Hậu Covid - 19, xu hướng du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe “lên ngôi”
Với việc các loại dịch bệnh gia tăng, người dân đang tìm kiếm những tiện ích và dịch vụ thiên về chăm sóc sức khỏe và mong muốn giải tỏa căng thẳng. Điều này đã khiến thị trường du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe đang chiếm trọn sự quan tâm của khách hàng.
Các chuyên gia nhận định, xu hướng du lịch trong thời gian tới sẽ có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ. Khách hàng đang có xu hướng chuyển từ du lịch ngắn ngày sang du lịch dài ngày. Cùng với đó, họ không chỉ du lịch tham quan đơn thuần mà còn tìm kiếm những loại hình nghỉ dưỡng để tận hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: "Năm 2022, nhu cầu người dân sẽ nâng cao về các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch xanh và du lịch sinh thái. Nổi bật là, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa chữa bệnh sẽ tăng nhanh ngay từ năm 2022".
Theo Global Data, thị trường này đang thu hút lượng lớn du khách và có thể đạt số liệu tăng trưởng rất cao trong năm 2022 khi số lượng khách du lịch chữa bệnh đã bằng năm 2019. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng, xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch này như Thái Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ,...
Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt là, nguồn tài nguyên nước khoáng nóng, bùn khoáng trải dài từ Bắc vào Nam, khí hậu ôn hòa trên cả nước,... Có thể thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã khai thác sản phẩm này để đưa vào hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn như: Khu du lịch suối khoáng nóng Quang Hanh – Quảng Ninh và Khu du lịch suối khoáng nóng Thanh Thủy (Phú Thọ) được khai thác và đầu tư bởi tập đoàn YoKo theo mô hình Onsen của Nhật Bản; Khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm – Tuyên Quang của chủ đầu tư tập đoàn Vinpearl,... Một số khu du lịch hạng sang đang cung cấp các dịch vụ tắm bùn, mát-xa, spa, xông hơi như khu du lịch V- Resort (Hòa Bình), khu du lịch Trăm Trứng (Khánh Hòa), khu du lịch khoáng nóng Sài Gòn – Bình Châu (Vũng Tàu),...
Hiện nay, nhiều công ty lữ hành cũng tung ra những sản phẩm du lịch thiền - yoga nằm trong một số khu vực còn thiên nhiên hoang sơ, yên tĩnh, không gian thoáng đãng, trong lành. Các hoạt động như tập yoga, ngồi thiền, spa giải tỏa căng thẳng này rất thu hút khách du lịch quốc tế.
Trước thời điểm dịch bệnh Covid - 19 bùng nổ, vào năm 2018, Việt Nam đã đón 350.000 lượt khách quốc tế tới khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng với số tiền chi tiêu khoảng 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, đã có 40.000 lượt khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch kết hợp khám chữa bệnh và chi tiêu tỷ đô. Có thể thấy, cả du khách quốc tế và du khách Việt đều là đối tượng tiềm năng của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe.
Việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe không chỉ thu hút thêm lượng lớn du khách mà còn giúp phong phú hơn cho các sản phẩm du lịch cho khách hàng trong và ngoài nước. Theo đó, kéo dài thời gian lưu trú và tăng thêm những khoản chi tiêu của du khách.