Mất hàng trăm nghìn lượt đăng ký, Netflix loay hoay tìm cách kiếm tiền: Dấu “chấm hết” cho việc dùng chung một tài khoản?
Theo Nhịp sống kinh tế, hiện nay, Netflix có 221,6 triệu người dùng đăng ký trên toàn thế giới. Theo báo cáo tài chính Netflix công bố hôm 19/4, trong quý đầu tiên của năm 2022, ứng dụng này đã mất đi 200.000 người đăng ký. Dự kiến, dịch vụ này sẽ có thêm 2,5 triệu thuê bao và sẽ giảm thêm 2 triệu thuê bao trong quý 2 năm nay.
Netflix lên tiếng cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng người đăng ký kéo dài cả một thập kỷ của họ đã kết thúc. Họ thừa nhận rằng đang gặp những khó khăn để tăng số lượng thành viên ở nhiều thị trường trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, lợi nhuận quý IV của Netflix đạt 1,5 tỷ USD. Con số này đã giảm đáng kể so với 1,7 tỷ USD trong cùng giai đoạn. Doanh thu đã đạt 7,8 tỷ USD, tăng 9,8%. Theo đó, trong phiên giao dịch ngoài giờ, cổ phiếu Netflix ngay lập tức giảm 25%.
Qua những con số thống kế này, triển vọng của “bá chủ” dịch vụ stream đang trở nên u ám hơn bao giờ hết. Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu của Netflix đã mất hơn 40%. Mặt khác, các nhà đầu tư tỏ ra rất lo ngại về khả năng tăng trưởng của công ty bởi báo cáo mới công bố cho biết Netflix mất hàng nghìn thuê bao đăng ký, ngoài việc không đạt kỳ vọng lợi nhuận. Trong hơn 1 thập kỷ, điều này chưa từng xảy đến với Netflix.
Điều gì đã xảy ra?
Công ty cho biết trong bức thư gửi nhà đầu tư rằng họ đã hoạt động với một niềm tin vững chắc rằng những nội dung giải trí theo yêu cầu, được cung cấp qua đường truyền internet sẽ thay thế các kênh truyền hình kể từ khi ra mắt tính năng phát trực tuyến vào năm 2007. Tuy nhiên, họ nói thêm rằng doanh thu sẽ không tăng nhanh chóng như được kỳ vọng trong thời gian tới.
Theo đại diện của Netflix, đại dịch như đã làm mờ đi đà tăng trưởng của họ vào năm 2020. Lý giải cho thấy Covid -19 phần nào đã khiến tăng trưởng trở nên chậm chạp hơn vào năm 2021.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, nhiều yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến tình trạng tăng trưởng khá trì trệ của Netflix. Chẳng hạn như những năm gần đây xuất hiện sự cạnh tranh từ các hãng truyền thống khác trong thị trường stream. Hơn nữa, việc nhiều người dùng cùng sở hữu một tài khoản đăng ký càng trở nên phổ biến.
“Bên cạnh 222 triệu hộ gia đình trả phí đăng ký, ước tính cho thấy hơn 100 triệu hộ khác đang sử dụng Netflix, gồm hơn 30 triệu hộ gia đình tại Mỹ và Canada”.
Hoạt động kinh doanh của Netflix cũng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố vĩ mô khác như lạm phát gia tăng, tăng trưởng chậm lại, sự kiện địa chính trị và một số vấn đề liên quan đến Covid-19. Thêm nữa, công ty cũng cho biết họ mất 700.000 người đăng ký khi dừng hoạt động tại Nga.
Thị trường dịch vụ stream có thể trở nên xáo trộn do kết quả kinh doanh không được như ý của Netflix. Cùng với đó là nhiều đối thủ khác cũng thay đổi chiến lược kinh doanh để có thể đối đầu với Netflix. Disney là một ví dụ điển hình. Đây là một trong những đối thủ lớn của Netflix ghi nhận giá cổ phiếu giảm khoảng 5% ngày 19/4 vừa qua.
Netflix sẽ hành động ra sao?
Thông báo từ Netflix cho rằng họ sẽ lên kế hoạch có thể lội ngược dòng bằng cách thức truyền thống là cải thiện dịch vụ. Họ cho biết: “Chúng tôi muốn đẩy nhanh lượt xem và tăng trưởng doanh thu bằng việc cải thiện toàn bộ khía cạnh của công ty, nhất là các đề xuất và chất lượng nội dung”.
Netflix cũng cho biết thêm họ đang đẩy nhanh tiến độ phát triển nội dung và sự sáng tạo. Đồng thời, công cụ “thích rất nhiều” cũng được tung ra nhằm cho phép người dùng bày tỏ cảm xúc với những hình thức nội dung mà họ yêu mến. Bên cạnh đó, họ cũng dồn lực nhiều hơn vào cách kiếm tiền từ việc nhiều người dùng cùng dùng một tài khoản.
Netflix thông báo rằng họ đang tìm cách để cho phép “người dùng có thể dùng chung tài khoản một cách đơn giản và an toàn nhưng sẽ phải trả thêm một khoản phí”. Hãng stream cho biết: “Mặc dù Netflix không kiếm tiền từ tất cả người dùng hiện tại nhưng chúng tôi cho rằng đó là cơ hội lớn từ ngắn đến trung hạn”.
Bên cạnh đó, Netflix có thể tăng doanh thu và thu hút nhiều người dùng đăng ký hơn nhờ một yếu tố khác là quảng cáo. CEO Reed Hastings hôm qua cho biết có thể sẽ cân nhắc triển khai quảng cáo trong vòng 1-2 năm tới dù trước đó đã luôn biểu hiện tiêu cực với nội dung này trên Netflix.
Theo báo cáo của John Koblin và Tiffany Hsu của The Times, các dịch vụ phát trực tuyến video đang gặp khó khăn trong việc đăng ký người đăng ký mới. Để tiếp cận nhiều người hơn, bao gồm cả những người đang vật lộn với lạm phát gia tăng và quá tải đăng ký, một số dịch vụ stream đang đưa ra một thỏa thuận: Họ sẽ giảm giá để đổi lấy việc hiển thị quảng cáo trong chương trình của họ.
Netflix và các streamer khác đã từng xa lánh quảng cáo, nhưng lập trường đó giờ đã thay đổi. Netflix không còn loại bỏ khả năng có tùy chọn hỗ trợ quảng cáo và giá thấp hơn. “Đừng bao giờ nói không bao giờ,” Spencer Neumann, Giám đốc tài chính của Netflix, cho biết vào tháng trước. Hay Disney + sẽ bắt đầu cung cấp đăng ký hỗ trợ quảng cáo, với một khoản phí giảm, trong năm nay.
Netflix vẫn không có dấu hiệu lung lay bất chấp tốc độ tăng trưởng chậm lại khiến các nhà đầu tư nghi ngờ về chiến lược của công ty. “Tập trung vào cải tiến không ngừng đã giúp chúng tôi phát triển thành công trong suốt hơn 2 thập kỷ qua. Điều này cũng lý giải vì sao chúng tôi trở thành hãng dịch vụ phát trực tuyến lớn nhất toàn cầu theo các chỉ số điển hình là mức độ tương tác, thuê bao trả phí, doanh thu và lợi nhuận”.