Hành vi tổ chức là gì? Tìm hiểu về khái niệm, vai trò, chức năng và các mô hình liên quan
Tìm hiểu về hành vi tổ chức
Nguồn gốc của cụm từ này
Từ cuối năm 1920 các nghiên cứu về hành vi tổ chức đã xuất hiện. Nổi bật nhất phải kể đến một loạt nghiên cứu nổi tiếng về hành vi của người lao động tại nhà máy Hawthorne Works thuộc công ty Western Electric.
Western Electric đã đưa ra câu hỏi liệu rằng nếu môi trường và máy móc được cải tiến thì năng suất của người lao động có tăng lên không? Thật bất ngờ rằng câu trả lời là không, các yếu tố xã hội mới là quan trọng nhất. Người lao động cho rằng đối với họ đồng nghiệp hòa thuận và sự đánh giá cao của sếp mới là động lực để năng suất họ tăng.
Sau đó cụm từ này ngày càng được nghiên cứu rộng rãi trong những năm tiếp theo. Cho đến hiện tại, nó đã trở thành một lý thuyết kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa ra quyết định về nhân sự.
Hành vi tổ chức là gì?
Hành vi tổ chức hay còn có tên gọi tiếng anh là Organizational Behavior, là một môn khoa học quản lý nghiên cứu về các hành vi, thái độ của một cá nhân trong tổ chức và sự tương tác giữa cá nhân với tổ chức ấy.
Bạn cũng có thể hiểu nó là sự phân tích mối quan hệ giữa các cá nhân trong một nhóm, qua đó thấy được sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cá thể trong một tổ chức, tác động của hành vi con người đến năng suất , công việc. Dựa vào sự nghiên cứu ấy ta có thể hình thành và phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong một tổ chức, để từ đó cùng nhau cố gắng đạt mục tiêu chung.
Đối với doanh nghiệp, hành vi tổ chức sẽ giúp đưa ra những phương pháp phù hợp để quản lý nhân sự tốt hơn, phát triển kinh tế doanh nghiệp.
Mỗi một tổ chức, một doanh nghiệp đều có những cá nhân có đặc điểm riêng về tính cách, năng lực, kỹ năng. Các cá nhân này không hoạt động riêng lẻ trong tổ chức, doanh nghiệp mà họ còn liên kết với các cá nhân khác, như là đồng nghiệp, người quản lý trực tiếp,... Sự thay đổi của mỗi cá nhân trong quá trình làm việc lâu dài sẽ tác động đến tổ chức. Vì vậy sự tương tác giữa cá nhân và tổ chức là rất cần thiết.
Có một suy nghĩ sai lầm mà nhiều người mắc phải, đó là hành vi tổ chức không phải nghiên cứu tất cả các hành vi và thái độ, mà nó chỉ nghiên cứu các hành vi, thái độ của người làm có tác động đến kết quả làm việc và nó phải được diễn ra trong một tổ chức.
Vai trò và chức năng của hành vi tổ chức
Vai trò
Mỗi một con người đều đang hoạt động và chịu ảnh hưởng bởi một tổ chức nào đó, đó không chỉ là tổ chức nơi bạn làm việc mà còn là tổ chức xã hội. Hành vi tổ chức nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và tổ chức: con người tạo nên tổ chức, tổ chức tác động đến hành vi con người.
Do đó, nó có vai trò quan trọng trong việc duy trì, điều hòa và phát triển mối quan hệ này, giúp cá nhân gắn bó hơn với tổ chức. Thế nhưng đồng thời tổ chức cũng có trách nhiệm điều chỉnh và khuyến khích sáng tạo để phù hợp với cá nhân, tạo động lực cho người làm.
Vai trò của hành vi tổ chức được thể hiện cụ thể như sau:
- Hành vi tổ chức sẽ giúp người lao động và tổ chức gắn kết với nhau dựa trên lợi ích của cả hai bên, đảo bảo mục tiêu và các giá trị mà tổ chức hướng đến, đồng thời đảm bảo các giá trị và lợi ích cá nhân.
- Nó còn giúp cho các nhà quản lý có cái nhìn đầy đủ về người lao động, để từ đó đưa ra những chính sách, biện pháp phù hợp nhằm đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả trong công việc. Đây là yếu tố quyết định đến việc thúc đẩy kinh tế doanh nghiệp.
- Ngoài ra, thông qua việc nghiên cứu hành vi xã hội mà các nhà quản lý có thể xây dựng môi trường làm việc hiệu quả dựa trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và hợp tác giữa các cá nhân.
- Cuối cùng, đảm bảo sự cân bằng tin tưởng và gắn bó giữa cá nhân với tổ chức, giúp các cá nhân thay đổi thái độ, nhận thức và cách ứng xử sao cho phù hợp với mục tiêu và giá trị tổ chức.
Các chức năng cơ bản
Hành vi tổ chức gồm 3 chức năng cơ bản đó là giải thích, dự đoán và kiểm soát hành vi con người trong tổ chức. Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu rõ hơn về 3 chức năng này nhé!
Chức năng giải thích
Chức năng giải thích là gì? Nó chỉ đơn thuần là đi tìm kiếm một câu trả lời nào đó hay giải thích về một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, khi ta hỏi: “Tại sao cá nhân nào đó lại làm việc này?” nghĩa là ta đang sử dụng chức năng giải thích. Thông qua chức năng này mà các nhà quản lý có thể hiểu được hành vi của con người trong tổ chức, từ đó xác định được nguyên nhân vấn đề.
Chức năng giải thích là chức năng ít quan trọng nhất trong số các chức năng còn lại, bởi vì nó được dùng khi sự việc đã xảy ra.
Chức năng dự đoán
Đây là chức năng được dùng để nhằm vào các sự việc sẽ xảy ra trong tương lai. Nó sẽ định hướng các hành động và xác định các hành động này ảnh hưởng như thế nào đến tổ chức.
Tuy nhiên, vì là dự đoán nên có thể kết quả sẽ là một trong rất nhiều phương án. Do đó khi sử dụng chức năng này, các nhà quản lý cần đánh giá các phản ứng của cá nhân với mỗi phương án khác nhau. Qua đó, nhà quản lý sẽ đoán được phương án tối ưu nhất và sử dụng thông tin đó để đưa ra quyết định.
Chức năng kiểm soát
“Kiểm soát” nghe có vẻ hơi cực đoan đúng không nhỉ? Không chỉ cái tên mà ngay cả bản thân của chức năng này cũng được nhiều người đánh giá là “cực đoan, tiêu cực”. Vì họ cho rằng việc kiểm soát hành vi của người lao động là vi phạm cá nhân. Cố gắng kiểm soát một người khi mà thậm chí bản thân người đó không biết mình bị kiểm soát thì thật là vô đạo đức, không trong sáng.
Tuy nhiên thực chất không phải vậy, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng chức năng này được sử dụng để bảo vệ cá nhân và đảm bảo đạt được mục tiêu của tổ chức. Hiện nay chức năng kiểm soát được áp dụng ngày càng nhiều trong tổ chức và nhiều người nhận định rằng nó là chức năng quan trọng nhất trong hành vi tổ chức , đảm bảo tính hiệu quả trong công việc.
Hành vi tổ chức gồm có những mô hình nào?
Có 4 mô hình để tổ chức vận hành, đó là độc đoán - chuyên quyền, giám hộ, hỗ trợ và đồng tâm hiệp lực. Mỗi mô hình sẽ có một đặc điểm riêng, hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu rõ hơn về từng mô hình nhé!
Mô hình độc đoán - chuyên quyền
Đây là mô hình quản lý lấy quyền lực làm trung tâm. Khi tổ chức theo mô hình này thì các cá nhân phải tuân thủ và phụ thuộc vào quyết định của quản lý. Các nhân viên phải nghe theo mọi quyết định của tổ chức. Đồng thời, mọi hoạt động trong tổ chức phải được sự đồng ý của cấp trên.
Mô hình này không tạo ra được môi trường làm việc hiệu quả, không phát huy tối đa năng lực của cá nhân, khiến cho hiệu suất làm việc thấp. Do đó, đây là mô hình ít được áp dụng. Ta thường thấy mô hình này ở quân đội hay một số các tổ chức trong bộ máy chính quyền nhà nước.
Mô hình giám hộ
Đối với mô hình này thì nguồn lực kinh tế và các định hướng quản lý tài chính là trung tâm. Vì vậy mà mọi hoạt động và hành vi của cá nhân đều hướng đến mục đích chung là đem lại lợi nhuận cho tổ chức.
Khi áp dụng mô hình này cho tổ chức thì các cá nhân sẽ đảm bảo được sự an toàn, tuy nhiên lại khiến họ bị động và phụ thuộc vào công ty.
Mô hình hỗ trợ
Một tổ chức vận hành theo mô hình hỗ trợ thì tổ chức này sẽ hoạt động theo nguyên tắc quản lý phải đi cùng hỗ trợ. Nhờ vậy mà các cá nhân có thể chủ động tham gia, thực hiện nhiệm vụ của mình, hỗ trợ các thành viên khác hoạt động có hiệu quả nhất.
Mô hình này đáp ứng nhu cầu “được công nhận” của các cá nhân, khiến cho họ hoạt động tích cực, làm việc có hiệu quả hơn trong tổ chức.
Mô hình đồng tâm hiệp lực
Như cái tên của nó, mô hình này được hình thành dựa trên sự đoàn kết, sự hợp tác, đồng lòng của các thành viên trong tổ chức. Theo đó các nhân viên sẽ tự nâng cao trách nhiệm và tính kỷ luật của bản thân.
Đồng thời mô hình này còn tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu “tự khẳng định bản thân”. Do đó, khiến mỗi cá nhân tự nguyện lao động, nâng cao năng suất.
Tuy nhiên trên thực tế thì hầu hết các tổ chức không hoạt động theo một mô hình duy nhất. Mà các tổ chức kết hợp hài hòa cả 4 mô hình trên để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Có nên vận dụng hành vi tổ chức vào trong doanh nghiệp?
Một trong những câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất hiện nay là: “có nên áp dụng việc nghiên cứu hành vi, thái độ của cá nhân vào trong doanh nghiệp hay không?”. Câu trả lời là có! Vì việc này sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra được các hướng đi cụ thể, một môi trường làm việc chất lượng,. Từ đó thúc đẩy năng suất, chất lượng làm việc của mỗi cá nhân, tạo điều kiện cho tổ chức phát triển. Vậy dại gì mà không áp dụng hành vi tổ chức cho doanh nghiệp nhỉ?
Lời kết
Bài viết trên chúng tôi đã đưa ra những thông tin để trả lời cho câu hỏi: “Hành vi tổ chức là gì?” và một số thông tin khác liên quan. Mong rằng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích. Đừng quên theo dõi website để không bỏ lỡ những bài viết hay nhé!