Lợi ích lớn của các ngân hàng khi bán công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác ngoại
Số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).
Thấy rằng, dù thị trường này vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, song vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Vì vậy, gần đây đã có nhiều nhà đầu tư tiềm lực lớn nhận thấy triển vọng của thị trường, tin tưởng chính sách của Chính phủ, sẵn sàng đổ vốn vào lĩnh vực này.
Đơn cử, vào tháng 3/2023, UOB thông báo đã hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, bao gồm danh mục cho vay tín chấp có đảm bảo, những mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi.
UOB hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam |
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho Công ty AEON Financial của Nhật Bản, thương vụ chuyển nhượng có giá trị tới 4.300 tỷ đồng.
Tháng 6/2023, SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% cổ phần SHBFinance cho Krungsri Bank. Trong 3 năm tới, SHB sẽ tiến hành chuyển nhượng toàn bộ 50% cổ phần đang nắm giữ còn lại cho Krungsri Bank. Tổng giá trị thương vụ ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.
Theo Reuters, ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan - Kasikornbank (KBank) đang đàm phán để mua lại Công tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam. Được biết thương vụ này lên tới 1 tỷ USD, mục tiêu là mở rộng hơn nữa hoạt động của KBank tại Việt Nam.
Hiện nay, một số ngân hàng thương mại đã lên kế hoạch thoái vốn tại công ty tài chính tiêu dùng. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có kế hoạch bán 1005 vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM) trong năm nay… Được biết, MSB hiện đang tiếp xúc với 2 - 3 nhà đầu tư ngoại về việc chuyển nhượng FCCOM. Song, nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông, Ban lãnh đạo MSB sẽ nghiên cứu lại phương án thoái vốn.
Trong khoảng 5 năm nay, tín dụng tiêu dùng phát triển rất mạnh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, quy mô dư nợ vay tiêu dùng của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 27,17% GDP so với tỷ lệ trung bình 60 - 70% GDP của các nước trong khu vực châu Á.
Như vậy, “miếng bánh” cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn hấp dẫn, để tham gia vào thị trường này, các nhà đầu tư ngoại cần lựa chọn con đường mua bán và sáp nhập (M&A) để dễ dàng tiếp cận và thâu tóm.
“Miếng bánh” cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn hấp dẫn |
Đối với ngân hàng Việt Nam, vẫn đang trong xu hướng bán mảng tín dụng tiêu dùng cho các đối tác nước ngoài sau khi đã có mạng lưới rộng khắp.
Một số chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá việc tổ chức tài chính bán mảng tín dụng cho vay tiêu dùng là một mũi tên trúng nhiều đích. Bởi các tổ chức này vừa thu về một khoản tiền lớn để nâng cao năng lực tài chính, lại vừa san bớt rủi ro.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc các ngân hàng thoái vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng đã mang đến nguồn thu nhập lớn, hơn nữa còn nhằm tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi cũng như hạn chế tình trạng chồng chéo. Vì không ít nhà băng vẫn còn phát triển mảng cho vay bán lẻ, thâu tóm khách hàng hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ, hoặc đang phát triển riêng biệt mảng ngân hàng số để phục vụ nhóm khách này.
Theo Ông Andrew Vo - Phó Tổng Giám đốc SeABank, việc chuyển nhượng vốn cho AEON Financial sẽ giúp SeABank củng cố nguồn lực tài chính để đầu tư vào công nghệ thông tin. Như vậy ngân hàng sẽ tạo ra các sản phẩm tốt hơn, đem đến nhiều lợi ích hơn cho khách hàng.
Phía SHB cho rằng, với sự tham gia trực tiếp của Krungsri - một định chế tài chính hàng đầu trong khu vực với nhiều kinh nghiệm, được kỳ vọng tạo thêm động lực mới và toàn diện cho SHBFinance trong việc đẩy nhanh thực hiện những kế hoạch trung và dài hạn theo chuẩn mực quốc tế và trong chiến lược phát triển một công ty tài chính có thế mạnh hàng đầu tại Việt Nam về công nghệ và số hóa.
Xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh hơn |
Tới đây, xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh hơn, dòng vốn chủ yếu vẫn tới từ các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… cùng kỳ vọng có thêm nguồn vốn từ các nước châu Âu khi kinh tế vĩ mô đã ổn định.
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP. HCM nhận định, các ngân hàng Việt Nam kỳ vọng sự tham gia của các đối tác chiến lược ngoại, bên cạnh năng lực tài chính tốt còn là sự hỗ trợ về mặt quản trị, công nghệ, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế của các ngân hàng.
Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh về công nghệ giữa ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (Fintech), hay ngay cả giữa các ngân hàng với nhau diễn ra rất quyết liệt thì sự tham gia của những nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính và công nghệ mạnh sẽ có ý nghĩa quan trọng.
Nhờ vậy, các ngân hàng không chỉ tăng quy mô vốn, tăng sức cạnh tranh, mà vốn ngoại còn giúp tái cấu trúc ngân hàng, tối ưu chi phí; Mạng lưới thị phần tăng lên giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.