Hướng đi nào cho doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024?
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp bất động sản phải giao dịch qua ngân hàng: Thị trường sẽ lành mạnh hơn?Chuyện thưởng Tết với doanh nghiệp bất động sản 2023: Một màu "u ám"Doanh nghiệp hoạt động cầm cự chờ thời cơ
Đầu 2023, nguồn cung và lượng giao dịch bất động sản tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp phải nhiều khó khăn pháp lý và nguồn vốn phát triển dự án. Giữa năm 2023, thị trường bất động sản tín hiệu phục hồi khi một số chủ đầu tư dần nối lại hoạt động mở bán cùng các chiêu thức kích cầu. Lúc này, nhiều nhà đầu tư có nguồn tiền nhãn rỗi bắt đầu săn hàng, nhất là tại các dự án có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng đang giảm giá sâu. Cuối năm 2023, hoạt động giao dịch lại trầm lắng khi các sản phẩm được mở bán mới với số lượng hạn chế (phần lớn là hàng tồn kho) trong khi những dự án mới vẫn “án binh bất động”.
Điều đáng nói, thị trường bất động sản trong năm 2023 bị mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến lệch pha sản phẩm nhà ở cũng như lệch về phân khúc. Ngoài chung cư luôn chiếm tỉ lệ áp đảo thì các phân khúc khác rất ít giao dịch. Chưa kể, biệt thự, nhà phố, liền kề còn tồn kho nhiều nhưng không phù hợp với túi tiền cũng như nhu cầu ở thực của đa số người dân.
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Quyết, Giám đốc công ty địa ốc Thịnh Phát, giá nhà tăng liên tục từ năm 2018 đến nay và vẫn neo cao vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, cán bộ, công viên chức nhà nước. Đến nay, một căn hộ bình dân, chung cư ngoại thành cũng có giá từ 1,5 đến 3 tỷ đồng thì với một người lao động, cán bộ nhà nước nếu có tiền để dành mỗi năm khoảng 100 triệu đồng thì cũng phải mất khoảng 20 năm mới có thể mua được nhà.
Ông Phạm Văn Quyết kỳ vọng trong năm 2024 việc thông qua các sắc luật sửa đổi (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai) sẽ tạo đà phục hồi, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Nhìn lại giai đoạn 2013 – 2014, việc ban hành các bộ Luật mới cũng đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn cung dự án và hoạt động giao dịch trong những năm tiếp theo.
“Bên cạnh đó, với nhữg chính sách mới, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà bắt đầu điều chỉnh giảm theo mặt bằng lãi suất huy động có thể kích thích nhà đầu tư và người mua nhà. Chính phủ và các bộ ngành cũng đang có nhiều giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả để cơ cấu lại phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp phục vụ đại đa số người dân”, Giám đốc công ty địa ốc Thịnh Phát nói và cho biết bản thân công ty ông cũng đang hoạt động cầm cự, tối ưu mọi chi phí, cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động, chờ thời cơ mới trong năm 2024.
Tái cấu trúc để tồn tại
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Huy Cường cho rằng, thị trường bất động sản năm 2023 là một thách thức cho cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Về phía doanh nghiệp không thể phát triển dự án mới do khó khăn trong cấp phép, phê duyệt trong khi chi phí đầu tư tăng lên. Còn các nhà đầu tư thì luôn mang tâm lý lo ngại sau nhiều cơn sốt đất dẫn đến việc chờ đợi. Trong khi đó, một số người dùng đòn bẩy tài chính đầu tư bất động sản trước đây lao đao vì không thể thu hồi vốn để trả nợ.
Trần Huy Cường nhận định, trong năm 2024, giá bán chung cư sẽ tiếp tục tăng trung bình khoảng 3-8%. Bởi các phân khúc khác trong ngắn hạn vẫn chưa được giải quyết nguồn cung. Việc nhiều doanh nghiệp “ôm” phân khúc biệt thự, nhà phố, liền kề sẽ khó có tính cạnh tranh trong bối cảnh hiện tại dẫn đến gặp khó khăn về dòng tiền.
Vị chuyên gia dẫn chứng một số doanh nghiệp bất động sản đang phải chịu lỗ chồng lỗ, nhân viên không có việc làm luôn đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Ngay cả nhiều sàn giao dịch bất động sản lớn ở thành phố Hồ Chí Minh như: Vieland, Goland, Kim Cúc Land, Hoàng Anh, DPV, Wonderland, Hiệp Long, Milestone Land cũng đã ngưng hoạt động và giải thể.
Không riêng chi phí vận hành lớn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn trong việc đáo hạn, mua lại trước hạn trái phiếu. Trong khi nhiều doanh nghiệp thông báo giải thể thì những công ty khác trong lĩnh vực vẫn đang phải chống chọi, chờ sự khởi sắc trong tương lai.
“Cơ bản thị trường bất động sản trong năm 2023 khó khăn chồng chất khi có rất ít giao dịch. Nguyên nhân bất động sản chưa có sự giảm giá có thể thấy do thuế, lãi vay cũng như công tác giải phóng mặt bằng trì trệ. Tuy nhiên trong năm 2024 nếu doanh nghiệp bất động sản phải tái cấu trúc, rà soát lại danh mục dự án đầu tư, xử lý các nghĩa vụ nợ. Ngoài ra phải ưu tiên phát triển những dự án chiến lược có pháp lý hoàn thiện cũng như chủ động định hướng sang phân khúc phù hợp với nhu cầu đại đa số nhà đầu tư và người dân thì rất có thể sẽ sẽ phải rời khỏi thị trường”, TS Trần Huy Cường nhấn mạnh.