Hà Nội: Thưởng Tết 2023 tại một số ngành sẽ giảm sâu
BÀI LIÊN QUAN
Bộ Tài chính ban hành chỉ thị tăng cường bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán năm 2023Tăng gấp đôi chuyến bay đêm phục vụ Tết Nguyên đán tại Tân Sơn NhấtGiữa làn sóng cắt giảm lao động, nhiều doanh nghiệp tăng thưởng Tết, hỗ trợ việc làm để níu chân nhân viênTiền lương tăng, tiền thưởng Tết giảm
Theo baodautu.vn, thông tin Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội công bố về tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng của người lao động trên địa bàn, dự báo tiền lương bình quân chung của người lao động trong năm 2022 tại Hà Nội tăng khoảng 6 - 7% so với năm 2021.
Đây là kết quả của tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong những tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó quy định mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%.
Mặc dù, mức lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng nhưng thu nhập hiện nay của người lao động vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. Nguyên nhân do giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ xã hội và các mặt hàng thiết yếu tăng cao nên đời sống của đa số công nhân lao động trực tiếp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Về vấn đề thưởng Tết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội dự báo tiền thưởng sẽ giảm hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, giảm sâu ở các ngành nghề như da giày, dệt may, chế biến gỗ, điện tử,...
Do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các nước là đối tác lớn của Việt Nam thắt chặt kinh tế, giảm nhu cầu mua hàng đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp thiếu, thậm chí là không có đơn hàng mới, buộc phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm nhân công.
Một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội có tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn dẫn đến việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục có chiều hướng giảm. Các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực kinh tế mạnh cũng đang phải gồng lỗ để duy trì lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng.
Tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội từ số liệu thống kê của các quận, huyện, thị xã, tính đến ngày 15/11, trên toàn địa bàn đã có 31 doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó có 18 doanh nghiệp dân doanh, 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 1 doanh nghiệp nhà nước. Trong doanh nghiệp dân doanh có 259 lao động bị ảnh hưởng, 86 lao động trong doanh nghiệp nhà nước bị ảnh hưởng và hơn 2.000 lao động trong doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng.
Ngành dệt may có 790 lao động bị giảm giờ làm, 635 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Điện tử có hơn 1.500 lao động bị giảm giờ làm, 439 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Ngành cơ khí có 75 lao động bị giảm giờ làm, chưa có lao động bị chấm dứt hợp đồng. Các ngành nghề khách có trên 1.5000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Đặc biệt, các ngành da giày, chế biến gỗ theo thống kê chưa ghi nhận lao động bị giảm giờ làm hoặc bị chấm dứt hợp đồng.
Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã ban hành công văn gửi Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp tình hình lương, thưởng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý. Yêu cầu các đơn vị gửi báo cáo về Sở để tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 25/12.
Thiếu đơn hàng có thể kéo dài đến năm 2023
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có tình trạng công nhân làm 5 ngày/tuần hoặc 15 ngày/tháng và được khuyến khích ứng ngày nghỉ phép của năm 2023. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn xây dựng phương án cho người lao động nghỉ dài ngày, có thể kéo dài cả tháng hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng. Những doanh nghiệp này tập trung ở nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông.
“Thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài sang năm 2023, nhất là ở các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội dự báo.
Để hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng trong thời điểm cuối năm có thể tìm việc làm mới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã giao Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu lao động.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, phía Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các giải pháp hỗ trợ nhóm lao động bị mất việc. Dịp cuối năm, trung tâm sẽ tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm với các địa phương để gia tăng cơ hội tìm việc cho người lao động, doanh nghiệp tuyển dụng được người lao động đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2021, bình quân mức thưởng Tết Dương lịch của nhóm công ty có cổ phần là 500.000 đồng/người; khối doanh nghiệp FDI là 650.000 đồng/người; khối doanh nghiệp dân doanh là 670.000 đồng/người; nhóm công ty TNHH 1 thành viên là 900.000 đồng/người.
Mức thưởng Tết Nguyên đán của nhóm công ty TNHH 1 thành viên là: 3.200.000 đồng/người; công ty cổ phần 3.400.000 đồng/người; khối doanh nghiệp dân doanh 3.700.000 đồng/người; khối doanh nghiệp FDI bình quân: 4.200.000 đồng/người.