận Tết
Môi giới “chạy đua” tìm khách
Ghi nhận, từ đầu năm 2023 thị trường bất động sản khu vực phía Nam gặp nhiều khó khăn, trong đó địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An tình hình cũng không mấy khả quan.
Khi mà thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng, nguồn tiền không còn đổ dồn vào phân khúc này, các sàn giao dịch mua bán bất động sản cũng rơi vào cảnh khốn khó.
Trong những năm trước, rảo quanh các quán cà phê luôn thấy những nhân viên môi giới quần áo tươm tất, ăn mặc sang trọng tư vấn cho khách về đất đai. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nhu cầu mua nhà đất của người dân ngày càng ít đi, đặc biệt là thanh khoản thị trường đứng, có nhiều công ty môi giới, nhân viên bán hàng phải chật vật tìm khách mua. Nhất là ở thời điểm cận Tết, nhân viên môi giới và nhân viên kinh doanh nỗ lực tìm kiếm khách để bán hàng.
Hiện nay, thị trường bất động sản trầm lắng, khách không mặn mà mua bất động sản đã khiến cho nhiều nhân viên môi giới vất vả để có thể đạt được kết quả doanh thu. Nguồn ảnh: Internet |
Anh N.T.T (28 tuổi) cho biết, nhân viên môi giới của Công ty DKRA Việt Nam cho biết: “Tôi hoạt động ở trong ngành môi giới cũng đã được 6 năm. Từ sau dịch bệnh COVID-19, thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn. Trước đây, các chủ đầu tư và công ty môi giới tổ chức sự kiện bán hàng, những nhân viên như tôi có sẵn danh sách nhà đầu tư và gọi mời đến xem, có thể chốt được nhiều cọc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, mọi thứ rất khác, mỗi ngày tôi gọi điện đến hơn 100 cuộc điện thoại và nhắn tin tư vấn qua Zalo liên tục cũng chỉ nhận được câu trả lời ‘để anh, để chị tham khảo’ chứ không có ai mong muốn tìm hiểu sâu”.
Đang làm nhân viên môi giới cho một công ty bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh, anh Nam cho biết: “Công ty chúng tôi trước đây mỗi lần ra hàng là bán rất nhanh, thậm chí các khách hàng cũ gọi điện tư vấn có sản phẩm mới là hào hứng đi xem. Mặc dù vậy thì bây giờ họ không còn mấy mặn mà nữa, đặc biệt là họ nhờ mình bán các sản phẩm mua trước đó, nhưng rao hoài, bán mãi cũng không có ai hạ giá, chưa bao giờ tìm khách hàng mua lại khó đến thế”.
Anh Nam tâm sự: “Khách hàng thường dồn vào đợt cuối năm này, còn cả năm vừa qua môi giới bất động sản như chúng tôi ngồi chơi dài, đợt này anh em kinh doanh đang chạy doanh số, tìm kiếm nguồn khách hàng và gọi điện, thậm chí phát tờ rơi để tìm kiếm được nguồn nhu cầu để hoàn thành doanh số”.
Khách hàng hỏi nhiều nhưng không thấy mua
Ở thời điểm hiện tại, không chỉ vất vả trong chuyện tìm khách, mà để thuyết phục được khách hàng xuống tiền mua sản phẩm bất động sản cũng rất khó khăn.
Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc N.P (có trụ sở ở tỉnh Bình Dương) cho biết, từ tháng 10/2023, công ty chạy quảng cáo cho dự án ở Bình Phước, cũng có rất nhiều khách tìm hiểu và muốn tham quan dự án. Công ty phải bỏ tiền ra thuê xe, chuẩn bị đủ thứ để phục vụ chỉn chu nhất,... tuy nhiên khách hàng đi xem thì nhiều mà chốt thì không có. Đây cũng là một trong những khó khăn thời điểm hiện tại.
Vị giám đốc này chia sẻ, những ngày vừa qua, cận Tết cho nên đội sale thường tập trung với tần suất cao nhất về mặt thời gian lẫn nhân sự. Số lượng lên đến vài chục người túc trực từ sáng cho đến tối tuy nhiên lắm lúc chẳng hề có khách. Nếu kiên trì lắm thì mới bán được một lô.
Thực tế cho thấy, thời điểm hiện tại người mua nhà đến tận công trình với mục đích tham quan vị trí và nghe ngóng là chính chứ hiếm khi xuống tiền mua - bán. Lực lượng sale nằm vùng dự án chủ yếu chỉ nhằm thu thập thông tin khách hàng tiềm năng (tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ) để có thể duy trì chăm sóc, chốt hàng về sau chứ không kỳ vọng bán được ngay.
Ở thời điểm hiện tại, không chỉ vất vả trong chuyện tìm khách, mà để thuyết phục được khách hàng xuống tiền mua sản phẩm bất động sản cũng rất khó khăn. Nguồn ảnh: Internet |
Và giới chuyên gia bất động sản cũng nhận định, thời thế đã thay đổi, niềm tin của khách hàng cũng suy giảm cùng với thị trường trầm lắng, buộc chủ đầu tư phải tìm mọi cách lôi kéo khách hàng. Và việc sử dụng các chiêu thức giảm giá, tặng quà, ân hạn lãi suất,... không còn là chỗ dựa cho các nhân viên môi giới và công ty bán hàng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá, hiện nay tâm lý của người mua chịu ảnh hưởng bởi chính nền kinh tế, cơ chế vay của các ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư phân vẫn giữa gửi tiết kiệm và người mua bất động sản. Phần lớn mọi người hướng vào kênh sinh lời tốt hơn.
Ghi nhận, từ đầu năm 2023, việc kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp môi giới không có nguồn hàng để bán, không tìm được khách hàng,... Điều này đã khiến cho hàng loạt các công ty trong lĩnh vực phải đóng cửa hay là hoạt động cầm chừng chờ thời.
Cũng theo đó, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, vào tháng 10/2023, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh từng công bố có 17 sàn giao dịch bất động sản chấm dứt hoạt động. Những sàn giao dịch này chủ yếu được thành lập từ năm 2017 - 2022. Còn có các sàn có thời gian hoạt động từ 1 -2 năm.
Giám đốc Công ty môi giới ở Tp.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh - ông Phạm Thanh Đức cho biết: “Từ đầu những năm 2017, thị trường bất động sản rất thịnh vượng, phải nói là người người nhà nhà đi buôn đất. Trong đó thì có rất nhiều các môi giới, sale bất động sản kiếm được nhiều tiền qua kênh đầu tư, tư vấn mua bán nhà đất. Cũng từ đây, để hoạt động chuyên nghiệp hơn họ đã mở công ty, tham gia góp vốn và liên kết với các sàn F1, F2 để được làm sàn nhỏ bán hàng cho chủ đầu tư. Vậy nhưng, khi mà thị trường chững lại, không bán được hàng và không có tiền để duy trì bộ máy hoạt động, trả lương,... thì các công ty dần tan rã, môi giới cũng tự tìm cho mình lối đi riêng”.
Nguồn ảnh: Internet |
Không có khách, môi giới bất động sản chật vật kiếm kế sinh nhai
Vào thời điểm thị trường bất động sản gặp khó, nhiều công ty môi giới đóng cửa cũng là lúc các nhân viên môi giới, nhân viên kinh doanh buộc phải nghỉ việc. Một số người đã tìm cho mình công ty bất động sản mới để làm việc tuy nhiên cũng có không ít người buộc phải bỏ nghề để tìm cho mình hướng đi mới.
Chị Hoàng Bích Hạnh - môi giới của Công ty U.N (TP. Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi làm nhân viên môi giới được 4 năm, bén duyên với nghề nhờ mấy người bạn rủ rê đi học buôn đất, bán nhà rồi xin vào công ty môi giới làm việc. Năm 2022, công ty còn sàn F2, được giao sản phẩm để bán nhưng đến đầu năm nay chẳng có giỏ hàng nào để chào khách, lương thì thấp. Bán căn hộ chủ yếu là ăn hoa hồng, tuy nhiên giờ thị trường không có, khách cũng không mặn mà nên tôi phải xin nghỉ việc và cùng với đứa bạn mua quần áo từ chợ Tân Bình về bán”.
Cũng tương tự, anh Thanh Tâm (Bình Thạnh - TP. Hồ Chí Minh) nói rằng: “Từ năm 2020 tôi làm sale bán xe ô tô, sau thời điểm dịch bệnh, đầu năm 2022 thấy thị trường bất động sản có nhiều tiềm năng nên chuyển qua một công ty bất động sản làm môi giới. Thời điểm đầu thị trường tốt bán được có vài căn, có hoa hồng lớn đủ trang trải cuộc sống. Mặc dù vậy đến hiện tại, nhóm môi giới chung 1 đội với tôi hơn 10 người đều nghỉ hết. Riêng tôi đã phải tìm hướng đi mới, xin vào ngân hàng làm tư vấn tài chính để kiếm thu nhập nuôi vợ con”.
Trong khi đó thì anh Võ Minh Cự (35 tuổi) ở Bình Thạnh - TP. Hồ Chí Minh nói rằng, làm môi giới bất động sản đã được 7 năm, trải qua bao thăng trầm của nghề.
Vào thời điểm thị trường sôi động, anh tự kiếm được tiền bằng nghề nhân viên môi giới và mua được căn hộ ở TP. Thủ Đức để gia đình sinh sống. Tuy nhiên trải qua dịch, rồi đến thời điểm kinh tế khó khăn hiện tại thì trong nhóm kinh doanh đã lần lượt nghỉ hết. Anh Cự cũng phải nghỉ việc để đi giao hàng, ở nhà phụ vợ bán bún bò để kiếm thêm thu nhập.
Không có khách, môi giới bất động sản chật vật kiếm kế sinh nhai. Nguồn ảnh: Internet |
Khi được hỏi có quay lại nghề môi giới không, anh Cự cho biết: “Nghề môi giới thực ra rất hay và phong phú, bạn sẽ học được rất nhiều từ nghề tuy nhiên bởi áp lực về cuộc sống, thị trường không có khách, không thanh khoản cho nên tôi tìm hướng đi mới. Tuy nhiên tôi vẫn đăng và hỗ trợ khách hàng cũ bán sản phẩm, chờ thị trường ổn định tôi cũng sẽ quay trở lại”.
Trên thực tế trong thời gian qua ở TP. Hồ Chí Minh và vùng lân cận, làn sóng môi giới nghỉ việc trở nên ồ ạt. Có nhiều công ty và sàn giao dịch từ 70 - 80% nhân viên môi giới đã chuyển sang làm công việc khác. Có nhiều người thử sức với lĩnh vực mới như bán hàng online, kinh doanh mỹ phẩm, tiếp thị sản phẩm,... để mưu sinh.
Mặc dù vậy, đa số các nhân viên môi giới vẫn hy vọng thị trường bất động sản sẽ hồi phục, nền kinh tế sẽ bền vững hơn từ đó tạo ra giá trị thực. Nhu cầu nhà ở cũng sẽ song hành cùng các hoạt động kinh tế thị trường, kích cầu mọi thứ trở lại.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện tượng sụt giảm số lượng nhân viên môi giới bất động sản đã trở nên phổ biến. Theo đó, thị trường đã ghi nhận một số lượng lớn môi giới bất động sản nghỉ việc. Số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022.
Chuyên gia của VARS đánh giá rằng, làn sóng này đã diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Còn những môi giới bám trụ lại với nghề vẫn phải vận dụng một cách linh hoạt mọi hình thức để có thể tồn tại.