Gói tài chính mới tung ra nhằm ưu tiên phát triển nhóm nhà ở xã hội
Phân khúc bất động sản cần được ưu tiên gói tín dụng hỗ trợ theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo đó, các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất, đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế trong đó có nhu cầu chính đáng của người dân vay mua nhà ở. Hướng đến tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án khả thi, có pháp lý rõ ràng, minh bạch, sớm đi vào hoàn thành sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, có khả năng trả nợ vay đầy đủ.
Ở phân khúc bất động sản bình dân này, các ngân hàng thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất. Đây được xem là động thái tích cực với thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, gói tín dụng 110.000 tỷ đã được Thủ tướng đồng ý đưa vào Nghị quyết sắp tới là dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được phân định rõ 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay còn 55.000 tỷ đồng cho người dân vay. Còn với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thì sẽ thống nhất dành cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Gói 110.000 tỷ động nằm trong đề án tổng thể về phát triển nhà ở xã hội, hướng đến đối tượng mua các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Với gói 120.000 tỷ đồng thì đây sẽ là chương trình cam kết của các Ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi hơn dành cho doanh nghiệp và nhóm người mua nhà có thu nhập thấp và nhà ở bình dân.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, bất động sản là là lĩnh vực đặc thù, cần nhiều thời gian và nguồn vốn lớn để thực hiện một dự án. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vay vốn, đặc biệt là cố gắng giải ngân tiếp cho các dự án đang thực hiện dở dang, các dự án có đầy đủ pháp lý.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cố gắng giảm mặt bằng lãi suất. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tổ chức tín tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này”.
Bà Hồng cũng nhấn mạnh các ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính, dự án khả thi, đảm bảo pháp lý, phục vụ nhu cầu thực của người có nhu cầu thực hơn là đối với các đối tượng đầu cơ, tích trữ. Hiện tại, đã có 4 ngân hàng quốc doanh thống nhất sẵn sàng vào cuộc với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Cụ thể, các ngân hàng sẽ ưu tiên hoàn thành thủ tục vay vốn với các dự án đầy đủ các hồ sơ như giấy tờ bàn giao đất, các loại giấy phép về xây dựng, mở bán sản phẩm, các chủ đầu tư lớn, các dự án lớn đang triển khai, các hồ sơ vay của cá nhân đã được cấp tín dụng đang “pending”… Ngoài ra, các yếu tố được xem xét sẽ là: uy tín, kinh nghiệm phát triển, năng lực chủ đầu tư được thẩm định thông qua các dự án đã phát triển trước đó, khả năng thanh khoản tốt, sản phẩm phục vụ mục đích thực của người ở.
Với những dòng sản phẩm bất động sản được quy hoạch bài bản, có hồ sơ “sạch” được cho là sẽ tiếp tục được ưu tiên dòng vốn tín dụng dồi dào trong năm 2023.
Còn với đối tượng người có nhu cầu vay tín dụng để mua nhà ở thực trong các dự án do chủ đầu tư phát triển, nếu chủ đầu tư có quỹ đất sạch, pháp lý đầy đủ, uy tín trên thị trường thì dự án luôn nằm trong danh sách được các ngân hàng ưu tiên cho vay.
Như vậy, nếu muốn hưởng ưu đãi từ gói vay này, người mua nhà và doanh nghiệp đều phải đáp ứng đủ các tiêu chí về điều kiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được quy định trước đó.
Như vậy, rót vốn tín dụng vừa gỡ rối cho thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại nhưng đồng thời cũng góp phần “thanh lọc”, tập trung vốn vào những nhà phát triển bất động sản có đủ sức khỏe, năng lực, từ đó khơi thông được nguồn cung, thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.
Nguồn cung nhà ở xã hội đạt được từ thực tế còn một khoảng cách quá lớn so với kỳ vọng đặt ra. Nguyên nhân do quá trình triển khai phát triển nhà ở xã hội còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nếu phát triển nhà ở xã hội giống nhà ở thương mại rồi đưa ra những khung giá không phù hợp với điều kiện thị trường, các nhà đầu tư rõ ràng không mặn mà, vì làm ra sản phẩm còn phải xin phê duyệt về giá bán, cùng những thủ tục phức tạp hơn nhà ở thương mại. Do đó, muốn tiết kiệm chi phí phải thực hiện các dự án quy mô lớn, còn làm nhỏ không thể giảm. Nên việc thay đổi tư duy trong phát triển nhà ở xã hội là điều rất cần thiết.
Các gói tín dụng dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân này sẽ là một trong những gói tín dụng mang tính nhân văn, thúc đẩy hoạt động của thị trường BĐS trong thời gian tới, một tín hiệu đáng mừng. Việc đưa được gói tín dụng ra thị trường, tiếp cận đúng và trúng đối tượng mong muốn, đáp ứng đúng nhu cầu thực của xã hội thì sẽ là bước đệm quan trọng để thị trường BĐS phát triển ổn định./.