Kế toán kho làm gì? Công việc của kế toán kho
Kế toán kho là gì?
Kế toán kho là những người làm công việc trong các kho hàng, chịu trách nhiệm kiểm soát việc xuất nhập hàng hóa, kiểm soát hàng tồn kho, làm báo cáo trình lên lãnh đạo về quy trình làm việc cũng như các vấn để về hàng hóa trong kho. Đây là một công việc thuộc lĩnh vực ngành kế toán.
Công việc kế toán kho thường dành cho những bạn sinh viên ngành kế toán mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm. Đây là công việc chưa cần đòi hỏi nhiều chuyên môn năng lực cao nhưng vẫn phải đảm bảo sự chính xác, cẩn trọng, tỉ mỉ ngay từ khi bắt đầu làm việc.
Nếu bạn đang là một sinh viên kế toán mới ra trường thì công việc kế toán kho sẽ là một lựa chọn phù hợp dành cho bạn.
Công việc của kế toán kho
Công việc của kế toán kho cần làm những gì là điều đầu tiên mà người lao động tìm việc đều thắc mắc. Thường thì công việc của kế toán kho không phức tạp như kế toán tổng hợp hay là kế toán thuế… nhưng nó cũng đòi hỏi những yêu cầu riêng của vị trí này.
Trong khi kế toán thuế, kế toán tổng hợp luôn rối ren trong những con số, giấy tờ thuế má thì kế toán kho cũng ngập đầu với những giấy tờ, hóa đơn, chứng từ… thậm chí nhiều lúc thiếu nhân lực, kế toán kho vẫn phải sẵn sàng chia sẻ công việc tay chân, dỡ hàng hóa cùng các nhân viên trong kho.
Công việc cụ thể của kế toán kho thường chia ra theo ngày, theo tuần và theo tháng:
Công việc mỗi ngày của kế toán kho
Công việc mỗi ngày của kế toán kho là thường xuyên kiểm tra kỹ càng các loại giấy tờ khi xuất hàng, nhập hàng trong kho, các hóa đơn, chứng từ.
Sau khi xuất – nhập hàng, công việc của kế toán kho là phải lập chứng từ, giấy tờ, hóa đơn, ghi rõ ràng và chi tiết việc xuất nhập, kê khai thuế đầu vào, đầu ra của hàng hóa.
Hạch toán khối lượng vật tư xuất nhập ra vào kho, hạch toán công nợ, giá vốn và doanh thu mỗi ngày của kho hàng.
Đảm bảo tính chính xác tuyệt đối từng thông tin của giấy tờ, hóa đơn.
Đối chiếu công nợ, hàng hóa xuất nhập, giải quyết các vấn đề phát sinh trong phạm vi làm việc.
Kiểm tra, sắp xếp hàng hóa trong kho cẩn thận, ngăn nắp và khoa học. Phân loại rõ ràng, hợp lý, đúng chủng loại, đúng kích cỡ, đúng nguồn hàng để thuận lợi cho việc xuất nhập cũng như công tác kiểm kê.
Công việc hàng tháng của kế toán kho
Sau khi thực hiện tốt công việc mỗi ngày, kế toán kho còn phải tổng hợp lại tình hình công việc trong tháng của kho hàng và làm báo cáo vào những ngày cuối tháng.
Lập báo cáo tổng kết tình hình xuất hàng , nhập hàng, và số lượng hàng tồn kho còn lại.
Kiểm kê hàng hóa chi tiết trong kho cùng thủ kho và nhân viên kho.
Đối chiếu số lượng hàng hóa tồn kho thực tế so với sổ ghi chép và báo cáo cuối tháng.
Quy trình cơ bản kế toán kho thường chỉ gói gọn trong số lượng công việc như trên, nghe có vẻ nhàm chán và dễ dàng nhưng thực chất công việc của kế toán kho không bị bó hẹp trong một số loại hàng hóa nhất định, nhiều doanh nghiệp, công ty có rất nhiều loại hàng hóa trong kho nên đôi khi công việc này cũng khá vất vả.
Trong quy trình của kế toán kho, kế toán viên luôn phải đảm bảo công việc được vận hành chính xác, kiểm soát chặt chẽ, cẩn thận tỉ mỉ từng công đoạn.
Kỹ năng cần có của kế toán kho
Dù lượng công việc không quá phức tạp như những vị trí kế toán khác nhưng không vì thế mà người kế toán làm trong kho không cần có những kỹ năng và kiến thức để làm việc. Ngay cả những sinh viên mới ra trường, nếu không được trang bị kiến thức nền tảng tốt từ trên ghế nhà trường thì chắc chắn không thể làm được.
Một số kỹ năng cần có để có thể trở thành kế toán kho chuyên nghiệp:
- Nắm vững vàng kiến thức chuyên môn, có nền tảng về kế toán từ trên ghế giảng đường: Nếu bạn không đảm bảo được điều kiện này thì dù bạn có được nhận làm trong vị trí kế toán kho cũng sẽ làm ảnh hưởng đến công ty hoặc doanh nghiệp.
- Đáp ứng được chuyên môn về tin học : Đây cũng là một yếu tố khá quan trọng trong lĩnh vực này, cần sử dụng tốt tin học văn phòng để có thể trở thành nhân viên kế toán kho. Tin học văn phòng chính là kiến thức để có thể giúp người kế toán giải quyết nhanh chóng các công việc như sổ sách, hạch toán khối lượng hàng hóa, doanh thu, công nợ…
- Sử dụng tốt phần mềm kế toán: Cùng với tin học văn phòng thì các phần mềm kế toán cũng vô cùng quan trọng. Nó giúp người kế toán có thể giải quyết công việc dễ dàng và thuận lợi hơn. Nếu không biết cách sử dụng những ứng dụng này thì chắc chắn là một điều bất lợi không hề nhỏ đối với người ứng tuyển.
- Trung thực và cẩn thận: Đức tính rất quan trọng với mỗi người trong cuộc sống, cho dù bạn làm bất kỳ công việc gì. Và với kế toán kho, nó thực sự rất quan trọng vì nhà tuyển dụng sẽ đặc biệt ưu tiên cho những ứng viên có phẩm chất này vào làm việc. Từng con số, giấy tờ, hàng hóa… đều phải có sự chính xác tuyệt đối, và tất nhiên người cẩn thận và trung thực mới đáp ứng được công việc này.
- Đối với các loại hàng hóa và giấy tờ, kế toán kho phải có kỹ năng sắp xếp, tổ chức hợp lý và khoa học thì khâu quản lý sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc biết cách sắp xếp tổ chức và quản lý công việc sẽ góp phần mang lại cho công việc hiệu quả cao hơn.
Một số kinh nghiệm của kế toán kho
Sau đây là một số kinh nghiệm của công việc kế toán kho dành cho bạn:
- Kiểm tra chi tiết cẩn thận các chứng từ xuất- nhập hàng, thực hiện việc xuất- nhập hàng do cá nhân liên quan.
- Nhận chứng từ giao hàng, xuất hàng, lưu và chuyển cho bộ phận mua hàng.
- Theo dõi hàng xuất nhập tồn, nhập các thông tin đầy đủ hàng hóa, ngày tháng hoặc khi chú ở kệ bán hàng.
- Tự nhập thông tin xuất- nhập hàng lên phần mềm, theo dõi số lượng tồn kho mỗi ngày và đối chiếu mức tồn kho tối thiểu, theo dõi hàng tồn tối thiểu.
- Trường hợp hàng hóa xuất- nhập có thay đổi thì cần phải gửi yêu cầu thay đổi mức tồn kho tối thiểu, theo dõi mức độ hàng hóa tồn kho tối thiểu mỗi ngày.
- Làm thủ tục giấy tờ mua – đặt hàng của kho, trực tiếp công việc xuất- nhập hàng của kho.
- Đảm bảo chất lượng của hàng hóa, kiểm tra các thông tin của hàng thông qua phiếu ghi chú ở kệ hàng.
- Thường xuyên sắp xếp hàng hóa tại kho một cách cẩn thận và khoa học, lập sơ đồ, cập nhập thông tin về vị trí của các loại hàng hóa, hàng hóa phát sinh.
Một số sai lầm mà kế toán kho thường hay mắc phải
- Không xác định rõ mức tồn kho định kỳ của hàng hóa.
- Không biết cách sắp xếp hàng hóa một cách khoa học, gây khó khăn việc xuất và nhập hàng, cũng như mất nhiều thời gian cho việc kiểm kê hàng hóa.
- Không thường xuyên kiểm tra hàng hóa, không rõ ràng về các loại hàng hóa cũng như chất lượng của hàng hóa, điều này gây ảnh hưởng lớn với các mặt hàng thực phẩm có hạn sử dụng không quá lâu.
- Không đáp ứng được tin học văn phòng, không tìm hiểu và cập nhật các ứng dụng hữu ích dành cho ngành kế toán.
Nghề kế toán không phải vất vả tay chân như một số công việc khác nhưng nó cũng khiến không ít người áp lực và cảm thấy vất vả về đầu óc với những con số, giấy tờ mỗi ngày. Tuy nhiên, với những người yêu công việc này thì họ chẳng có lý do gì để từ chối một công việc mà họ đam mê.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu được khái niệm về kế toán kho cũng như tính chất công việc và những yêu cầu để trở thành một kế toán kho, chúc bạn sẽ là một kế toán viên xuất sắc.