Khởi nghiệp từ cây ớt, 9x Thanh Hóa gây bão TikTok với mức thu nhập 100 triệu đồng/tháng chỉ với 45 triệu tiền vốn
BÀI LIÊN QUAN
Đầu tư 8.000m2 đất nuôi gà giống, anh nông dân Thái Nguyên thu lãi 300 triệu đồng/nămAnh nông dân Hà Tĩnh quyết "viết" lại cuộc đời: Xây dựng trang trại nuôi vịt thu lãi tiền tỷMua đất trồng chè, anh nông dân bỗng trở thành đại gia nghìn tỷ khi đất tăng giá gấp 30 lầnThực tế cho thấy, mỗi câu chuyện khởi nghiệp dù có thất bại hay thành công đều cho mỗi người trong chúng ta những bài học để áp dụng nếu như bản thân đang có dự định, hoài bão. Và đôi khi, kinh doanh không nhất thiết phải chạy theo xu hướng xã hội hay mải mê với những ý tưởng đao to búa lớn. Quan trọng chính là phải quyết tâm vạch ra kế hoạch và bắt tay vào thực hiện để ước mơ không còn là "sự tưởng tượng". Đối với trường hợp của Lê Minh Cương là một ví dụ điển hình. Cương sinh năm 1992, mới đây anh đã đăng tải clip khởi nghiệp của mình trên TikTok và thu hút đến 1,6 triệu lượt xem chỉ sau 2 ngày.
Nhiều người sẽ nghĩ tâm huyết của Cương chắc chắn bị lọt thỏm giữa hàng loạt thương hiệu nổi tiếng khi kinh doanh tương ớt nhưng chàng trai 29 tuổi này vẫn kiên trì theo đuổi cũng như lạc quan vào tương lai phía trước. Thậm chí ở thời điểm hiện tại thì Cương bật mí mức doanh thu hàng tháng của bản thân là hơn 100 triệu đồng.
Từng phải bán nước cam, dưa muối để kiếm sống
Được biết, trước đây Lê Minh Cương từng làm việc ở Sài Gòn với một vài công ty nước ngoài. Sau đó anh đã quyết định trở về Thanh Hóa để lập nghiệp. Nguyên nhân là vì nhớ gia đình nhưng lớn hơn vẫn là muốn xây dựng mô hình sản xuất bền vững tại quê nhà.
Cương tâm sự: "Mình khởi nghiệp lần đầu với sản phẩm tinh chế từ trái gấc như dầu gấc, thực phẩm chức năng và sau đó tiếp tục với các trái cây địa phương sấy dẻo. Nhưng 3 năm sau phải đóng cửa do hàng không trôi, kỹ thuật công nghệ kém, giá cao mà nhân sự lại đông và quan trọng là thiếu hụt vốn".
Đó là thời điểm cuối 2018, đầu 2019 - đây được xem là giai đoạn khó khăn với Cương. Lúc đó, anh em bạn bè bỏ đi, có những tuần tù túng quá đã phải đi bán nước cam dạo để trả lương cho người ở lại. Thậm chí một người đàn ông như Cương cũng phải tự tay muối sưa, nấu chè, miễn là làm ra chút thu nhập để cầm cự cuộc sống. Chẳng ai có thể nghĩ anh vượt qua được hoàn cảnh này để làm lại từ đầu.
Khởi nghiệp từ số vốn 45 triệu đồng
Lê Minh Cương chia sẻ: "Mình không xuất phát từ dân hóa thực phẩm nên chẳng có thế mạnh gì trong chế biến. Sau khi đóng cửa cơ sở cũ, mình thử đi nấu chè, bán bánh, bỏ sỉ lại mà nhờ đó học được cách chế biến món ăn. Đến mùa đông năm 2019 về quê thì thấy ớt rất nhiều, chất lượng mà không ai mua. Lúc cháu mình ăn tương công nghiệp nên mình mới nghĩ ra ý tưởng làm tương ớt. Mình cũng mày mò trên mạng xem ông bà ngày xưa làm kiểu gì rồi điều chỉnh phù hợp khẩu vị bây giờ và cố gắng tận dụng tất cả nguyên liệu là nông sản tại địa phương. Sau 47 lần thử nghiệm, có hôm 12h còn sực nghĩ ra cách nấu lại lăn vô bếp. Thế là sản phẩm ra đời, dậy vị cay của ớt mà không cay quá, bỏ bún phở cũng tròn vị hơn. Cuối cùng quyết định khởi nghiệp thêm một lần nữa".
Theo đó, Minh Cương đã dốc hết tiền tiết kiệm của mình từ lúc còn bán chè bánh được 45 triệu đồng để mua máy nghiền công nghiệp về làm tương ớt. Khi đó anh rất cao hứng, ở quê có làng ế tới tận 1 tấn ớt nên mua luôn, nhưng làm không kịp nên bị hỏng hết.
Tuy có hơi tiếc nhưng anh vẫn vui vẻ, năm sau nông dân vì quý mến chàng trai nên trồng cho luôn và nguyên liệu không gây nhiều khó khăn cho Cương. Chỉ có ở mùa hè đầu tiên ớt giá khá cao nên anh mới phải vất vả đi tìm ở các huyện vùng cao.
Bài học kinh doanh từ chàng trai 9x Thanh Hóa
An toàn sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu
Thực tế, riêng tương ớt đã có nhiều vụ lùm xùm xoay quanh sản phẩm tự làm của các hàng bún phở, đồ ăn đường phố,... Riêng bản thân Cương cũng hiểu rõ điều này nên anh chia sẻ bản thân cực chú trọng đến khâu đảm bảo an toàn vệ sinh. Cương bộc bạch: "Cho đến tận bây giờ mình vẫn ưu tiên cải tiến để sản phẩm vô khuẩn hoàn toàn. Ớt sẽ lên men trong chim kín hoàn toàn bằng nước lọc đã thanh trùng. Sau đó sẽ được nấu sôi rồi qua công đoạn hấp tiệt trùng. Vì thế khách hàng có thể yên tâm sử dụng. Đến thời điểm tháng 2 vừa rồi, có nhiều mẫu thử của mình đạt 1 năm, sản phẩm vẫn rất tốt nên mình mới đăng ký lại hướng dẫn sử dụng từ 9 tháng lên 1 năm. Nhằm đảm bảo an toàn hơn thì mình dùng chai thủy tinh. Điều này hơi lạ nhưng lại khá thông dụng tại phương Tây vốn quen với việc ăn ớt lên men".
Chính vì thế, Cương đã không ngần ngại đưa ra giấy tờ lưu hành trên thị trường và hi vọng năm nay sẽ có thêm chuẩn quốc tế như ISO để chào sản phẩm tới các đối tác nước ngoài.
Không cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu nổi tiếng
Cương xác định tương ớt mà bản thân làm ra đi thị trường ngách là các cửa hàng thực phẩm sạch nên anh không chọn việc đối đầu trực tiếp với các hãng công nghiệp. Bên cạnh đó alf anh cập nhật nguyên liệu và quy trình sản xuất. Tuy sản phẩm của Cương chưa được bày bán tại các siêu thị lớn nhưng đã được bán tại các cửa hàng siêu thị sạch cũng như kênh thương mại điện tử.
Là chủ nhưng vẫn làm mọi thứ từ a-z
Nhằm tiết kiệm được chi phí và học hỏi thêm kinh nghiệm, Lê Minh Cương đã quyết định đảm nhiệm tất cả mọi thứ. Ví dụ như dùng app thiết kế online tại tem nhãn, ảnh truyền thống rồi đẩy lên Facebook, Shopee, tạo trang bán hàng và chụp ảnh.
Từng tham gia cuộc thi khởi nghiệp, Cương cho biết BGK cười vì doanh nghiệp bé và CEO lam lũ: "Có nhiều người chọn gọi vốn, mình thì không vì muốn hiểu chính xác bản thân đang làm gì. Phải nuôi sống được doanh nghiệp cũng như chính mình thì mới tính tới nhờ người khác làm đòn bẩy".
Gia đình là điều quan trọng trong quá trình khởi nghiệp
Lê Minh Cương hào hứng nói rằng, bản thân anh không sợ khi bắt đầu sản xuất tương ớt. Bởi anh làm mô hình nhỏ để xem nhu cầu của thị trường. Áp lực lớn nhất lại xuất phát từ những người thân trong gia đình. Vợ anh thì không nói gì nhưng trong lòng vẫn còn phân vân. Còn bố mẹ thì hỏi hết định hướng rồi thậm chí còn kiếm việc cho con trai, so sánh với con nhà người ta.
Cật lực là việc nhưng không bỏ bê cuộc sống riêng
Đối với Cương, gia đình là điều vô cùng quan trọng. Chính vì thế, nếu không tính khoảng thời gian ngủ thì từ 18h00 - 22h00 anh sẽ dành thời gian cho vợ con, còn lại thì để làm việc. Đặc biệt anh giữ cho mình nguyên tắc cuối tuần sẽ tắt máy, làm gì thì làm nhưng vẫn phải hạnh phúc với cuộc sống riêng.
Chính bản thân anh chàng này cũng chẳng ngờ được câu chuyện của mình lại nhận được lượt xem đông đảo trên mạng xã hội. Được biết, doanh thu của cửa hàng anh đạt hơn 100 triệu đồng.tháng, tăng khoảng 5%/tháng và vào mùa hè sẽ tăng chậm hơn. Anh cũng lạc quan vào tương lai bởi kinh doanh theo hướng địa phương hóa, mỗi vùng sẽ có 1 loại tương ớt phù hợp với khẩu vị.