Giá xăng dầu cao, người nông dân mất dần động lực sản xuất lúa mì
Tờ New York Times cho biết sau khi thiết lập mức đỉnh vào tháng 2, giá lúa mì gần đây đã bất ngờ giảm mạnh. Mặc dù giá đã giảm đi nhưng nguồn cung lúa mì vẫn khan hiếm, do vậy các chuyên gia không khỏi lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ sớm xảy ra.
Tương tự như các loại hàng hóa cơ bản và thiết yếu khác, giá lúa mì cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như chính trị, vị trí địa lý và điều kiện thời tiết. Mặc dù các quốc gia chuyên nhập khẩu lương thực sẽ được hưởng lợi khi giá lúa mì giảm, thế những điều này lại khiến cho người nông dân ở các nước nông nghiệp cảm thấy chán nản và sản xuất lúa mì ít hơn.
Nhờ giá lúa mì giảm đi, người nghèo có thể tiếp cận được nguồn lương thực thiết yếu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề vẫn chưa để được giải quyết hoàn toàn.
Theo ông Ehsan Khoman - chuyên gia nghiên cứu thị trường của Mitsubishi UFJ Financial Group, bức tranh toàn cảnh chưa thực sự có sự biến động. Ông đưa ra cảnh báo rằng: “Nhiều khả năng, giá lương thực có thể sẽ vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta”.
Theo quan điểm của ông, các nhà chức trách sẽ cần phải chú ý đến chuỗi cung ứng năng lượng và thực trạng biến đổi của môi trường mà không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát giá cả lương thực.
Giá lúa mì có nhiều biến động
Xung đột giữa Nga và Ukraine được đẩy lên cao trào sau khi Chiến dịch quân sự đặc biệt xảy ra tại Ukraine vào hồi cuối tháng 2/ 2022. Vụ việc này đã khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Một phần nguyên nhân chủ yếu gây ra điều này đến từ các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga. Do đó, nguồn cung của mặt hàng này đã bị gián đoạn trên toàn cầu.
Trong các hợp đồng tương lai vào tháng 1, giá lúa mì rơi vào khoảng 7,7 USD/giạ (1 giạ khoảng 28 kg). Thế nhưng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá lúa mì tăng vọt lên mức 13 USD/ giạ. Tuy nhiên, giá lúa mì đã giảm mạnh xuống khi chỉ bằng mức đầu năm là vào khoảng 8 USD/ giạ vào tháng 6 vừa qua.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho rằng người nông dân đang bị tác động lớn do giá tăng và nguồn cung gián đoạn bởi lẽ xuất khẩu lúa mì tại Nga và Ukraine chiếm tới 28% tổng lượng toàn cầu.
Trong bối cảnh các mặt hàng như xăng dầu và khí đốt chỉ giảm một chút thì lúa mì lại giảm tới gần một nửa. Điều này khiến cho những người nông dân dần mất động lực sản xuất.
Ở một mặt khác, tình trạng thiếu lương thực sẽ xảy ra khi cắt giảm sản lượng, nhất là đối với những nước nhập khẩu nhiều lúa mì từ Nga và Ukraine như Indonesia, Ai Cập và Somalia.
Xuất khẩu gặp trở ngại
Trong thời gian gần đây, giá lúa mì đã giảm mạnh và một trong những nguyên nhân chính là do Nga và Ukraine đã đi đến một thỏa thuận cho phép xuất khẩu hơn 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt tại biển Đen vì chiến sự.
Thế nhưng, theo các chuyên gia thỏa thuận này có thể sẽ không được duy trì trong khoảng thời gian dài. Bởi vậy toàn bộ vấn đề của thị trường ngũ cốc toàn cầu khó có thể giải quyết được hoàn toàn.
Bà Tracey Allen, chiến lược gia mảng hàng hóa nông nghiệp tại JPMorgan Chase cho rằng thỏa thuận này chỉ là một biện pháp tạm thời để giải quyết tình trạng thiếu lương thực của toàn cầu.
Thực tế cho thấy, giá lúa mì cũng phụ thuộc vào những yếu tố khác như giá phân bón, giá năng lượng và những yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu. So với thỏa thuận xuất khẩu bền vững giữa Nga và Ukraine, những vấn đề này còn đóng vai trò lớn hơn. Bởi vậy, các chuyên gia vẫn có xu hướng thiên về khả năng giá lúa mì sẽ bật tăng trở lại.
Bà Allen nói thêm: “Giá cả của các mặt hàng sẽ còn tăng cao hơn nữa và người tiêu dùng sẽ nhận ra điều đó khi họ đi mua đồ ở các siêu thị”.
Áp lực từ biến đổi khí hậu
Thực tế cho thấy hạn hán cũng như biến đổi khí hậu từ năm ngoái đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với thị trường lương thực toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Nga và Argentina vẫn dự kiến có một mùa vụ bội thu vào mùa hè này. Mặt khác, các quốc gia nông nghiệp khác lại bị tác động do nắng nóng gay gắt và lượng mưa giảm mạnh.
Nhiệt độ tại Canada đã tăng lên mức cao kỷ lục. Đây là một trong những quốc gia cũng xuất khẩu rất nhiều lúa mì. Vào cuối tháng 7 năm ngoái, có tới hơn 70% diện tích đất nông nghiệp tại Canada bị khô bất thường và không thể dùng được cho trồng trọt.
USDA cho biết tổng sản lượng lúa mì của Canada đã giảm tới 40% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đã khiến lượng xuất khẩu lúa mì sang các nước Mĩ La tinh giảm hơn ba triệu tấn.
Giá lúa mì đầu năm nay đã tăng hơn 30% so với cùng thời điểm vào năm 2020 do nguồn cung toàn cầu giảm sút và thời tiết không mấy thuận lợi.
Theo dự báo sản lượng nông sản của Canada và Dakota của Mỹ sẽ tăng trong năm tới. Tuy nhiên Ấn Độ và châu Âu cũng sẽ phải hứng chịu một đợt nắng nóng kinh khủng khiến năng suất có thể có nguy cơ giảm mạnh.
Theo cảnh báo từ các chuyên gia khí hậu, sự biến đổi của khí hậu có thể sẽ rõ ràng hơn nữa và tác động tồi tệ đến nông nghiệp của toàn thế giới.
Người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề vì giá dầu tăng cao
Ngoài những yếu tố đề cập ở trên, giá dầu cũng có thể là một phần quan trọng vì nó tác động phần lớn đến chi phí vận hành thiết bị tại nông trại và chi phí vận chuyển ngũ cốc. Thậm chí, giá khí tự nhiên như Nitơ còn quan trọng hơn bởi lẽ chúng được sử dụng để sản xuất phân bón dùng trong nông nghiệp.
Mới đây, nhà sản xuất phân bón lớn nhất toàn cầu là Nga đã hạn chế nguồn cung khí đốt tự nhiên tới châu Âu. Không chỉ khiến giá nhiên liệu tăng cao mà điều này còn đẩy giá thành của phân bón làm từ Nitơ đến mức cao khiến cho giá lúa mì cũng tăng lên theo.
Lợi nhuận của người nông dân có thể kiếm được bị giảm sút vì chi phí nhiên liệu và phân bón tăng cao. Điều này khiến người nông dân ở các nước nông nghiệp chán nản và không còn động lực để sản xuất.
Theo quan điểm của ông Dan Basse - chủ tịch công ty nghiên cứu nông sản AgResource, điều đó thực sự đúng với Ukraine nhất là khi nước này còn đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu lương thực của mình.
Theo dự báo của USDA, lượng xuất khẩu lúa mì của Ukraine có thể sẽ giảm xuống chỉ còn 10 triệu tấn thay vì 18,8 triệu tấn so với hồi tháng 12 năm 2021.
Ông Basse chia sẻ thêm: “Người nông dân không còn đủ khả năng để tiếp tục trồng vụ mới. Để khuyến khích họ trồng vụ mùa sắp tới, giá lúa mì toàn cầu buộc phải tăng lên”.
Thế nhưng người nông dân tại khu vực có chiến sự ở Ukraine vẫn gặp nhiều trở ngại vì không có nơi để canh tác cho dù giá đã tăng để kích thích sản xuất. Theo bà Allen, giá tăng cao đến mức nào đều không còn quan trọng. Thay vào đó, vấn đề lúc này là làm sao để vận chuyển được lương thực tới người tiêu dùng.