Kinh nghiệm thiết kế cầu thang dọc tối ưu nhất cho loại nhà ống với diện tích nhỏ
BÀI LIÊN QUAN
5 thiết kế nhà hứng gạch của dân mạng: Villa Thái Công trông giống "showroom" nội thất, ngôi nhà “dát vàng” khiến người xem ngán ngẩmHam sửa cầu thang cho hợp phong thuỷ, gia chủ ngã trẹo chân, vấn đề ở đâu?Sự khác nhau trong phong cách nhà của người giàu với người nghèo, chỉ vài thứ "rẻ tiền" này đã làm mất thẩm mĩ cả ngôi nhàCầu thang dọc hoặc cầu thang 1 vế là những loại cầu thang được xây dựng theo chiều dọc của căn nhà. Những chiếc cầu thang dọc thường sẽ được sắp xếp sát vào nép tường để tiết kiệm tối đa diện tích tiếp xúc cũng như thường không có chiếu nghỉ như các loại cầu thang truyền thống thường thấy. Các khu vực khác trong nhà cũng qua đó tận dụng được thêm không gian và bài trí hài hòa hơn, không bị che chắn như khi sử dụng cầu thang truyền thống.
Cầu thang dọc với thiết kế tinh tế và đơn giản tạo ra sự tối ưu, khiến các không gian chức năng được kết nối liền mạch. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng cầu thang dọc gây bất tiện trong việc di chuyển do không có chiếu nghỉ. Sử dụng cầu thang dọc khá mệt do mất sức, lối đi liền mạch. Tuy nhiên, so với những ưu điểm mà loại cầu thang này mang lại thì hạn chế này không đáng kể.
Kinh nghiệm chọn chất liệu cho cầu thang dọc
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chất liệu đa dạng sử dụng làm cầu thang dọc. Các loại vật liệu thường thấy như: inox, gỗ, kính hay kim loại... Đứng trước nhiều lựa chọn, gia chủ đừng quên những tiêu chí cơ bản cần phải xem xét như:
- Loại chất liệu phải phù hợp với căn nhà
- Màu sắc phải phù hợp với tổng thể gam màu chủ đạo của căn phòng khách cũng như của toàn bộ căn nhà.
- Độ bền của chất liệu cũng như khả năng chống chịu lực, chống rung và chống hao mòn theo thời gian.
- Chất liệu cầu thang có hài hòa với căn nhà hay không
- Ngoài ra, giá thành vật liệu cũng là vấn đề mà gia chủ cần quan tâm. So sánh giữa giá thành và chất lượng sản phẩm trên tương quan ngân sách có phù hợp hay không.
Các loại chất liệu có thể phối kết hợp với nhau trên cùng một mẫu cầu thang. Nhiều thiết kế cầu thang hiện đại ngày nay cho phép sự kết hợp để tạo ra ưu thế cả về chất lượng lẫn hình thức. Việc chỉ sử dụng một loại chất liệu cũng có những thế mạnh riêng, tùy theo mục tiêu sử dụng cũng như thiết kế của kiến trúc sư và gia chủ.
Cầu thang dọc bằng chất liệu gỗ
Cầu thang dọc bằng gỗ là một trong những loại dễ phối hợp nhất. Chất liệu gỗ với màu sáng cho tới nâu trầm đều dễ dàng hài hòa trong mọi phong cách thiết kế từ hiện đại hay cổ điển, từ Á hay Âu...
Màu sắc tự nhiên của gỗ không những tạo ra vẻ đẹp sang trọng, ấm áp mà còn cổ điển, thể hiện sự sành điệu của gia chủ. Trong khi lựa chọn gỗ để thiết kế cầu thang, gia chủ nên chú ý chọn những loại gỗ có độ đặc chuẩn và chắc, khả năng chịu lực tốt và phải đảm bảo có thể bảo dưỡng định kỳ nhằm tránh hư hại, gia tăng tuổi thọ.
Mỗi ngày cầu thang là một trong những không gian trong căn nhà chịu sự tác động lớn từ việc di chuyển của các thành viên trong gia đình. Một chiếc cầu thang cần phải vừa bền vừa chắc, chống chịu tốt lại không trơn nhẵn mới là sự lựa chọn hàng đầu.
Cầu thang kim loại hoặc inox
Cầu thang kim loại hoặc inox đặc biệt phù hợp với những ngôi nhà có thiết kế trẻ trung, mới mẻ và hiện đại. Ưu điểm của loại vật liệu inox là khả năng chống gỉ cao cùng màu sắc bắt mắt, sáng sủa. Trong khi dòng vật liệu kim loại (hay hợp kim sắt) lại khả năng sơn màu theo ý thích của gia chủ và cũng sở hữu khả năng chống gỉ cao.
Một trong những hạn chế của cầu thang chất liệu inox đó là phụ thuộc nhiều vào phong cách thiết kế nội thất chung của căn nhà.
Cầu thang bằng kính
Khác với các loại cầu thang khác có thể thiết kế bằng một loại chất liệu duy nhất thì cầu thang kính bắt buộc phải kết hợp với các loại chất liệu khác. Thường chất liệu kính sẽ được thiết kế làm phần lan can cho cầu thang. Từng bậc cầu thang vẫn phải sử dụng các loại chất liệu như gỗ hay inox, kim loại làm vật liệu chính. Các tấm kính với đặc điểm trong suốt, sáng bóng tạo cảm giác nới lỏng không gian, tạo ra sự tinh tế, lãng mạn và rộng mở cho căn nhà.
Một số ý kiến lo ngại chất liệu kính sẽ dễ vỡ tuy nhiên nhờ vào bước tiến thời đại cùng sự phát triển của khoa học vật liệu bấy giờ, các loại kính cường lực là sự lựa chọn cực kỳ an toàn. Tuy nhiên giá của các vật liệu kính này lại thường cao hơn so với chất liệu sắt hay inox.
Hiện nay cầu thang kính đang dần trở nên phổ biến hơn và dần thay thế các mẫu cầu thang thiết kế truyền thống bởi tính trẻ trung, ấn tượng và nhiều loại cách điệu mới mẻ. Sự kết hợp giữa chất liệu kính cùng những chất liệu khác cũng mang đến nhiều sự lựa chọn để các gia chủ có thể thoải mái lựa chọn, đó là một trong những thế mạnh của loại chất liệu này.
Kinh nghiệm bố trí cầu thang dọc chuẩn kỹ thuật
Vị trí đặt cầu thang dọc trong căn nhà quyết định tính tối ưu về diện tích. Cầu thang nên được đặt sát tường theo một hướng thẳng. Để thiết kế và bố trí cầu thang dọc chuẩn kỹ thuật, đừng quên những lưu ý sau:
Tùy chỉnh độ rộng của cầu thang sao cho phù hợp với diện tích căn nhà: thông thường độ rộng của cầu thang dọc cho nhà ống dao động ở 75 - 120cm. Tuy nhiên tùy theo diện tích cũng như chiều dài, rộng của căn nhà mà gia chủ cần tăng giảm độ rộng cầu thang cho phù hợp, theo tỉ lệ thuận.
Chiều cao của mỗi bậc thang: Tỉ lệ chuẩn phổ biến của mỗi bậc thang dọc là khoảng 15 - 18cm, không nên cao hơn quá 18cm tránh trường hợp gây bất tiện cho gia chủ, mệt mỏi khi di chuyển
Mặt bậc cầu thang nên dao động trong khoảng tiêu chuẩn 25 - 30cm, không nên quá hẹp hay quá rộng. Đây là mặt phẳng mà bàn chân sẽ tiếp xúc nên có độ rộng phù hợp, nhưng cũng không nên quá 30cm sẽ tốn diện tích cũng như làm ảnh hưởng độ dốc của cầu thang.
Độ cao của lan can đối với nhà có chiều rộng hẹp sẽ dao động ở 85 - 90cm là hợp lý, trong trường hợp nếu nhà có chiều rộng tương đối vẫn có thể thiết kế kích thước độ cao ở 1.1m. Sở dĩ nên giữ độ cao lan can ở mức này vì đảm bảo các vấn đề về an toàn cho trẻ nhỏ.
Phong thủy và thẩm mỹ cho cầu thang dọc dành cho căn nhà ống hẹp
Được ví như xương sống của ngôi nhà, cầu thang giúp kết nối các tầng với nhau. Bên cạnh đó cầu thang còn giúp căn nhà lưu thông không khí, đó là lý do cần quan tâm tới kỹ thuật cũng như đảm bảo yêu cầu phong thủy, thẩm mỹ cho không gian này. Chỉ có vậy mới đảm bảo gìn giữ vận khí mang đến nhiều may mắn và tài lộc cho gia chủ. Các lưu ý cơ bản trong trong phong thủy thiết kế cầu thang dọc cần gia chủ quan tâm đó là:
- Tránh thiết kế cầu thang dài quá. Cầu thang quá dài khiến không gian trở nên bí bách, giảm sự lưu thông dòng khí giữa các không gian khác.
- Tránh đặt cầu thang hướng thẳng cửa chính, thẳng vào nhà vệ sinh hay nhà bếp. Tuyệt đối không thiết kế cầu thang ở cuối nhà!
- Tránh thiết kế nhà vệ sinh, đài phun nước hay bể cá ở gầm cầu thang
- Theo phong thủy số bậc cầu thang mang lại may mắn cho gia chủ thường là những số lẻ như 19, 21
Tối ưu công năng của cầu thang dọc
Đối với những căn nhà ống với diện tích khiêm tốn sử dụng cầu thang dọc thì mỗi một milimet vuông đều phải có sự tính toán kỹ lưỡng để tối ưu được giá trị sử dụng. Nhiều ý kiến cho rằng bên dưới cầu thang dọc nên tránh để đồ cũng như xây công trình phụ bởi sẽ phạm vào phong thủy.
Tuy nhiên không gian dưới gầm cầu thang dọc nếu để bỏ phí lại thành thiếu sót trong mô hình tiết kiệm diện tích. Thực ra, vẫn có cách sử dụng khoảng không gian lý tưởng này, gia chủ hoàn toàn có thể bài trí kệ để đồ hay tủ sách. Đó là những sự lựa chọn vừa hợp lý lại không phạm vào các nguyên tắc bài trí trong phong thủy.
Qua một số kiến thức trên đây hy vọng bạn đã có thêm nhiều ý tưởng về việc thiết kế cầu thang dọc cho căn nhà ống với diện tích khiêm tốn! Một căn nhà đẹp hoàn hảo phụ thuộc rất nhiều vào cách thiết kế cũng như bố trí, màu sắc của một trong những không gian quan trọng hàng đầu như cầu thang.