Hàng tồn kho của Petrolimex và PV Oil giảm gần 9.000 tỷ sau quý 3/2022
BÀI LIÊN QUAN
Lỗ lớn mảng kinh doanh xăng dầu, Petrolimex bất ngờ đạt doanh thu 3 tỷ USD quý IIIDoanh nghiệp xăng dầu vẫn gặp khó vì nguồn cung nhỏ giọt và chiết khấu vẫn thấpSau 9 tháng đầu năm, ông lớn ngành xăng dầu ước lỗ 780 tỷ đồngHàng tồn kho giảm mạnh sau quý 3
Trong 2 quý đầu năm Petrolimex và PV Oil luôn duy trì lượng tồn kho khổng lồ, dao động trong khoảng từ 25.000 đến 30.000 tỷ đồng. Đến quý 3, hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước bắt đầu xả kho mạnh. Tính tại thời điểm ngày 30/9/2022, hai doanh nghiệp này có tổng giá trị tồn kho ở mức hơn 18.200 tỷ đồng, so với thời điểm cuối quý 2 cùng năm đã giảm 8.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, có một điều cần phải lưu ý đó là, giá trị xuất kho sẽ lớn hơn nhiều so với các con số trên, bởi các doanh nghiệp này vẫn phải duy trì hoạt động nhập kho.
Vào cuối quý 3 năm nay, lượng tồn kho của Petrolimex đã giảm xuống hơn 6.800 tỷ đồng so với thời điểm ngày 30/6 và chỉ còn 14.700 tỷ đồng. Cũng trong quý 3, doanh nghiệp đã trích dự phòng giảm giá 432 tỷ đồng, so với con số hơn 1.300 tỷ đồng thời điểm cuối quý 2 đã giảm xuống đáng kể. Trong khi đó, PV Oil lại tăng mạnh trích lập dự phòng giảm giá lên mức hơn 150 tỷ đồng, trong khi cuối quý 2 doanh nghiệp này mới chỉ trích gần 17 tỷ đồng. Tính tại thời điểm ngày 30/9, lượng tồn kho của PV Oil là gần 3.500 tỷ đồng, so với cuối quý 2/2022 đã giảm gần 1.900 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong bối cảnh giá dầu thế giới lao dốc, lượng tồn kho của 2 nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam là Petrolimex và PV Oil cũng đã giảm mạnh. Trong quý 3 năm nay, giá dầu Brent đã giảm gần 21%, thậm chí có những thời điểm còn xuống dưới sát mức 80 USD/thùng. Đồng thời, giá xăng dầu trong nước cũng theo xu hướng chung, liên tục giảm xuống sau các đợt điều chỉnh trong quý 3.
Cụ thể, có thời điểm giá xăng RON 95-III xuống dưới mức 22.000 đồng/lít trong khi E5 RON 92 cũng đã giảm xuống dưới 21.000 đồng/lít trước trước khi quay đầu tăng trở lại trong 3 kỳ điều chỉnh gần đây nhất. Thế nhưng, giá xăng thời điểm hiện tại vẫn còn thấp hơn khi so với hồi đầu năm.
Doanh thu ở mức cao dù giá xăng giảm mạnh
Đáng chú ý, trong quý 3 năm nay dù giá xăng liên tục giảm mạnh, thế nhưng tổng doanh thu của 2 nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex và PV Oil vẫn luôn được duy trì ở mức cao. Cụ thể, tổng doanh thu trong quý 3 là gần 100.000 tỷ đồng, chỉ thua kém con số kỷ lục đã được thiết lập trong quý liền trước đó. Doanh thu của Petrolimex trong quý 3 năm nay là 73.700 tỷ đồng trong khi “ông lớn” PV Oil cũng mang về gần 26.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đều đã tăng cao gấp đôi.
Tuy nhiên, có một điều cần phải lưu ý đó là, doanh thu năm nay của các doanh nghiệp này được so sánh với mức nền rất thấp của cùng kỳ năm trước khi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế việc đi lại. Thế nhưng, mức doanh thu cao và ấn tượng của Petrolimex và PV Oil cũng đã phần nào phản ánh được sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong thời gian qua của người dân. Đây được coi là một điều khá dễ hiểu trong bối cảnh các hoạt động kinh tế gần như đã được nối lại hoàn toàn sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Bên cạnh đó, doanh thu của Petrolimex và PV Oil dù đồng pha tuy nhiên lợi nhuận của 2 nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước này lại vẫn chịu cảnh tượng “chia đôi ngả” trong quý 3/2022. Cụ thể, trong khi Petrolimex đã bắt đầu có lãi trở lại trong quý này với lợi nhuận sau thuế là 190 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước tăng gần 2,4 lần) thì PV Oil đã báo lỗ 373 tỷ đồng trong quý vừa qua, mức lỗ sâu nhất kể từ quý đầu năm 2020. Được biết, PV Oil từng ghi nhận mức lãi kỷ lục trong quý 2 năm nay.
Liên quan đến kết quả kinh doanh của mình, giải trình từ phía Petrolimex cho biết, lợi nhuận quý 3 của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ những hoạt động khác. Trong đó, một số công ty con kinh doanh ở trong lĩnh vực vận tải và nhiên liệu bay đã hoạt động ổn định trở lại sau giai đoạn “đóng băng” vì Covid-19. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn phải gánh thêm khoản lỗ từ tỷ giá, cộng thêm những hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng thua lỗ. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục diễn biến thất thường theo xu hướng giảm. Đồng thời, chi phí từ khâu tạo nguồn và khâu lưu thông thực tế vẫn tăng cao hơn khi so chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở.
Còn theo PV Oil, việc doanh nghiệp thua lỗ trong quý vừa qua là do giá dầu thế giới đảo chiều giảm liên tục vì lo ngại về suy thoái kinh tế cũng như lạm phát sau khi đạt đỉnh vào tháng 6 năm nay. Đồng thời, Nhà nước cũng đã liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong quý 3 khiến lãi gộp của PV OIL giảm sâu, trong khi các chi phí tăng lên.